
Thủ tướng Campuchia Hun Manet - Ảnh: KHMER TIMES
Tối 27-7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đăng lên Facebook dòng trạng thái bằng cả tiếng Khmer và tiếng Anh với nội dung:
"Tôi sẽ dẫn đầu phái đoàn Campuchia tham dự cuộc họp đặc biệt tại Kuala Lumpur do nước chủ nhà Malaysia tổ chức, do Mỹ đồng tổ chức và có sự tham dự của Trung Quốc. Mục đích của cuộc họp này là đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, vốn được Tổng thống Donald Trump khởi xướng và được cả Thủ tướng Campuchia và Thủ tướng Thái Lan đồng ý.
Tôi xin cảm ơn Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vì sáng kiến và sự phối hợp của ông trong việc tổ chức, chủ trì cuộc họp đặc biệt này".
Trước đó, theo thông báo trên trang web của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, đoàn đại biểu nước này do quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai dẫn đầu, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao, Thứ trưởng Quốc phòng, Chánh Văn phòng Thủ tướng Thái Lan cùng thành viên nhóm công tác đặc biệt phụ trách tình hình biên giới Thái Lan - Campuchia.
Dự kiến đoàn đại biểu Thái Lan sẽ khởi hành từ căn cứ Không quân Hoàng gia Thái Lan vào khoảng 10h30 sáng 28-7 theo giờ địa phương và cuộc họp được ấn định vào lúc 15h cùng ngày theo giờ Malaysia.
Báo Phnom Penh Post đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn và Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa vào tối 27-7, trong đó ông Rubio kêu gọi hai bên ngay lập tức giảm leo thang căng thẳng và đồng ý ngừng bắn trong bối cảnh căng thẳng biên giới hiện nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce thông tin Ngoại trưởng Rubio đã nhấn mạnh mong muốn của Tổng thống Donald Trump về một giải pháp hòa bình, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để ngăn chặn leo thang hơn nữa.
Người phát ngôn này cho hay Washington sẵn sàng làm trung gian hòa giải và hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao để giải quyết căng thẳng.
Cuộc xung đột hiện tại giữa Thái Lan và Campuchia là chương mới nhất trong tranh chấp kéo dài lâu nay quanh khu vực "Tam giác ngọc lục bảo" - nơi tiếp giáp biên giới giữa Thái Lan, Campuchia và Lào. Đây là nơi có nhiều đền cổ và các yêu sách lãnh thổ chồng lấn.
Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, kêu gọi hai bên hết sức kiềm chế và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Liên hợp quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu (EU)... đều đã lên tiếng.
BÌNH LUẬN HAY