
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy chào người dân đứng hai bên đường, khi hai nhà lãnh đạo đi bộ từ Phủ Chủ tịch sang trụ sở Trung ương Đảng để hội đàm ngày 14-4 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Có thể nói chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình như một lời khẳng định sự coi trọng cao độ của Bắc Kinh đối với Hà Nội trong chính sách ngoại giao láng giềng và hướng nam của nước Trung Quốc.
Mong muốn cùng giàu với láng giềng
Đối với Việt Nam, sự đánh giá cao mối quan tâm của Bắc Kinh cho quan hệ song phương đã được thể hiện rõ qua việc đón tiếp trọng thị ông Tập Cận Bình khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Việt Nam vào trưa 14-4. Đích thân Chủ tịch nước Lương Cường ra sân bay đón ông Tập Cận Bình trong tiếng trống hội và điệu múa của đại diện 54 dân tộc Việt Nam. Còn tại lễ đón cấp nhà nước sau đó dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, 21 loạt đại bác đã được bắn để chào mừng.
Trong cuộc hội đàm sau đó tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi sâu trao đổi về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, quan hệ hai Đảng, hai nước và những vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai bên duy trì thường xuyên trao đổi chiến lược, tăng cường hợp tác hai Đảng và trong các lĩnh vực trọng yếu, thường xuyên là ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Đồng thời thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông chiến lược, dành những ưu đãi tốt nhất về vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, nỗ lực cao nhất trong triển khai để bảo đảm tiến độ dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy chào các thiếu nhi trong lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông cũng đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số, khoa học công nghệ trở thành "điểm sáng" mới trong quan hệ Việt - Trung, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ then chốt; thúc đẩy thương mại cân bằng hơn, đầu tư chất lượng cao hơn, chú trọng triển khai tại Việt Nam các dự án, công trình lớn, tiêu biểu, hỗ trợ Hà Nội và các đô thị lớn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí.
Về giao lưu nhân dân, ông đề nghị đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao trên mọi lĩnh vực. Trong đó có các ngành khoa học cơ bản và các ngành nghề chiến lược mới về công nghệ cao, khuyến khích ngày càng nhiều du khách sang du lịch ở nước bên kia.
Phát biểu tại hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết gần đây Trung Quốc đã tổ chức hội nghị trung ương về công tác láng giềng. Hội nghị nhấn mạnh tầm nhìn về xây dựng "5 ngôi nhà lớn" (hòa bình, an ninh, thịnh vượng, tươi đẹp, hữu nghị) với láng giềng theo phương châm hòa mục với láng giềng, yên ổn cùng láng giềng, làm giàu với láng giềng và thân thiện, chân thành, cùng có lợi, bao trùm. Trên tinh thần đó, ông khẳng định Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, luôn ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Tán thành và đánh giá cao các đề xuất của Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị hai bên kiên trì làm sâu sắc hơn sự tin cậy chiến lược, đi sâu trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước, làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn xã hội chủ nghĩa. Ông hoan nghênh càng nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường rộng lớn của Trung Quốc, khuyến khích càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư.
Ngoài ra, khuyến khích tăng cường hợp tác chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, chip bán dẫn, phát triển xanh, chuyển sáng tạo khoa học công nghệ thành sức sản xuất thực chất.

Chủ tịch nước Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay - Ảnh: TTXVN
Chuyến đi mang nhiều thông điệp
"Chuyến thăm lần này thể hiện sự quyết tâm không chỉ của hai Đảng mà còn hai Chính phủ, hai Nhà nước trong việc đưa quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa, nhất là tháo gỡ những chiếc van trong các lĩnh vực như thương mại" - tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị, trưởng khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định với Tuổi Trẻ.
Nhìn rộng ra, ông Nghị nhận định chuyến thăm đến Việt Nam của ông Tập Cận Bình không chỉ có ý nghĩa đối với hai nước mà còn mang tầm khu vực, cụ thể là Đông Nam Á. Ông lập luận Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á (hai nước còn lại là Malaysia và Campuchia), và đây cũng là điểm đến đầu tiên trong chuyến xuất ngoại đầu tiên năm 2025 của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
"Trung Quốc mong muốn cải thiện hơn nữa quan hệ với Đông Nam Á, một khu vực gần ngay nước này, và chúng ta sẽ thấy rõ những lĩnh vực mà Bắc Kinh muốn thúc đẩy thông qua danh sách văn kiện được ký kết tại cả ba nước" - ông Nghị, người từng tốt nghiệp tại ĐH Nhân dân Bắc Kinh, nêu nhận định.
Khi được hỏi về con số 45 văn kiện được ký kết tại Việt Nam, ông Nghị chỉ ra việc số lượng văn kiện được ký trong mỗi chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam đều tăng lên. "Điều này chứng minh cả hai Đảng, hai Nhà nước đều mong muốn cải thiện và đi vào hợp tác hiệu quả trên tất cả các mặt, các lĩnh vực. Bên cạnh số lượng văn kiện, tôi tin rằng thời gian tới hai bên sẽ đi sâu, đi sát vào một số lĩnh vực ưu tiên như đường sắt và cơ sở hạ tầng, đồng thời FDI của Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng lên", ông Nghị nói thêm.
Đồng quan điểm trên, nhận định về lý do Việt Nam được chọn là điểm đến đầu tiên, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc), bà Đỗ Lan cho rằng lựa chọn này tiếp tục khẳng định tầm quan trọng đặc biệt và chiều sâu chiến lược của quan hệ giữa hai Đảng và hai nước Trung - Việt.
Còn chia sẻ với tờ The Paper, Trưởng khoa nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải, ông Chu Sĩ Tân, đánh giá chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, do đó là cơ hội để hai bên củng cố quan hệ tin cậy và trao đổi quan điểm chiến lược. Cũng theo ông Chu, việc một số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển của hai bên, đồng thời có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương một cách thiết thực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: NHẬT BẮC
45
Đó là số văn kiện được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đích thân Tổng Bí thư Tô Lâm và nhà lãnh đạo Trung Quốc đã xem, nghe giới thiệu về các văn kiện được ký kết thuộc nhiều lĩnh vực hợp tác.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam, cũng trong ngày 14-4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Hôm nay 15-4, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ gặp Chủ tịch nước Lương Cường và một số hoạt động quan trọng khác.
Nhạc Việt, phở Việt phổ biến ở Trung Quốc
Trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân của Việt Nam ngày 14-4, ông Tập Cận Bình cho biết Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt được thúc đẩy từ giao lưu nhân văn chặt chẽ. Những năm gần đây, giao lưu nhân văn Trung - Việt ngày càng mật thiết, nhân dân hai nước ngày càng đi lại thân thiết. Năm 2024, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch đạt hơn 3,7 triệu lượt người, khu hợp tác du lịch xuyên biên giới thác Bản Giốc - Đức Thiên chính thức đi vào vận hành, nhiều tuyến du lịch ô tô tự lái xuyên biên giới được khai thông... khiến cho hoạt động "du lịch hai nước trong một ngày" trở thành hiện thực.
"Các tác phẩm phim ảnh, trò chơi điện tử Trung Quốc nhận được quan tâm rộng rãi của thanh niên Việt Nam, giúp "phong trào học tiếng Trung" ở Việt Nam ngày càng sôi động. Nhiều ca khúc Việt Nam đứng đầu tìm kiếm trên không gian mạng Trung Quốc, các món ăn Việt Nam như phở đã thu hút nhiều người dân Trung Quốc thưởng thức", ông Tập nêu.
Việt - Trung hợp tác thương mại mạnh mẽ, toàn diện

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Ảnh: NHƯ Ý
Trả lời Tuổi Trẻ, lãnh đạo Vụ Thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho hay kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay, đặc biệt là sau các chuyến thăm lẫn nhau mang ý nghĩa lịch sử của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước từ năm 2022, quan hệ song phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Lãnh đạo Vụ Thị trường nhìn nhận các chuyến thăm cấp cao đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy việc giải quyết kịp thời nhiều vấn đề tồn đọng, mở ra kênh trao đổi hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước. Nhờ có cơ sở vững chắc đó, hoạt động thương mại song phương được vận hành ổn định, thông suốt, không xảy ra hiện tượng ùn ứ kéo dài tại các cửa khẩu. Nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình hợp tác được trao đổi nhanh chóng và xử lý linh hoạt.
Điều này thể hiện tinh thần hợp tác thực chất và hiệu quả, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam đã được thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó có nhiều nông sản có giá trị cao như tổ yến, sầu riêng,... đóng góp tích cực vào kim ngạch thương mại hai chiều.
Kim ngạch thương mại song phương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt nhiều kỷ lục mới. Trong đó Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam có kim ngạch song phương vượt mốc 200 tỉ USD. Năm 2024, hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục đạt đỉnh cao mới, đạt 205,2 tỉ USD theo thống kê của Việt Nam và 260 tỉ USD theo số liệu của Trung Quốc.
Nhờ đó Trung Quốc duy trì 20 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Theo thống kê của Trung Quốc năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc xét theo tiêu chí quốc gia (sau Mỹ, Nhật, Hàn).
Lãnh đạo Vụ Thị trường nước ngoài cho biết thêm hợp tác với các địa phương tiềm năng của Trung Quốc được đẩy mạnh, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư đạt được thành quả đáng ghi nhận. Trên cơ sở nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước, hợp tác thực chất đã được triển khai ở mọi cấp độ.
Trong đó, Bộ Công Thương đã chủ động thúc đẩy giao lưu, kết nối với các địa phương là thị trường truyền thống của Việt Nam như Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam; đồng thời tăng cường tiếp xúc và mở rộng quan hệ thương mại với các địa phương có tiềm năng, thế mạnh khác của Trung Quốc như Sơn Đông, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thượng Hải, Giang Tô và sắp tới đây sẽ là Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam...
Những kết quả nổi bật trong hợp tác kinh tế - thương mại thời gian qua đã đưa lĩnh vực này trở thành một trong những điểm sáng trong tổng thể quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, góp phần quan trọng thực hiện một trong sáu phương hướng hợp tác lớn là "hợp tác thực chất sâu sắc hơn".
"Với đà phát triển ổn định, thực chất và hiệu quả, hợp tác kinh tế - thương mại không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho cả hai nền kinh tế, mà còn mở ra nhiều dư địa hợp tác mới trong các lĩnh vực như logistics, đầu tư, hạ tầng cửa khẩu, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế số" - vị lãnh đạo của Bộ Công Thương đánh giá.
BÌNH LUẬN HAY