
Ông Lương Trọng Khoa, người sáng lập Công ty CP Sâm Việt Nam (Vinapanax), phó chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam (cũ) phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: NLĐ
Ông Lương Trọng Khoa, người sáng lập Công ty CP Sâm Việt Nam (Vinapanax), phó chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam (cũ), chia sẻ như trên tại tọa đàm "Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin" tổ chức ở TP.HCM.
Theo ông Khoa, tình trạng doanh nghiệp tự làm giả, tự pha trộn đang là một vấn đề nghiêm trọng. Với sản phẩm sâm Ngọc Linh, một số doanh nghiệp có thể trộn lẫn các loại sâm khác như sâm Lai Châu, tam thất… mà người tiêu dùng hoàn toàn không thể nhận biết, vì quy định hiện tại chỉ bắt buộc kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và hàm lượng saponin - trong khi saponin không phải là hoạt chất riêng có của sâm Ngọc Linh.
"Để đảm bảo chất lượng, các hội viên của chúng tôi chủ động kiểm tra ADN nhằm chứng minh sản phẩm là sâm Ngọc Linh thật. Một thực tế đáng lo ngại là trên mạng xã hội, chỉ cần nhiều người liên tục nhắc đến "sâm Ngọc Linh", thì dù họ bán hàng giả, người tiêu dùng vẫn dễ dàng tin theo", ông Khoa đánh giá.
Cũng theo vị này, để tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ người tiêu dùng, vùng trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My đã tổ chức các phiên chợ nhằm cung cấp sâm thật, xây dựng niềm tin cho khách hàng.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại bất cập là người tiêu dùng ở TP.HCM hay các tỉnh xa rất khó bay ra tận nơi để mua trực tiếp tại chợ phiên, do đó cần có những giải pháp hiệu quả hơn.
"Các doanh nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh thật đang gặp không ít khó khăn. Do sản lượng hạn chế, nhiều đơn vị chưa đủ điều kiện xây dựng nhà máy nên phải thuê gia công bên ngoài, từ đó phát sinh lo ngại có thể bị xử phạt oan nếu sản phẩm bị phát hiện chứa thành phần ngoài sâm Ngọc Linh, điều mà những đơn vị đi thuê gia công không kiểm soát hết được", ông Khoa lo ngại.
Tương tự, là thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam suốt hơn 20 năm qua, nhưng theo bà Phạm Bảo Ân - đại diện Công ty võng xếp Duy Lợi, đơn vị đang lâm vào tình thế khó khăn do liên tục bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Dù có độ nhận diện thương hiệu cao, nhưng với quy mô còn nhỏ, Duy Lợi không đủ tiềm lực để chống chọi hiệu quả, dẫn đến thị phần bị thu hẹp.
"Đáng lo ngại, một vấn đề nóng hiện nay chính là môi trường thương mại điện tử. Đây vốn là kênh giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng rộng rãi, nhưng lại giống như "chợ trời" trực tuyến, nơi hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan.
Cơ quan chức năng cần sớm thiết lập các kênh tiếp nhận tin tố cáo nhanh chóng, thuận tiện, đồng thời áp dụng những chế tài nghiêm khắc", bà Ân nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng việc thiếu kiểm soát kênh kinh doanh online thời gian qua là lý do chính góp phần khiến cho hàng giả, kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng lớn đến người dùng.
Đặc biệt, việc các sàn thương mại điện tử liên tục tăng mức chiết khấu khiến chi phí bán hàng chính hãng trở nên cao hơn, trong khi hàng giả lại mang lại siêu lợi nhuận, càng tạo điều kiện cho gian thương hoành hành.
Ông Nguyễn Thành Nam, phó cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết trong những tháng cuối năm 2025, cục sẽ tiếp tục phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành phố, tăng cường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác thanh kiểm tra.
Cục cũng đã xây dựng, triển khai nhiều chuyên đề kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong đó, tập trung triển khai đề án 319 về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 và kế hoạch 888 về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ 2021 - 2025.
BÌNH LUẬN HAY