
Bị cáo Trịnh Văn Quyết được dẫn giải trong phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: DANH TRỌNG
Ngay từ trước khi tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết, thông tin gia đình ông Trịnh Văn Quyết nộp đủ 2.470 tỉ khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án đã khiến dư luận chia làm hai hướng.
Nhiều ý kiến đồng thuận bày tỏ cảm xúc về việc "đại gia" nộp ngàn tỉ khắc phục hậu quả, đặc biệt quan tâm thông tin vợ ông Quyết thay chồng nộp tiền và ví với hình ảnh "người vợ tào khang" vẫn bên chồng lúc hoạn nạn khó khăn.
Nhưng cũng không ít người đưa ra quan điểm cho rằng việc nộp tiền khắc phục là bắt buộc, nếu giảm án nhiều thì có giảm tính răn đe? Nhận định của hội đồng xét xử (HĐXX) và ý kiến các chuyên gia pháp lý xung quanh việc ông Quyết cùng nhiều bị cáo được giảm án sâu như thế nào?
Vì sao ông Quyết được giảm 14 năm tù?
Bản án phúc thẩm được tòa tuyên hôm 26-6 phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (án sơ thẩm 18 năm tù); 4 tỉ đồng về tội thao túng thị trường chứng khoán (án sơ thẩm 3 năm tù).
Tổng hình phạt phúc thẩm đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết là 7 năm tù, phạt 4 tỉ đồng, được giảm 14 năm tù so với án sơ thẩm. Hai em gái của cựu chủ tịch FLC cũng được giảm án sâu, trong đó một người được hưởng mức án bằng thời hạn tạm giam.
Các bị cáo trong nhóm tội thao túng thị trường chứng khoán cũng được chuyển từ hình thức phạt tù sang phạt tiền.
Theo bản án phúc thẩm, quá trình xét xử cựu chủ tịch FLC đã xuất trình các tài liệu mới như nộp tiền khắc phục hậu quả của vụ án để bồi thường cho các bị hại, hơn 5.000 đơn của các tổ chức cá nhân xin giảm nhẹ cho ông Quyết trong đó có đơn của hơn 100 bị hại.
Ngoài ra, ông Trịnh Văn Quyết sức khỏe đang yếu, mắc nhiều bệnh như lao phổi, hen phế quản, suy thận, viêm gan, viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa... và bệnh viện có báo cáo nhận định cựu chủ tịch FLC "có nguy cơ tử vong rất cao".
"Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong đó bị cáo đã tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án do hành vi phạm tội của mình gây ra theo quyết định của bản án sơ thẩm.
Riêng bản thân bị cáo Quyết đã khắc phục thừa 20 tỉ đồng so với phần trách nhiệm của mình so với bản án sơ thẩm đã tuyên", HĐXX phúc thẩm nhận định khi tuyên án.
Bản án phúc thẩm đánh giá ông Trịnh Văn Quyết tích cực khắc phục hậu quả vụ án và khắc phục thừa đã thể hiện rõ trách nhiệm, thái độ ăn năn, hối cải góp phần giảm thiệt hại cho các bị hại và "cũng là mong muốn sửa chữa lỗi lầm của mình", đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1, điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.
HĐXX nêu quan điểm đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu, xâm phạm quyền sở hữu kinh tế thì việc khắc phục hậu quả vụ án đóng vai trò mấu chốt, trọng điểm để xem xét, quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Tại tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo đã nộp thêm 24,5 tỉ đồng để chứng minh khả năng nộp tiền cho tất cả các bị cáo xin được chuyển hình phạt tù sang phạt tiền đối với tội thao túng thị trường chứng khoán.
Pháp luật không chỉ trừng phạt mà còn cần "khoan dung có điều kiện"
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về mức án dành cho các bị cáo trong vụ án được giảm sâu thì có giảm tính răn đe, luật sư Trương Anh Tú ( TAT Law Firm) nêu quan điểm việc tòa phúc thẩm quyết định giảm từ 21 năm xuống còn 7 năm tù cho ông Trịnh Văn Quyết "không chỉ là diễn biến gây chú ý trong giới tài chính - pháp lý" mà còn là một minh chứng sống động cho tinh thần "không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế" được thể hiện trong nghị quyết 68/2025/TW.
Luật sư Tú cho rằng "hệ thống pháp luật hiện đại không chỉ trừng phạt mà còn biết khoan dung một cách có điều kiện".
"Trong vụ án này bị cáo đã chủ động khắc phục toàn bộ hậu quả, hoàn trả toàn bộ tài sản chiếm đoạt, thậm chí còn nộp thừa số tiền hàng chục tỉ đồng. Hành động đó không chỉ là thiện chí mà còn là nền tảng pháp lý để xem xét giảm nhẹ hình phạt theo Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các nghị quyết hướng dẫn của Quốc hội, TAND tối cao, Viện KSND tối cao", ông Tú phân tích.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý nữa là sức khỏe bị cáo được kết luận đang suy kiệt trầm trọng, nguy cơ tử vong cao - đây là tình tiết giảm nhẹ nhân đạo, thường chỉ áp dụng với các trường hợp đặc biệt.
Đồng thời có tới hơn 5.000 cá nhân, tổ chức gửi đơn xin giảm án, phản ánh sự quan tâm của xã hội và cho thấy yếu tố "mức độ nguy hiểm cho cộng đồng" không còn quá cao tại thời điểm xét xử phúc thẩm, luật sư Tú phân tích thêm.
"Nhưng sâu xa hơn, đây là một vụ án mang tính định hướng chính sách hình sự trong bối cảnh mới. Chúng ta đã và đang từng bước dịch chuyển từ tư duy xử lý nghiêm khắc mọi sai phạm sang xử lý có chọn lọc, có khả năng khôi phục trật tự và tái hòa nhập xã hội.
Chủ trương không hình sự hóa không đồng nghĩa với dung túng. Ngược lại đó là bước tiến tư duy pháp lý, trừng phạt chỉ là một phần của công lý, phần còn lại là cơ hội cho người sửa sai và tái thiết niềm tin", luật sư nêu quan điểm.
Ông Hoàng Văn Hướng, ủy viên hội đồng khen thưởng kỷ luật Đoàn luật sư TP Hà Nội, bày tỏ không hoàn toàn nhất trí quan điểm cho rằng bị cáo được giảm án sẽ giảm tính răn đe. "Bởi vì thực tế đối với con người chắc chắn không một ai muốn đi tù hoặc là đối tượng bị xét xử.
Những quan điểm này là không có căn cứ, tôi xin khẳng định chắc chắn là tính răn đe và phòng ngừa chung không bị giảm đi khi chúng ta thực hiện những chủ trương nhân đạo, nhân ái, nhân văn trong áp dụng chế tài đối với những người đã biết ăn năn hối cải và khắc phục hậu quả, đặc biệt bằng tài sản và những khoản tiền rất lớn".
Từ thực tế tham gia bào chữa tại các phiên tòa, thạc sĩ Bùi Phương Lan - trưởng Văn phòng luật sư Lan Bùi và cộng sự - cho biết không chỉ sau vụ ông Quyết mà trước đó sau nhiều bản án cũng có ý kiến cho rằng việc bị cáo nộp lại tiền thì được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ gây ra hệ lụy khiến người ta có suy nghĩ cứ phạm tội, tham ô, chiếm đoạt tiền đến khi vướng lao lý mới nộp lại thì tội sẽ nhẹ.
"Việc bị cáo nộp lại tiền để khắc phục hậu quả của vụ án chỉ là một trong những các tình tiết giảm nhẹ được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng khi xem xét trong quá trình giải quyết vụ án đối với từng trường hợp phạm tội.
Các tình tiết giảm nhẹ chỉ làm thay đổi mức độ của hành vi phạm tội theo hướng ít nghiêm trọng hơn chứ không làm thay đổi tính chất của tội phạm, vì vậy việc phải chấp hành hình phạt như hình phạt tù, phạt tù nhưng cho hưởng án treo hay cải tạo không giam giữ... dù đã được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhưng vẫn là những hình phạt", bà Lan phân tích.
Theo thạc sĩ Bùi Phương Lan, tại điều 31 Bộ luật Hình sự 2015 quy định "hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới...".
"Hình phạt trước hết là nhằm trừng trị người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Nếu hình phạt không có mục đích trừng trị thì cũng không còn là hình phạt nữa.
Hình phạt cũng nhằm để giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa tội phạm, vì vậy mặc dù luật áp dụng những tình tiết giảm nhẹ nhằm làm giảm bớt một phần trách nhiệm hình sự của người phạm tội nhưng không phải vì thế mà làm giảm nhẹ tính trừng trị hay tính giáo dục của pháp luật", bà Lan bày tỏ.
Vụ án tạo tiền lệ mềm trong thực thi chính sách nhân văn
Nói thêm về bản án, ông Trương Anh Tú cho rằng vụ ông Trịnh Văn Quyết sẽ là "tiền lệ mềm" đáng lưu ý trong thực thi chính sách hình sự nhân văn. Nó khuyến khích các doanh nhân - dù đã lầm lỗi - có động lực để khắc phục hậu quả, phối hợp điều tra và cải tạo tốt thay vì rơi vào tâm thế đối đầu hoặc bất hợp tác.
"Tất nhiên dư luận có quyền đặt câu hỏi. Nhưng xét từ góc độ pháp lý, phán quyết này không phải là ân huệ cá nhân mà là sự vận dụng hợp lý pháp luật hiện hành, dựa trên chủ trương cải cách tư pháp đã được Quốc hội thông qua.
Nếu pháp luật không biết tha thứ đúng lúc thì sự răn đe sẽ thiếu đi tính nhân bản. Và nếu người vi phạm đã hoàn trả toàn bộ thiệt hại - thậm chí trả nhiều hơn - thì công lý đôi khi không cần kéo dài thêm bằng xiềng xích mà cần được đóng lại bằng tinh thần trách nhiệm và cơ hội phục hồi", luật sư Tú bày tỏ.
BÌNH LUẬN HAY