14/05/2025 11:44 GMT+7

Thi lệch nên học lệch

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trong khi môn lịch sử, địa lý đều có trên 42% thí sinh đăng ký thì chỉ 21% chọn hóa học, 6,2% chọn sinh học...

học lệch - Ảnh 1.

Niềm vui của thí sinh Hà Nội sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - Ảnh: NAM TRẦN

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 - đang bộc lộ rõ một thực trạng đáng lo ngại: học sinh lựa chọn môn thi mất cân bằng nghiêm trọng giữa hai lĩnh vực khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH).

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy ngoài các môn bắt buộc như toán và ngữ văn, các môn KHXH như lịch sử, địa lý được thí sinh chọn nhiều hơn hẳn các môn KHTN như vật lý, hóa học, sinh học. 

Cụ thể, trong khi lịch sử, địa lý đều có trên 42% thí sinh đăng ký thì hóa học chỉ đạt 21%, sinh học ở mức rất thấp (6,2%).

Vì đâu nên nỗi?

Hiện tượng học lệch, thi lệch này phản ánh những vấn đề sâu xa hơn từ chính sách giáo dục phổ thông, cách tổ chức thi cử và tư vấn hướng nghiệp. 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dù được thiết kế theo hướng mở, định hướng nghề nghiệp từ lớp 10, nhưng khi triển khai, nhiều trường chưa đảm bảo về giáo viên và cơ sở vật chất, khiến học sinh phải chọn tổ hợp môn học dễ tổ chức, chủ yếu nghiêng về các môn KHXH. 

Học sinh cũng ưu tiên chọn môn dễ thi, dễ đạt điểm cao để tốt nghiệp thuận lợi và dễ dàng xét tuyển đại học.

Bản thân cấu trúc kỳ thi tốt nghiệp hiện nay cũng góp phần gây nên tình trạng này. Thí sinh chỉ cần chọn một trong hai nhóm KHTN hoặc KHXH, dẫn đến xu hướng lựa chọn khối KHXH như "lối thoát an toàn" để tốt nghiệp. Điều này khiến các ngành kỹ thuật, công nghệ, y dược - vốn cần nền tảng KHTN vững chắc - ngày càng khó tuyển sinh nguồn chất lượng cao do học sinh né những môn khó, vất vả hơn và đòi hỏi tư duy logic.

Chính sách tuyển sinh đại học hiện tại cũng góp phần làm trầm trọng hơn xu hướng lệch môn. Nhiều trường đại học sử dụng các tổ hợp chung chung hoặc nghiêng về KHXH, khiến học sinh không cần đầu tư sâu vào những môn khó thuộc KHTN vẫn có thể dễ dàng trúng tuyển. Trong khi đó, công tác tư vấn hướng nghiệp tại các trường THPT vẫn còn yếu và thiếu chuyên sâu, chưa đủ sức giúp học sinh nhận thức đúng đắn về lựa chọn môn học liên quan đến nghề nghiệp tương lai.

Ngoài ra, chủ trương dùng điểm học bạ xét tốt nghiệp THPT với tỉ lệ lên đến 50%, dù đúng đắn trên lý thuyết nhằm giảm áp lực thi cử và đánh giá học sinh toàn diện, lại bộc lộ lỗ hổng lớn trong khâu kiểm soát chất lượng. 

Thực tế cho thấy việc thiếu minh bạch và trung thực trong đánh giá tại trường phổ thông đang làm sai lệch nghiêm trọng kết quả điểm học bạ. Nhiều giáo viên, phụ huynh và trường học vẫn chạy theo thành tích, "làm đẹp" học bạ, khiến điểm số trở nên thiếu thực chất.

Nếu tình trạng này kéo dài, chủ trương đúng đắn ban đầu sẽ tạo tác dụng ngược, làm mất công bằng và niềm tin vào toàn bộ hệ thống giáo dục. Việt Nam hiện đang ở tình thế lưỡng nan: hoặc phải chuẩn hóa mạnh mẽ đánh giá nghiêm túc học sinh phổ thông, hoặc cần hạn chế ngay vai trò của học bạ trong các quyết định lớn như xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.

Hậu quả nghiêm trọng

Những nguyên nhân trên dẫn tới hậu quả nghiêm trọng về chất lượng giáo dục toàn diện và cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia. Tình trạng học lệch khiến học sinh thiếu hụt các năng lực cốt lõi, đặc biệt là tư duy logic, phản biện, sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề - các năng lực thiết yếu trong thế kỷ 21.

Chất lượng đầu vào đại học cũng bị suy giảm khi học sinh chọn môn thi theo hướng đối phó thay vì phù hợp với ngành học. Hệ lụy sâu xa hơn là sự suy giảm nguồn nhân lực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), ảnh hưởng đến chiến lược phát triển công nghệ cao và đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thị trường lao động tương lai có thể sẽ mất cân bằng khi thiếu hụt nhân lực chất lượng cao ngành kỹ thuật - công nghệ, trong khi thừa cử nhân các ngành xã hội.

Ở các nước phát triển như Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, việc thi tốt nghiệp yêu cầu học sinh hoàn thành tối thiểu 7-10 môn học thuộc đầy đủ các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, nghệ thuật và thể thao. 

Quan trọng hơn, các quốc gia này đều tổ chức riêng biệt hai kỳ thi: tốt nghiệp phổ thông đánh giá năng lực toàn diện, còn tuyển sinh đại học sử dụng các kỳ thi độc lập, chuyên sâu phù hợp với ngành đào tạo.

Vì vậy, để cải thiện thực trạng thi lệch nên học lệch, Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh theo hướng tăng số lượng môn thi tốt nghiệp, yêu cầu mỗi học sinh thi ít nhất một môn trong cả hai nhóm KHTN và KHXH để tránh tình trạng học lệch.

Quan trọng hơn, cần nhanh chóng nghiên cứu phương án tách biệt kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, tạo điều kiện đánh giá đúng mục tiêu: vừa hoàn thành giáo dục phổ thông toàn diện, vừa lựa chọn đúng người, đúng ngành trong giáo dục đại học.

Tăng cường tính phân hóa

Nếu vẫn phải duy trì một kỳ thi chung như hiện nay với mục tiêu kép, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương cải tiến cách và kỹ thuật ra đề thi, tăng cường tính phân hóa và thực tiễn, phản ánh đồng thời năng lực toàn diện của người tốt nghiệp THPT và năng lực chuyên biệt phục vụ xét tuyển đại học.

Phải đổi mới đồng bộ

Tình trạng học lệch hiện nay là biểu hiện tích tụ của quá trình đổi mới thiếu đồng bộ. Khi chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất, tư vấn hướng nghiệp, chính sách thi cử và chiến lược nhân lực quốc gia chưa "ăn nhập" đồng bộ với nhau, thì mọi nỗ lực cải cách giáo dục sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn.

Muốn tránh học lệch, không cách nào khác là phải đổi mới đồng bộ, nhất quán và toàn diện từ chương trình, tư vấn hướng nghiệp và nhất là thi cử. Đó là con đường duy nhất để giáo dục Việt Nam thực sự phát triển bền vững.

Thi lệch nên học lệch - Ảnh 2.Ngoại ngữ dẫn đầu lựa chọn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của học sinh lớp 12 TP.HCM

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, môn ngoại ngữ và vật lý là hai môn thi được nhiều thí sinh tại TP.HCM lựa chọn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0