29/09/2003 06:29 GMT+7

Thu phí bản quyền karaoke: Rằng hay thì thật là hay...

UYÊN LY
UYÊN LY

TT - Sau khi đại diện các nhạc sĩ thu nhuận bút trong lĩnh vực biểu diễn, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) vươn tay sang lĩnh vực thứ hai: thu phí sử dụng tác phẩm âm nhạc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.

LTQSeyPR.jpgPhóng to

Làm sao biết ca khúc nào được hát để... tính tiền?

Hà Nội được chọn là địa phương tiên phong trước khi việc này được tiến hành tại TP.HCM và các địa phương khác. Bước đầu, vào ngày 25-9, một cuộc họp lấy ý kiến đã diễn ra giữa một bên là VCPMC, một bên là lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội và đại diện phòng văn hóa 12 quận huyện.

Nếu…

Sáng sớm, còn 30 phút nữa đến giờ họp, nhạc sĩ Hồ Quang Bình, phó giám đốc VCPMC, thư thả bên chén trà và tính nhẩm phần nhuận bút thu được dành cho các nhạc sĩ theo mức dự kiến do trung tâm đề ra nhằm lấy ý kiến tham khảo từ các quận huyện: trong một ngày thu 10% giá tiền hát giờ của một phòng, một tháng chỉ thu 20 ngày.

Ví dụ: một quán karaoke có bốn phòng, giá tiền hát theo giờ là 50.000 đồng/giờ thì mức thu phí trong một ngày sẽ là 50.000đ x 10% x 4 phòng = 20.000đ. Mức thu phí trong một tháng: 20.000đx20 ngày = 400.000đ.

Nhạc sĩ giả sử mỗi quán karaoke sử dụng 100 bài hát của 100 tác giả (nước ngoài không tính), vị chi mỗi tác giả được hưởng 4.000 đồng/tháng/quán. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng lập tức ước lượng số phòng karaoke trên địa bàn Hà Nội là 500 phòng. Như vậy mỗi nhạc sĩ sẽ được trả 500 phòngx4.000đ = 2 triệu đồng/tháng. Nếu cộng thêm số phòng karaoke trên địa bàn TP.HCM, số nhuận bút các nhạc sĩ được hưởng quả là... kha khá!

Nhưng…

Thực tế dường như không chấp nhận chữ “nếu”. Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Tung, chánh thanh tra Sở VH-TT Hà Nội, nêu lên một thực trạng đáng buồn qua các đợt kiểm tra hàng quán kinh doanh dịch vụ karaoke tại Hà Nội.

Đó là đa số hàng quán sử dụng băng đĩa lậu không dán tem - một hình thức xâm phạm bản quyền, chưa kể đến danh mục bài hát karaoke mà cán bộ thanh tra thống kê được có khoảng 1.000 bài VN thì phải đến 600 bài trong số đó là tác phẩm hải ngoại.

Chuyển sang khía cạnh quản lý, đại diện các quận Thanh Xuân, Gia Lâm băn khoăn chuyện văn bản mặc dù họ rất muốn ủng hộ việc này. Theo họ, nếu không có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ phía UBND TP, Bộ VH-TT và Bộ Tài chính, cán bộ các phòng văn hóa quận huyện sẽ không có cơ sở nào để tiến hành việc thu phí, và nếu không có văn bản, họ không dám và không biết phải tiến hành công việc ra sao.

Giám đốc VCPMC, nhạc sĩ Phó Đức Phương, hô hào: “Luật đã qui định rồi, nếu… dũng cảm sẽ làm được, chứ đợi văn bản thì lâu quá. Trong lúc đó chúng tôi sẽ cố gắng tác động tới các cơ quan chức năng để đẩy nhanh quá trình ra đời các văn bản cần thiết”.

Nhưng (lại nhưng) có một điều chắc chắn rằng từ nay cho đến khi các nhạc sĩ nhận được những đồng tiền đầu tiên từ những đứa con tinh thần của mình (đang được xướng lên hằng ngày trong các phòng karaoke) vẫn còn lâu lắm, có lẽ phải đến “10 năm” (nhạc sĩ Hồ Quang Bình nói vui).

Và một câu hỏi tuy chưa được chính thức đặt ra nữa là trong khoảng 100 nhạc sĩ quốc nội đang có vài trăm ca khúc nằm trong các phòng karaoke ấy, không phải nhạc sĩ nào hoặc ca khúc nào cũng được... động đến. Cũng có những nhạc sĩ được chọn rất nhiều bài vào cuốn danh mục, có người chỉ một bài, tính toán chia nhuận bút sao đây?!

UYÊN LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0