
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát thuốc, thiết bị y tế để ngăn chặn hàng giả - Ảnh: THU HIẾN
Ngày 17-5, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh; phòng y tế quận, huyện; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; cơ sở kinh doanh dược về việc rà soát, báo cáo thuốc, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả.
Việc rà soát nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả lưu thông trên thị trường.
Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương rà soát, kiểm tra danh mục thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế đang kinh doanh, sử dụng trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh; đảm bảo không kinh doanh, sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời rà soát quy trình mua thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế tại đơn vị trong thời gian qua.
Trường hợp phát hiện sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ bất thường, sản phẩm chưa được phép lưu hành, không đạt chất lượng, lập tức niêm phong, không sử dụng các sản phẩm này.
Với các cơ sở kinh doanh dược cần khẩn trương rà soát, kiểm tra danh mục thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế đang kinh doanh tại đơn vị.
Ngoài ra, kinh doanh đúng phạm vi được cấp phép, chỉ được kinh doanh các loại thuốc, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế được lưu hành.
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường.
Phòng y tế phải thông báo đến các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở khám chữa bệnh và người dân biết để không kinh doanh, sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng giả.
Đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm y tế trên địa bàn, kịp thời phát hiện sai phạm.
Phân phối hàng giả tại các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác toàn quốc
Trước đó, Công an TP Hà Nội đã phá chuyên án, bắt giữ 7 nghi phạm, thu giữ trên 100 tấn thực phẩm chức năng giả trên địa bàn toàn quốc.
Theo đó, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (37 tuổi, địa chỉ quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu.
Theo công an, Phạm Ngọc Tiến đã chỉ đạo Lương Thị Yến (là kế toán công ty) thành lập 17 công ty, trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.
Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020, và bán tại các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc.
BÌNH LUẬN HAY