
Khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV - Ảnh: GIA HÂN
Đó là thông tin được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 5-5.
Theo Thủ tướng, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế.
Bình tĩnh ứng phó với diễn biến mới phức tạp, đàm phán thuế đối ứng
Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Bao gồm việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Đặc biệt, Thủ tướng nói trước việc Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực, khi Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Mỹ đồng ý đàm phán và ngày 7-5 tới sẽ triển khai đàm phán.
Ông khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Mỹ với tinh thần "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ".
Kết quả, tăng trưởng GDP quý 1-2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025, nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số.
Cả ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực, kết cấu hạ tầng được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản, chip, bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ then chốt.
Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo được triển khai hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ); triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp...
Nhiều giải pháp cho mục tiêu đưa quy mô kinh tế nằm top 30 thế giới
Dù vậy, Thủ tướng nhìn nhận sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỉ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Trước tình hình trên, Thủ tướng cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỉ USD, dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc, GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực.
Cụ thể, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị. Cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần "không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để".
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính. Phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường bộ ven biển.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân...
Theo Thủ tướng, công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Trong đó, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 235 tỉ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha.
Ông nhấn mạnh, nếu xử lý được sẽ góp phần cho tăng trưởng, cải thiện tình hình lãng phí rất tốt. Vừa qua rất quyết liệt, các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương đã rất mạnh dạn chỉ ra các dự án tồn đọng kéo dài, vướng mắc về pháp lý, về tổ chức thực hiện. Đây là nguồn lực rất lớn, tồn đọng kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.
BÌNH LUẬN HAY