
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 8-5, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân.
Không tổ chức tòa án cấp trung gian
Ông Trí cho biết mục đích dự luật nhằm kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng nhằm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của tòa án các cấp.
Hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các tòa án nhân dân để phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống tòa án mới theo đúng định hướng đã được cấp có thẩm quyền thông qua, kết luận.
Một trong những điểm mới của dự luật là quy định về mô hình tổ chức tòa án. Theo đó, không tổ chức cấp trung gian (kết thúc hoạt động của 3 tòa án nhân dân cấp cao, không tổ chức tòa án cấp huyện).
Đồng thời thay thế bằng mô hình tòa án khu vực, tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử gồm 3 cấp: tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực.
Trên cơ sở đó, dự luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của tòa cấp cao và tòa cấp huyện; thành lập tòa án nhân dân khu vực.
Ngoài ra chuyển các tòa án sơ thẩm chuyên biệt thành các tòa chuyên trách trong tòa án khu vực.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các tòa án, Chánh án Lê Minh Trí cho biết đối với tòa án tối cao, dự luật bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
Bổ sung quy định trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao có các tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các tòa phúc thẩm theo đề nghị của chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Phải tăng số lượng thẩm phán tòa tối cao
Ông Trí cho hay thực tế trung bình mỗi năm (từ năm 2022 đến năm 2024), tòa án tối cao giải quyết 2.800 đơn (vụ)/3.400 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền; giải quyết, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 200 vụ/năm.
Trong khi 3 tòa án cấp cao giải quyết 6.500 đơn (vụ)/7.900 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền; giải quyết, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 800 vụ.
"Như vậy sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm của các tòa án cấp cao, dự báo tòa tối cao sẽ phải giải quyết khoảng 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm/năm; xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 1.000 vụ/năm.
Với khối lượng công việc như vậy đòi hỏi phải tăng số lượng thẩm phán tòa tối cao mới đáp ứng được yêu cầu của công việc", ông Trí nói.
Đối với tòa án cấp tỉnh, Chánh án Lê Minh Trí cho hay dự luật sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ xét xử sơ thẩm của tòa án cấp tỉnh theo hướng cấp tòa này sẽ xét xử sơ thẩm vụ án hình sự mà mức cao nhất của khung hình phạt là trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình và vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp khác.
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của tòa án khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của tòa án cấp tỉnh gồm ủy ban thẩm phán, các tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc; đồng thời giao chánh án tòa tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của tòa cấp tỉnh.
Tổ chức tòa án phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại các khu vực
Tòa án nhân dân khu vực, Chánh án Lê Minh Trí cho hay dự luật quy định cơ cấu lại các tòa án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành tòa án khu vực.
Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của tòa án khu vực, trong đó quy định tại các tòa án khu vực có các tòa chuyên trách gồm: hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, gia đình và người chưa thành niên.
Bổ sung quy định tại một số tòa án khu vực có tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Tòa án nhân dân tối cao dự kiến tổ chức 3 tòa phá sản tại 3 tòa án khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; tổ chức 2 tòa sở hữu trí tuệ tại 2 tòa án khu vực ở Hà Nội và TP.HCM.
"Việc bố trí các tòa chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ tại một số tòa khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc này.
Đồng thời để hiện thực hóa cam kết và khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài của nước ta với cộng đồng quốc tế", ông Trí nêu.
BÌNH LUẬN HAY