1g30 đêm hôm đó, người cha quăng chiếc xe đạp ra cửa: “Nếu thế con không còn là con của cha nữa. Đi ra khỏi nhà!”.
![]() |
Lưu Liên khi còn trẻ |
Kỳ 1: Đợi chờ... như hoa bất tử
Cổ tích một chuyện tình
Cô gái ấy có cái tên khá lạ: Vũ Thị Lui (hay gọi là Lưu Liên). Đó là phiên âm tên vị vua Pháp (Louis) được người cha đặt cho cô con gái rượu. Thời Pháp thuộc, bố cô là chủ Hãng ôtô Hoành Sơn có sáu xe ca chở khách và một xe Ford du lịch. Thế nhưng, “chiến tranh lạnh” giữa cô con gái rượu với cha mẹ đã diễn ra quyết liệt khi yêu anh, con trai một gia đình nghèo ở thị xã.
Chuyện tình của cô và Trần Minh Tiến đẹp như cổ tích, như chính cô nói với anh: “Không quyền lực, không tiền tài, địa vị và cả thời gian nữa. Chỉ có những cánh thư nối liền hai đứa!”.
Năm 1963, Trần Minh Tiến tình nguyện đi bộ đội. Lưu Liên làm kế toán trong Xí nghiệp Ươm tơ Hoài Đức. Khi biết anh ngỏ lời với Lưu Liên, nhiều người móc mỉa. Mãi đến năm 1965 thấy ai đến hỏi cũng không chịu, bố mẹ mới phát hiện cô con gái cưng yêu một chàng trai nghèo rớt mồng tơi. Gia đình âm thầm chuẩn bị... đám cưới cho cô. Họ lại dùng kế “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”: cho con trai của một phó phòng tổ chức Ty giao thông rất đẹp trai, hiền lành ở nhà mình. Gần sáu tháng trời “lửa” không bén được “rơm” đành tắt ngúm.
Lưu Liên của ngày xưa đang có một gia đình hạnh phúc: con cái thành đạt, một người chồng yêu thương rất trân trọng quá khứ của cô. Cô bảo hồi đó cô gật đầu đồng ý lấy người sĩ quan phiên dịch vì trong giấc mơ anh hiện về bảo nên lấy người này. Nhưng thật sự trong lòng cô chưa có nhiều tình cảm. Năm 1971, trong một trận lụt lịch sử ở Hà Đông, cô đưa hai người con đi tránh lũ. Giữa đường, cô bảo chồng quay lại lấy tài sản mang theo. Khi quay lại, cô ngạc nhiên khi thấy chồng chỉ mang theo duy nhất cái vali nhỏ. Cô lặng người đi khi nghe anh bảo: “Anh chỉ mang theo cái vali này vì đây là toàn bộ kỷ niệm của em và Tiến. Nếu đánh mất nó, em sẽ ân hận suốt cuộc đời”. Cô bật khóc, ôm chầm lấy anh. |
Ngày 20-3-1968, anh chạy bộ 20km từ Sơn Tây đến Sơn Đồng để gặp cô rồi đi B. Anh tặng Liên chiếc nhẫn bằng mảnh máy bay rồi cầm chiếc khăn tay cô thêu, dặn dò: “Em chờ anh một năm thôi. Nếu khăn tay trở về là anh không về! Em hãy đi lấy chồng...”.
Sau khi tiễn anh đi B, trong giấc mơ cô liên tục xuất hiện những hình ảnh về chặng đường hành quân dọc Trường Sơn của anh: từ cảnh leo đèo, lội suối, sốt rét, băng rừng, bom đạn, phút nghỉ ngơi dừng chân... rõ mồn một. Tất cả những giấc mơ đó cô ghi lại trong hàng chục quyển nhật ký (sau này đồng đội anh đọc lại đều kinh ngạc về sự chính xác đến khó tin. Cứ như Lưu Liên là người trong cuộc).
Đêm 31-5-1968 trong giấc mơ, Lưu Liên thấy hai chiến sĩ trẻ xốc nách Tiến. Anh đội chiếc mũ sắt, mặt đầy máu, phía sau là những quầng lửa mù mịt. Cô hét lên, tỉnh dậy. Giấy báo tử gửi về ghi ngày anh hi sinh là 31-5-1968.
Những đồng đội của Trần Minh Tiến kể lại: anh hi sinh ở Khe Sanh trong một trận đánh đồn. Trước khi ra trận anh đã dặn rất kỹ đồng đội: “Nếu tôi không trở về thì bằng mọi cách phải trao tận tay chiếc khăn này cho Lưu Liên. Nhìn thấy chiếc khăn, cô ấy biết phải làm gì”. Ngày 19-1-1969 giấy báo tử gửi về cũng là lúc cô nhận được di vật: chiếc khăn tay thêu hoa hồng tím!
Gần 40 năm viết thư cho người đã mất
“Linh cảm mách bảo anh rằng đêm nay anh sẽ không trở về... Anh không ân hận điều gì, sống và hành động theo lý tưởng của Đảng và Tổ quốc giao cho. Anh chỉ ân hận nếu lá thư này không đến tay em, để em phải chờ đợi anh lỡ làng tuổi thanh xuân thì tội anh lớn lắm... Cứ coi như anh đã đi xa... Rồi mai đây vết thương dịu bớt, em sẽ yêu người khác. Nhưng đừng vội vàng em nhé, phải tìm hiểu kỹ càng...”.
Gần 40 năm sau, trong một buổi sáng cuối đông ở khu tập thể ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, cô Lưu Liên đưa cho tôi xem đoạn thư mà liệt sĩ Trần Minh Tiến viết cho người yêu trước giờ ra trận và hi sinh. Những lá thư nhiều chỗ đã nhòe mờ nước mắt. Càng đọc cô càng hiểu tình yêu cao cả của anh: “Chính vì yêu em anh mới lao vào lửa đạn để tìm hạnh phúc. Chính vì thương em mà anh phải sẵn sàng đổi mạng mình để tìm lấy cuộc sống mãi gần nhau. Nếu anh còn thì sẽ được tất cả, mà mất cũng chỉ mất mình anh” (trích thư ngày 18-3-1968).
Đó là lý do tại sao anh cứ chần chừ không chịu cưới...
Suốt gần 40 năm trời cô vẫn viết thư cho anh rồi tới ngày giỗ anh hoặc 27-7 hằng năm lại đốt. Cô bảo: “Trước khi đi B, anh Tiến bảo tôi cứ viết thư cho anh ấy rồi giữ lại, khi nào về anh ấy sẽ đọc hết. Tôi viết thư cho anh từ hồi còn trẻ nên như một thói quen. Tôi tin rằng dù hai người âm dương cách trở nhưng ở thế giới bên kia anh Tiến sẽ đọc được những dòng tâm sự của mình”.
Rồi cô đi tìm anh. Làng Đồng Bả, cây số 13, cầu Tre, thác Bạc, làng Khai Quang, Khe Sanh... Tất cả những nơi anh đi qua, những địa danh anh ghi trong nhật ký, sau mấy chục năm cô tìm lại. Cô đi không mệt mỏi với quyết tâm tìm được anh về để lòng được thanh thản.
Mãi đến ngày 15-5-2008, trong chuyến đi về sườn đồi Bằng phía tây Làng Cát, xã ĐaKrông, huyện ĐaKrông (Khe Sanh, Quảng Trị), cô Lưu Liên mới tìm được anh. Cô bảo: “Tôi nghẹn ngào không nói được câu nào rồi cứ thế mà khóc khi nhìn thấy chiếc đèn ba pin Trung Quốc. Đó là món quà tôi tặng anh ấy năm 1966”. Cô đã an táng liệt sĩ Trần Minh Tiến tại nghĩa trang Đường 9 để anh yên nghỉ cùng đồng đội.
Và ít ai biết gần 40 năm qua có một người đàn bà âm thầm ngồi viết tiếp những lá thư gửi người mình yêu dấu... để rồi hằng năm đúng ngày giỗ ông, bà lại lặng lẽ đem ra hóa vàng. Thương nhớ bà gửi về một miền của tình yêu vĩnh cửu.
_____________________
Có một thiếu phụ chờ chồng đi chiến trận. Rồi ngày kia như trong mơ, anh từ cõi chết trở về. Trong bữa cơm gia đình có thêm người đàn ông. Chỉ có đứa con không nhận đó là bố mình, nói rằng bố là khác lắm...
Kỳ tới: Như một người thiếu phụ
BÌNH LUẬN HAY