02/04/2025 11:14 GMT+7

Về quê mấy ngày ăn chục đám tiệc, không đi mất lòng mà đi thì mất tiền, thời gian

Cuộc sống ở quê yên bình, gắn kết, nhưng tiệc tùng dày đặc. Đám cưới, đám giỗ, đầy tháng, khai trương - tưởng vui mà đôi khi là áp lực.

đám tiệc - Ảnh 1.

Đám cưới, đầy tháng, giỗ chạp, tân gia… cứ nối tiếp nhau - Ảnh minh họa tạo bởi AI

Về quê mấy ngày, Ngọc không đếm nổi số đám tiệc mình đã dự. 

Đám cưới, đầy tháng, giỗ chạp, tân gia… cứ nối tiếp nhau, chưa kịp cảm nhận hương vị cơm nhà thì lại phải đi tiệc.

Lịch đám tiệc dày đặc, tiền đi đám nhiều hơn tiền nhập hàng

Ngày cuối tuần vừa từ thành phố về nhà, mẹ Ngọc đã hào hứng thông báo: "Mai đám cưới con ông Tư, con nhớ đi nha!".

Chưa đợi Ngọc trả lời, bà đã tiếp tục: "Mốt giỗ nhà bác Hai, rồi đầy tháng bé Út, tân gia chú Ba. Tuần sau có khai trương tiệm cắt tóc của thằng Bình".

Ngọc giật mình, hóa ra mấy ngày về quê của mình đã được lên lịch sẵn, lịch trình dày đặc toàn… tiệc tùng.

Ban đầu, cô cũng háo hức. Lâu rồi mới gặp lại bà con, bạn bè, ai chẳng vui.

Nhưng chỉ sau ba ngày "chạy show" từ sáng đến tối, cô bắt đầu ngán ngẩm.

Sáng đi ăn giỗ, trưa ăn cưới, chiều dự tân gia. Mỗi bữa một kiểu, toàn mâm cao cỗ đầy, riết nên ngán.

Đến ngày thứ tư, vừa về đến nhà, mẹ lại nhắc: "Tối nay đầy tháng bé Bi, con nhớ ăn nhẹ thôi để còn đi nữa!".

Về quê mới mấy ngày phải ăn chục bữa tiệc, chưa bữa nào Ngọc kịp ngồi xuống bàn ăn cơm nhà đúng nghĩa.

Gia đình anh Hùng (40 tuổi) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. 

Sau nhiều năm tha hương, vài tháng trước anh quyết định về quê, thuê một căn nhà gần thị trấn để mở quán ăn.

Anh từng nghĩ rằng cuộc sống sẽ thảnh thơi hơn, vừa buôn bán, vừa chăm sóc cha mẹ già, cho con cái môi trường sống thoải mái hơn. Nhưng thực tế không như anh tưởng.

Từ lúc có ý định mở quán, bà con hàng xóm đã khuyên anh làm tiệc khai trương lớn cho nhiều người biết đến. 

Rồi khi quán mở bán, thiệp mời tiệc tùng cũng tới tấp, đám cưới, đám giỗ, thôi nôi, tân gia, khai trương… Có tuần quán chỉ mở được vài ngày vì vợ chồng anh bận… đi ăn tiệc. 

Ban đầu còn thấy vui vì gặp lại bạn bè, họ hàng, nhưng dần dà, mỗi lần ai đưa thiệp mời, anh lại ngán ngẩm: "Về quê tưởng được ăn cơm nhà, ai dè ăn cỗ nhiều hơn cơm. Có tháng tiền đi đám còn nhiều hơn tiền nhập hàng!".

Không đi thì mất lòng, mà đi thì tốn kém, mất thời gian.

Sao phải vay mượn để làm đám tiệc rình rang!

Không chỉ là chuyện đi đám tiệc đám cỗ, mà ngay cả chuyện tổ chức thế nào cũng trở thành áp lực. 

Ở quê, tiệc gì cũng ráng làm rình rang. Đám cưới thì dựng rạp lớn, đèn hoa sáng rực cả con đường.

Việc tổ chức đầy tháng, thôi nôi cũng không thể kém cạnh, phải trang trí lộng lẫy, bánh kem mấy tầng, mâm cúng đủ món. 

Nhà nào "chịu chơi" còn thuê hẳn đoàn nhạc sống về hát đến khuya, loa đài vang trời.

Anh Hùng kể có lần anh làm sinh nhật cho con, chỉ tổ chức trong nhà, mời vài người thân, nấu vài món đơn giản. Vậy mà hôm sau hàng xóm đã bàn tán: "Làm quán ăn mà đãi có vậy thôi, coi sao được!".

Ai làm tiệc lớn, người ta trầm trồ khen ngợi. 

Ai tổ chức đơn giản, lập tức bị xì xào: "Chắc làm ăn không khá", "Có tiền mà làm sơ sài vậy coi sao được?", "Hồi đi đám nhà người ta hoành tráng lắm, giờ đến lượt mình lại đơn giản thế à?"...

Cứ thế, những lời xì xào, ánh nhìn dò xét dần trở thành thước đo, buộc nhiều người phải gồng mình theo "chuẩn mực" chung.

Theo Ngọc, các nghi lễ, cỗ bàn trong cộng đồng làng quê là nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống, thể hiện sự hiếu khách, tình làng nghĩa xóm.

Tuy nhiên nhiều gia đình dù không dư dả vẫn cố tổ chức linh đình, thậm chí vay mượn để có bữa tiệc "xứng tầm". 

Và sau mỗi buổi tiệc, hình ảnh quen thuộc là những mâm thức ăn thừa chất đống, nhiều món còn gần như nguyên vẹn.

Không chỉ người tổ chức mà ngay cả khách mời cũng chịu áp lực riêng. 

Tiền mừng đám cưới, quà đầy tháng, phong bì giỗ chạp… cộng dồn có thể lên đến cả triệu đồng mỗi tháng, chi phí đi tiệc đôi khi còn nhiều hơn cả chi tiêu hằng ngày.

Về quê mới mấy ngày, ăn chục bữa cỗ tiệc - Ảnh 2.Coi trọng đám cưới hơn đăng ký kết hôn: Thiệt thòi khi 'đụng' chuyện

Dư luận mấy hôm nay bàn nhiều về chuyện chàng trai đi hỏi cưới hai cô gái trong vòng ba tuần sau khi cả hai phụ nữ đều đang mang thai. Hai cô được cưới nhưng không có gì để đảm bảo quyền lợi về hôn nhân đúng pháp luật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0