
Nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tham dự một cuộc thi về đổi mới sáng tạo được tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ các mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn.
Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ lớn gồm: hoàn thiện thể chế; đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
Bộ cũng nêu rõ một số nội dung nổi bật sẽ thực hiện gồm: ban hành Luật Giáo dục mới và các quy định liên quan đến mô hình giáo dục mở, giáo dục trọn đời; xây dựng các đề án phát triển kỹ năng sống, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh phổ thông; triển khai các mô hình trường học mới như trường học thông minh, trường THPT kỹ thuật gắn với chương trình nghề. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục mầm non, tiểu học, trung học sẽ được rà soát, đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng và tính hội nhập.
Đặc biệt, kế hoạch chú trọng mở rộng cơ hội học tập cho mọi đối tượng, trong đó có người khuyết tật, người nghèo, trẻ em thiệt thòi thông qua chính sách học phí, học bổng và hỗ trợ giáo dục đặc thù. Các hoạt động khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp và giáo dục hướng nghiệp cũng được tăng cường.
Việc tổ chức thực hiện sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công rõ ràng cho các đơn vị chủ trì theo từng nhiệm vụ. Điển hình, Vụ Giáo dục mầm non là đơn vị chủ trì trong việc xây dựng đề án đổi mới chương trình giáo dục mầm non vào năm 2025 và ban hành chương trình giáo dục mầm non mới vào năm 2028. Vụ này cũng được giao nhiệm vụ xây dựng đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2025.
Vụ Giáo dục phổ thông đảm nhận nhiều nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng đề án phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông giai đoạn 2026 - 2030, định hướng đến năm 2045; triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong nhà trường phổ thông.
Vụ Giáo dục đại học được giao chủ trì nhiều nhiệm vụ quan trọng như xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) trong năm 2025, ban hành các chuẩn chương trình đào tạo theo khối ngành và lĩnh vực vào năm 2027 nhằm bảo đảm sự tương thích với khung trình độ quốc gia và chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, vụ cũng sẽ triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quá trình triển khai sẽ gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả thực tế. Kinh phí thực hiện lấy từ ngân sách thường xuyên của bộ và các nguồn xã hội hóa phù hợp. Kế hoạch là bước đi quan trọng, góp phần định hình hệ thống giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại, công bằng, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đến năm 2045.
BÌNH LUẬN HAY