
Biển người chờ xem trực thăng và tiêm kích bay ngang bầu trời khu vực chợ Bến Thành - Ảnh: BÙI NHI
Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài trong năm ngày với nhiều sự kiện hấp dẫn trên khắp cả nước. Trong đó TP.HCM là điểm đến bùng nổ cả về số lượng và doanh thu du lịch. Tiếp đó là các điểm đến biển đảo.
Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ngành du lịch cả nước đã có những tín hiệu khởi sắc trong kỳ nghỉ đầu tiên của mùa hè với lượng khách lên đến 10,5 triệu lượt (tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2024).
Trong đó lượng khách có lưu trú đạt 6,5 triệu lượt. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt khoảng 70% trên phạm vi toàn quốc; trong những ngày đầu kỳ nghỉ lễ đạt trên 80%. Riêng một số điểm đến ven biển và TP.HCM tỉ lệ 90-95%.
Top 4 địa phương đón trên 1 triệu lượt khách bao gồm: TP.HCM (1,95 triệu lượt), Thanh Hóa (1,6 triệu lượt), Quảng Ninh (hơn 1,1 triệu lượt), Khánh Hòa (trên 1 triệu lượt).
Đặc biệt kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 là lần đầu tiên công suất phòng tại TP.HCM đạt 95%, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, với tinh thần "Tự hào 50 năm - Rạng rỡ thành phố mang tên Bác", TP.HCM đã thực sự ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người dân và du khách.
Qua đó tạo nên sức lan tỏa về niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam, đem đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng trong ngày hội lớn của dân tộc.
Bên cạnh đó, thời gian nghỉ lễ kéo dài, kết hợp với nắng nóng, phần lớn du khách lựa chọn những điểm du lịch biển như: Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), (Cửa Lò) Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang...
Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các điểm đến hấp dẫn du khách được phân hóa chủ yếu tại nơi có khí hậu mát mẻ hoặc ven biển.
Tại miền Bắc là Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An).

Hàng ngàn du khách đến Sầm Sơn tắm biển dịp lễ 30-4 - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Khu vực miền Trung có Bà Nà (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), Măng Đen (Kon Tum), Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tại khu vực miền Nam có TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang).
Kỳ nghỉ lễ này ghi nhận xu hướng khách đến khu vực miền Nam đông hơn mọi năm vì sự kiện 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là trong hai ngày đầu nghỉ lễ.
Nhiều du khách đã ưu tiên hành trình "tour về nguồn" mang dấu ấn lịch sử để cảm nhận không khí tri ân, tưởng nhớ và sống lại những ký ức hào hùng của dân tộc nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Ngoài sự bùng nổ của khách du lịch nội địa, Cục Du lịch đánh giá số lượng khách quốc tế vẫn có đà tăng trưởng tốt dù đã qua mùa cao điểm.
Top địa phương có doanh thu du lịch cao nhất cả nước:
STT | Địa phương | Doanh thu (tỉ đồng) |
1 | TP.HCM | 7.138 |
2 | Thanh Hóa | 4.170 |
3 | Hà Nội | 3.150 |
4 | Quảng Ninh | 3.121 |
5 | Khánh Hòa | 1.377 |
6 | Đà Nẵng | 2.426 |
7 | Ninh Bình | Trên 1.000 |
BÌNH LUẬN HAY