
7 bị cáo có kháng cáo trong vụ Xuyên Việt Oil - Ảnh: TUYẾT MAI
Có thiện chí khắc phục hậu quả
Theo hội đồng xét xử, đối với bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, tội phạm mà bị cáo thực hiện đặc biệt nghiêm trọng. Trong khoảng thời gian 2016-2022, bà Hạnh đã chỉ đạo nhiều nhân viên Công ty Xuyên Việt Oil đưa hối lộ cho các bị cáo trong vụ án có chức vụ, quyền hạn tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để được cấp phép kinh doanh xăng dầu, với tổng số tiền đưa hối lộ hơn 31 tỉ đồng.
Quá trình kinh doanh, bị cáo cùng đồng phạm vi phạm việc thiết lập, xử lý sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), thuế... đến nay thất thoát tài sản đặc biệt lớn cho Nhà nước, chưa có khả năng thu hồi.
Ông Lê Đức Thọ và 5 người được giảm án trong vụ Xuyên Việt Oil
Hành vi các bị cáo xâm phạm hoạt động quản lý tài sản của cơ quan nhà nước, tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng quốc gia.
Tòa sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác, khắc phục hậu quả và nhiều tình tiết khác. Nhưng vì số tiền bị cáo nộp khắc phục hậu quả không đáng kể nên tòa sơ thẩm áp dụng mức hình phạt là tương xứng mức độ, hành vi phạm tội...
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo nộp thêm hơn 6 tỉ đồng và dùng quyền sử dụng đất đã kê biên để khắc phục... Đánh giá thái độ, thiện chí khắc phục hậu quả, hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ cho bị cáo Hạnh tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; giữ nguyên mức hình phạt 11 năm tù về tội đưa hối lộ.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil), dù là phó giám đốc công ty nhưng không vụ lợi, vai trò giúp sức hạn chế... Cấp sơ thẩm xử phạt 6 năm tù là phù hợp.
Tại giai đoạn phúc thẩm, gia đình bị cáo nộp thêm 30 triệu đồng khắc phục hậu quả chung. Trên cơ sở xem xét, bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không vụ lợi, có thiện chí khắc phục hậu quả, cấp phúc thẩm cân nhắc, xem xét giảm nhẹ một phần.
Thể hiện chính sách nhân đạo, khuyến khích khắc phục hậu quả
Đối với các bị cáo Lê Đức Thọ, Trần Duy Đông, Hoàng Anh Tuấn, Lê Duy Minh, Nguyễn Lộc An là người có chức vụ, quyền hạn... nhưng đã nhận quà, lợi ích vật chất từ bà Hạnh để thực hiện không đúng, không đủ công việc được giao, lợi dụng công việc được giao để trục lợi... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cấp sơ thẩm đã cân nhắc xem xét tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động khai báo.... và nhiều tình tiết giảm nhẹ như điều kiện, hoàn cảnh phạm tội để xử phạt tương xứng hậu quả, tính chất hành vi của các bị cáo.
Tại giai đoạn phúc thẩm, các bị cáo không bị tuyên buộc trách nhiệm dân sự nhưng đã tác động gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Cụ thể, gia đình ông Lê Đức Thọ nộp gần 15 tỉ đồng để khắc phục. Trên cơ sở xem xét đóng góp, quá trình công tác của các bị cáo được tặng huân chương, bằng khen, gia đình có truyền thống cách mạng, đã nộp lại tiền thu lợi bất chính, có thiện chí khắc phục hậu quả vụ án, hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm hình phạt cho bị cáo Thọ.
Gia đình bị cáo Lê Duy Minh nộp thêm số tiền chênh lệch tỉ giá USD, và nộp khắc phục tổng cộng hơn 1 tỉ đồng. Gia đình bị cáo Trần Duy Đông nộp tiền phạt bổ sung và nộp khắc phục 600 triệu đồng. Gia đình bị cáo Hoàng Anh Tuấn nộp tiền phạt bổ sung và nộp khắc phục 600 triệu đồng... hội đồng xét xử xét thấy để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, khuyến khích, ghi nhận người phạm tội có thiện chí khắc phục hậu quả vụ án nên chấp nhận kháng cáo.
Riêng bị cáo Nguyễn Lộc An, dù khắc phục 100 triệu đồng và nộp tiền án phí, tiền phạt bổ sung... Tuy nhiên, bị cáo có vai trò tích cực trong việc cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu khi Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện, dẫn đến nhiều sai phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... Mặc khác bị cáo An tiếp tục bị TAND TP Hà Nội xét xử vụ án khác về tội nhận hối lộ, nên mức án đã tuyên là phù hợp.
BÌNH LUẬN HAY