
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (phải) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 10-7 - Ảnh: REUTERS
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7-7, Ngoại trưởng Rubio có chuyến công tác đến Malaysia từ ngày 8 đến 12-7 để dự một số hội nghị ASEAN và gặp gỡ quan chức sở tại.
Chuyến công du ngắn ngủi
Các đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á đã hy vọng chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Rubio tới khu vực này sẽ cho họ có nhiều thời gian để bày tỏ mối quan ngại về chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nhưng họ chỉ có ông trong 36 tiếng.
Theo tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã đùa khi đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Rubio: "Tôi có thể giữ hộ chiếu của ông không?", ông hóm hỉnh nói, ngụ ý muốn ông Rubio ở lại lâu hơn.
Chuyến công du, vốn nhằm trấn an các đối tác lo ngại về thuế quan, lại kết thúc sớm hơn dự kiến. Ngoại trưởng Mỹ không ghé Nhật Bản hay Hàn Quốc, hai đồng minh hiệp ước, mà bay thẳng tới Malaysia và rời Kuala Lumpur ngày 11-7.
Theo truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc, chuyến thăm hai nước này bị hoãn để ông Rubio kịp trở về Mỹ dự cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào đầu tuần sau. Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận.
Tại Malaysia, ông Rubio đã họp với ngoại trưởng Nga và Trung Quốc. Ông cũng gặp các quan chức từ Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Việt Nam và tranh thủ trao đổi ngắn với nhiều người khác.
Trọng tâm vẫn xoay quanh chính sách thuế quan của Tổng thống Trump và các điểm nóng địa chính trị bên ngoài khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày 10-7, ông Rubio trấn an rằng các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine không làm Mỹ sao nhãng. Ông khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là "trọng tâm" trong chính sách của chính quyền ông Trump.
"Tôi cho rằng việc gây xao nhãng là không thể", ông nhấn mạnh. "Thế kỷ này và câu chuyện của 50 năm tới phần lớn sẽ được viết nên tại khu vực này", ông nói thêm.
Trấn an đồng minh giữa bão thuế
Tuy nhiên điều đó không đủ để khiến các nước trong khu vực yên tâm, nhất là khi trước chuyến đi, Tổng thống Trump đã gửi thư cho lãnh đạo hơn 20 quốc gia, bao gồm 8 trong 10 thành viên ASEAN, đe dọa áp thuế đến 40% nếu không đạt thỏa thuận thương mại trước ngày 1-8.
Rõ ràng ông Rubio bị đẩy vào thế khó. Là quan chức Mỹ cấp cao đầu tiên đến khu vực sau "thư thuế quan", ông lập tức trở thành tâm điểm và nhận nhiều lời đề nghị gặp riêng tại Đông Nam Á.
Thách thức với ngoại trưởng Mỹ là vừa trấn an các đối tác về cam kết của Washington, vừa bảo vệ chính sách thuế của Tổng thống Trump.
Giới quan sát cho rằng hai mục tiêu đó khó thể đạt được cùng lúc. Khi chính sách thuế còn bất ổn và Washington khó đoán, các nước vẫn như ngồi trên lửa.
"Đây không phải là cơn bão thoáng qua - Thủ tướng Anwar Ibrahim nói - đây là thời tiết mới của thời đại chúng ta".
Trước sức ép đó, ông Rubio thường xuyên nhấn mạnh ông không phụ trách đàm phán thương mại. Ông cũng cố gắng giảm nhẹ mức độ đe dọa của các chính sách thuế và khẳng định không nhằm gây mất lòng đồng minh.
"Tôi tin rằng khi mọi thứ được làm rõ, nhiều nước Đông Nam Á sẽ có mức thuế quan tốt hơn so với các khu vực khác trên thế giới", ông Rubio trấn an.
BÌNH LUẬN HAY