
Ông Trần Hồng Kỳ vào Nam từ năm 1969 và từng tham chiến ở những trận đánh ác liệt tháng 4-1975 - Ảnh: AN VI
Ngày 26-4, ông Trần Hồng Kỳ (81 tuổi), người chiến sĩ thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 từng đánh các trận ác liệt ở cửa ngõ Xuân Lộc đáp chuyến bay vào TP.HCM.
Khi xưa ông và đồng đội tiến vào Sài Gòn với quyết tâm chiến thắng, lần này hòa bình rồi nhưng nước mắt vẫn rơi…
Thăm lại nơi xưa
Sân bay Tân Sơn Nhất những ngày cận kề 30-4 không khó bắt gặp hình ảnh các cựu chiến binh bay vào TP.HCM.
Họ vào thăm lại chiến trường xưa, để xem những màn diễu binh của thế hệ tiếp nối… Ông Kỳ lặn lội hơn 1.500km với ước nguyện như vậy.
Từ cổng nhà ga sân bay, ông Kỳ bước đi khập khiễng do vết thương chiến trường vẫn còn nhói đau. Nhưng lấp lánh trên ngực áo bộ quân phục đã bạc màu là những huân huy chương chiến công mà người lính năm xưa nhất mực nâng niu.

Anh Nghĩa con trai ông Kỳ và gia đình đón ông tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: AN VI
Ông Kỳ đang là thương binh loại A với tỉ lệ thương tật 41%.
Trong thời gian chiến đấu, ông cũng nhiễm chất độc da cam/dioxin, và người con gái lớn ở với ông ngoài quê đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của chất độc này.
Giọng đặc sệt xứ Nghệ, người lính năm xưa nghèn nghẹn:
“Tôi nhớ hồi xưa khi tôi và các đồng đội đánh từ Xuân Lộc vào Sài Gòn, chỉ có đường Nguyễn Huệ là sầm uất nhất. Bây giờ đâu đâu cũng tấp nập”.
Năm xưa Trung đoàn 2 của ông có nhiệm vụ đánh tan cửa ngõ Xuân Lộc để quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.
Đó cũng là trận đánh ác liệt nhất ông từng tham chiến kể từ khi vào Nam năm 1969.
“Chiến đấu liên tục ngày đêm, chúng ta mở chiến dịch với quyết tâm đánh sập cửa ngõ ấy, địch cũng tử thủ để bảo vệ chốt chặn cuối cùng”, ông Kỳ nhớ lại.

Ông Kỳ là thương binh loại A với tỉ lệ thương tật 41% - Ảnh: AN VI
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ông Kỳ cũng là một trong những người lính tham gia cuộc diễu binh, diễu hành năm đó để mừng nước nhà thống nhất.
Ông nói vũ khí khi đó còn thô sơ, quần áo lúc trước cũng đã phai màu do khói lửa chiến tranh.
“Không đẹp, không hoành tráng như các cháu bây giờ đâu. Chúng tôi lúc trước chỉ quyết tâm đánh giặc, đánh sao thật mạnh, thật hiệu quả để thống nhất nước nhà”, ông Kỳ rưng rưng kể lại.
Quyết tâm đi xem diễu binh
Ông Kỳ có hai người con đang làm việc tại TP.HCM. Anh Trần Hữu Nghĩa (41 tuổi) cho biết suốt một tháng vừa qua ba anh cứ gọi vào hỏi khi nào diễn ra diễu binh để sắp xếp vào xem.
Ở nhà xem thời sự, ông Kỳ thấy các lực lượng quân đội diễu binh rất khí thế.
Đã gần 50 năm kể từ ngày gác lại áo lính về quê làm kinh tế, ông Kỳ vẫn luôn nhớ về những cung đường mình từng diễu binh, diễu hành ăn mừng chiến thắng năm xưa.
“Tôi cũng muốn vào TP.HCM để xem thành quả hòa bình mà thế hệ chúng tôi đã cố gắng giành lấy suốt cuộc chiến khắc nghiệt ấy bây giờ như thế nào.
Xem trên tivi đã thấy tự hào, ngồi trên máy bay thấy sự phát triển nhanh chóng như vậy càng tự hào hơn”, người cựu binh 81 tuổi xúc động.
Anh Nghĩa chia sẻ: “Thật ra tôi với em gái rất lo cho bố. Mấy đợt sơ duyệt vừa qua mọi người tập trung rất đông. Bố tôi yếu, lại có nhiều bệnh nên chúng tôi lo cho sức khỏe của ông”.

Vợ chồng ông Kỳ đến sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: AN VI
Bà Nguyễn Thị Trâm (72 tuổi), vợ ông Kỳ, là người trực tiếp “tháp tùng” ông trong chuyến đi lần này. Bà cho biết trước khi bay vào hai vợ chồng đã đến viện mua sẵn thuốc của ông dùng trong một tuần.
“Trái gió trở trời các vết thương cũ của ông ấy lại đau nhức”, bà Trâm nói.
Đôi chân yếu ớt do sập hầm khi đánh những trận cuối cùng tại Tây Ninh, ông Kỳ chỉ đứng được khoảng 2 phút là phải ngồi.
Vậy nhưng ông luôn khẳng định mình đủ sức khỏe để đi xem các cháu diễu binh.
Kéo chúng tôi ra một phía khác, anh Nghĩa tâm sự: “Ông nói đây là tâm nguyện cuối đời nên hai anh em chúng tôi mới cho ông bay vào. Chứ còn đi xem trực tiếp, tôi sợ rất khó...”.
Phía bên kia, ông Kỳ đang tìm lại giấy tờ chứng nhận thương binh, cựu binh… rồi lại nhìn chăm chú vào màn hình trong sân bay đang chiếu cảnh diễu binh của ngày đại lễ với ánh mắt hừng hực khí thế.
Người lính giải phóng quân năm xưa còn nói rằng năm nay đi xem diễu binh kỷ niệm 50 năm, 10 năm sau sẽ vào TP.HCM xem kỷ niệm 60 năm.
BÌNH LUẬN HAY