15/04/2025 09:06 GMT+7

Thúc đẩy kết nối cứng và kết nối mềm

Chuyến thăm Việt Nam lần thứ tư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong bối cảnh thương mại và chính trị thế giới diễn biến phức tạp.

Tập Cận Bình  - Ảnh 1.

Tập Cận Bình  - Ảnh 2.

GS Đào Nhất Đào (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc, Đại học Thâm Quyến)

Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy nâng cấp, chuyển đổi công nghiệp, tối ưu hóa môi trường kinh doanh để ứng phó với những thách thức từ bên trong và bên ngoài, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việt Nam đã ngày càng trở thành nền kinh tế quan trọng trên bản đồ toàn cầu.

Trung Quốc không những tích lũy kinh nghiệm quý báu về mặt xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, mà còn có thiết bị kỹ thuật tiên tiến và đội ngũ thi công chuyên nghiệp, hùng hậu. 

Theo tôi, tận dụng tốt kinh nghiệm, công nghệ và thực lực của Trung Quốc trong xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ góp phần nâng cao trình độ nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng tổng thể của Việt Nam, đặc biệt là việc dựa vào thành phố trung tâm thúc đẩy hình thành "vành đai kinh tế một giờ" làm hạt nhân phát triển.

Tuy nhiên, để thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa hai nước Trung - Việt trong xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, cần chính sách ưu tiên và kết nối chiến lược cấp quốc gia. Trước hết cần lấy tăng cường kết nối chiến lược và trao đổi chính sách làm trọng tâm hàng đầu. Hai nước cần tiếp tục thực hiện nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước, thúc đẩy kết nối sâu sắc sáng kiến "Vành đai, Con đường" với chiến lược "Hai hành lang, Một vành đai" của Việt Nam. 

Đồng thời hoàn thiện cơ chế hợp tác, phát huy đầy đủ vai trò của Nhóm công tác hợp tác cơ sở hạ tầng trên bộ Trung - Việt; định kỳ triển khai công tác nghiên cứu và lập quy hoạch 5 năm trong lĩnh vực giao thông, năng lượng.

Bên cạnh đó lấy việc thúc đẩy xây dựng "kết nối cứng" làm biểu tượng. Đường sắt là một trong những lĩnh vực trọng điểm trong hợp tác cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc có công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm phong phú về xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt, sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam.

Hiện nay hai bên đang đẩy nhanh quy hoạch và xây dựng các tuyến đường sắt tiêu chuẩn qua biên giới như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Việc xây dựng đường bộ và cầu kết nối ở khu vực biên giới Trung - Việt cũng đang không ngừng được đẩy mạnh. Ví dụ việc xây dựng cây cầu đường bộ qua sông Hồng Ba Xát (Việt Nam) - Ba Sái (Trung Quốc) sẽ tăng cường hơn nữa kết nối khu vực biên giới giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Việt Nam cũng đã cùng nhau thúc đẩy xây dựng các dự án như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Điều tiếp theo là lấy nâng cao trình độ "kết nối mềm" làm động lực, bao gồm đẩy nhanh xây dựng hải quan thông minh, thúc đẩy kết nối quy chuẩn, tiêu chuẩn, từ đó nâng cao trình độ "kết nối mềm". Trung Quốc và Việt Nam dự định thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh với tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Hữu nghị quan - Hữu nghị, Pò Chài - Tân Thanh để nâng cao hiệu quả thông quan cửa khẩu. 

Điều này sẽ không chỉ thúc đẩy hơn nữa việc thuận lợi hóa trao đổi thương mại giữa hai Nhà nước, nâng cao hiệu quả logistics trong khu vực, mà còn thúc đẩy trình độ số hóa và thông tin hóa tổng thể trong quản lý xã hội của Việt Nam.

Một điều quan trọng khác là lấy hỗ trợ dự án làm hướng đi. Với tiền đề tuân thủ cơ chế thị trường, dưới sự nhất trí trong việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược Trung - Việt, Chính phủ Việt Nam có thể khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc có thực lực, uy tín, công nghệ tiên tiến đầu tư vào Việt Nam, tập trung tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, kinh tế số.

Cuối cùng, tăng cường hỗ trợ tài chính và hợp tác. Sử dụng tốt nhóm công tác hợp tác tài chính và tiền tệ Trung - Việt, tăng cường điều tiết chính sách và chia sẻ kinh nghiệm cải cách trong lĩnh vực tài chính, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tài chính. Khuyến khích các tổ chức tài chính của hai bên hỗ trợ tài chính cho các dự án kết nối cơ sở hạ tầng, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các tổ chức tài chính đa phương như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á để hỗ trợ thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thúc đẩy kết nối cứng và kết nối mềm - Ảnh 3.Ông Tập Cận Bình: Sẵn sàng mở rộng nhập khẩu nông sản, đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam

Thông tin được nêu tại cuộc hội kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14-4.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0