
Đà Lạt là thành phố đã đạt nhiều danh hiệu quốc tế về du lịch và di sản, trở thành thương hiệu toàn cầu - Ảnh: M.V.
Ngày 20-4, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ban hành các nội dung lấy ý kiến cử tri đại điện hộ gia đình về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh, trong đó có lý giải việc chọn Đà Lạt là trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập thêm 2 tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông.
Đà Lạt là thương hiệu toàn cầu
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về kết nối vùng, hạ tầng giao thông và đã là thương hiệu du lịch toàn cầu.
Đà Lạt có khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ, là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm chất lượng như hoa Đà Lạt, rau sạch, dâu tây, atisô. Thành phố tập trung các trang trại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đà Lạt còn nổi tiếng về du lịch xanh và nghỉ dưỡng, thu hút khách nhờ cảnh quan đẹp, hồ nước, rừng thông và kiến trúc văn hóa đặc trưng. Sự kết hợp giữa du lịch sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao tạo ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững.
Đà Lạt được du khách trong nước và quốc tế biết đến với nhiều tên gọi đặc sắc như "Thành phố ngàn hoa", "Thành phố sương mù", "Thành phố ngàn thông", "Thành phố tình yêu"…
Cuối tháng 3-2025, TP Đà Lạt được nhận 2 giải thưởng: Giải thưởng Festival châu Á 2025 (2025 Asia Festival Awards) ở hạng mục Festival Hoa và Vườn châu Á 2025 và Giải thưởng Đỉnh cao châu Á (Asia Pinnacle Awards) ở hạng mục Festival thân thiện với môi trường nhất do Hiệp hội Festival và sự kiện quốc tế châu Á (IFEA ASIA) bình chọn.
Cuối năm 2023, Đà Lạt cũng được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc.
Đà Lạt trở thành vùng kinh tế trọng điểm
Nhiều năm qua, TP Đà Lạt được biết đến là trung tâm du lịch, kinh tế và văn hóa quan trọng của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên; là địa danh có thương hiệu toàn cầu về du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao, khí hậu trong lành, thu hút du khách cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong tương lai, TP Đà Lạt đang được quy hoạch phát triển theo định hướng trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, du lịch, khoa học kỹ thuật khu vực Tây Nguyên; Đà Lạt và vùng phụ cận được quy hoạch xây dựng thành trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực Đông Nam Á, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách các nước phát triển, có thu nhập cao.

Trung tâm thành phố Đà Lạt - Ảnh: M.V.
Hợp nhất ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ giúp Đà Lạt trở thành vùng kinh tế trọng điểm. Đắk Nông là khu vực miền núi, Bình Thuận có biển, Đà Lạt trở thành điểm kết nối hài hòa để đưa Lâm Đồng phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
Tỉnh Lâm Đồng khẳng định với các yếu tố nêu trên, Đà Lạt là lựa chọn thích hợp làm trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới, đảm bảo quản lý bền vững và tối ưu hóa nguồn lực; đồng thời tạo động lực đưa tỉnh mới trở thành một trong những khu vực phát triển mạnh mẽ và đáng sống nhất trong khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Tỉnh Lâm Đồng có diện tích lớn nhất nước sau sáp nhập
Theo quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14-4-2025 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng sẽ sáp nhập với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông, và thành lập tỉnh mới lấy tên gọi là Lâm Đồng.
Tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có diện tích 24.233km², dân số 3.324.400 người. Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện tối ưu hóa nguồn lực, khai thác tiềm năng kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng, hình thành các trung tâm kinh tế lớn, tăng cường sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Sau sáp nhập, Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước.
BÌNH LUẬN HAY