
Sa Pa là một trong những địa điểm du lịch được yêu thích hàng đầu tại Việt Nam - Ảnh: T.T.D.
Hiện tên gọi của xã, phường được khuyến khích sử dụng một trong các tên đã có của đơn vị hành chính trước khi sáp nhập, theo hướng ưu tiên tên mang giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và được nhân dân địa phương đồng thuận.
Bộ Nội vụ cũng nêu đề xuất đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp xếp, kết hợp với số thứ tự để đảm bảo tính liên kết trong quản lý hành chính và hệ thống dữ liệu thông tin.
Tên huyện cũ là tên xã mới

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) - nêu rõ việc đặt tên với đơn vị hành chính khi sáp nhập rất khó.
Tên không phải chỉ để gọi địa danh đó mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tăng thêm niềm tự hào của một địa phương.
Cấp tỉnh có thể chỉ hai, cùng lắm đến ba tỉnh thành sáp nhập với nhau. Nhưng với cấp xã, có thể 3 - 4, thậm chí 5 xã sáp nhập vào thành một xã lớn mà ai cũng đòi giữ tên của mình thì khó.
Ông Chức ủng hộ định hướng của Bộ Nội vụ đề xuất đặt tên xã mới theo tên của huyện trước khi sắp xếp, kết hợp với số thứ tự.
"Đây cũng là giải pháp khá hợp lý, vừa phù hợp với chuyển đổi số vừa giữ được địa danh lớn, chung cho cả huyện. Với các xã sau sáp nhập không giữ được tên cũ thì có thể tự giữ trong lòng, các tác phẩm văn học nghệ thuật, phong tục tập quán, nét văn hóa...", ông Chức bày tỏ.
Ông Chức cũng đề xuất ngoài đặt tên theo tên quận, huyện trước sắp xếp có thể xem xét đặt các tên đã gắn với truyền thống, lịch sử, văn hóa và nhận được sự đồng thuận của người dân.
"Việc đặt tên này cần lắng nghe ý kiến của người dân. Dù tên cũ có thể không còn nhưng các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của xã, phường, tỉnh phải được chú ý để giữ gìn, bảo tồn, phát huy. Đồng thời nên suy nghĩ rộng ra quê hương chính là Tổ quốc, đất nước. Sáp nhập tạo thêm nguồn lực, tiềm năng phát triển địa phương, đất nước giai đoạn mới", ông Chức nhấn mạnh.
Giữ lại các địa danh lịch sử, thể hiện chủ quyền quốc gia

Ông Tạ Văn Hạ, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, cho rằng việc bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống trong đặt tên xã, phường sáp nhập rất quan trọng.
Bởi nhiều địa danh không chỉ có giá trị đối với cộng đồng dân cư địa phương mà còn mang ý nghĩa lớn với dân tộc, thậm chí đã được định danh trên bản đồ quốc tế.
Ông Hạ nhắc Nha Trang, Phú Quốc, Sa Pa, Hạ Long... đã trở thành thương hiệu du lịch quốc gia, được cả thế giới biết đến.
Nếu thay đổi hoặc loại bỏ những tên gọi này không chỉ làm mất đi giá trị biểu tượng mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Việt Nam.
Ông Hạ cũng nhấn mạnh việc cần giữ bằng được các tên địa danh có biểu tượng thiêng liêng khẳng định chủ quyền quốc gia như Trường Sa, Hoàng Sa, Bạch Long Vĩ...
Hay những tên gọi gắn với các sự kiện lịch sử quan trọng Điện Biên Phủ, Chi Lăng, Lộc Ninh...
Việc giữ lại những tên gọi này, ông Hạ khẳng định là một cách thể hiện sự tôn trọng với lịch sử kiên cường, bất khuất đồng thời nhắc nhở thế hệ sau về tình yêu nước, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước.
Đặt cái tên mới có ý nghĩa bao trùm
* PGS.TS PHẠM XUÂN THẠCH (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội)

Theo tôi, khi đặt tên địa phương mới rất cần tham khảo ý kiến của những người có kiến thức văn hóa lịch sử.
Tôi ủng hộ cách đặt tên chữ bởi cách này gắn với truyền thống của người Việt nên cũng dễ đi vào cảm xúc của người dân hơn. Tên tỉnh đặt theo địa lý, lịch sử, văn hóa có thuận lợi riêng.
Ở Pháp nơi tôi từng du học, dù có truyền thống đặt tên số cho các khu vực hành chính, tên phố nhưng cũng có nhiều tỉnh, nhiều vùng đặt tên theo địa lý.
Tôi chỉ lưu ý khi đặt tên theo cách này cũng cần cân nhắc, có tính toán.
Ví dụ khi sáp nhập ba địa phương vào thành một thì có thể cân nhắc lựa chọn đặt tên mới theo một tên địa phương cũ nhưng cách này có thể gây tâm lý không đồng thuận giữa người của vùng còn tên người của vùng mất tên.
Có thể lựa chọn phương án đặt một cái tên mới có ý nghĩa bao trùm lên cả ba địa phương cũ như cách mà trước đây từng làm. Ví dụ tên Hà Bắc đặt cho vùng sáp nhập hai tỉnh Hà Giang, Bắc Ninh trước đây.

* Nhà văn Y BAN
Tôi nghiêng về phương án đặt tên chữ, sử dụng lại các tên cũ đã thân thương, quen thuộc với người dân, có giá trị văn hóa, lịch sử. Việc sử dụng những cái tên có ý nghĩa về mặt địa lý, văn hóa, lịch sử cũng là một cách để giáo dục về lịch sử, văn hóa của đất nước.
* PGS.TS BÙI HOÀI SƠN (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):
Tên không chỉ để gọi

Việc đặt tên đơn vị xã, phường mới theo cách ghép địa danh gốc với số thứ tự là giải pháp có ưu điểm dễ nhận biết, thuận tiện trong quản lý tạm thời nhưng nếu nhìn ở góc độ dài hạn, có lẽ còn nhiều điểm cần cân nhắc.
Bởi nó thiếu tính đặc trưng và dễ gây cảm giác cơ học, hành chính hóa. Những con số vốn chỉ mang tính phân biệt kỹ thuật, khi gắn với địa danh văn hóa, lịch sử sẽ khiến tên gọi trở nên thiếu chiều sâu và dễ gây nhầm lẫn.
Việc dùng số có thể tạo cảm giác phân cấp hoặc thứ bậc dù không có chủ ý, dễ phát sinh tâm lý so sánh không cần thiết giữa các khu vực.
Ngoài ra, mỗi đơn vị hành chính mới là một không gian sống với cộng đồng cư dân có đặc điểm riêng. Việc đặt tên là cơ hội để thể hiện bản sắc ấy. Một cái tên mang thông điệp rõ ràng, dễ nhớ, gắn với truyền thống hoặc tương lai sẽ góp phần xây dựng tinh thần cộng đồng tốt hơn.
Về lâu dài, nên có kế hoạch đặt lại tên một cách bài bản, có tham vấn chuyên gia, cộng đồng dân cư và phù hợp với quy hoạch phát triển vùng. Tên không chỉ để gọi mà còn để ghi nhớ, gắn bó và phát triển.
* PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH (giám đốc Trung tâm Việt Nam học):
Đừng làm mất dấu tích lịch sử

Đã nói đến tên riêng là ta nói tới một "ký hiệu gọi tên" hết sức hệ trọng, thiêng liêng mà cộng đồng cần phải tôn trọng.
Địa danh hành chính là một lĩnh vực có nhiều biến đổi nhất vì nó bị chi phối bởi các nhân tố chính trị, xã hội trong suốt chiều dài lịch sử.
Cùng với tên nước, tên thủ đô, tên các tỉnh, huyện xã, thôn làng, đường phố của ta cũng ít nhiều chịu sự thay đổi bởi các biến cố chính trị, các yêu cầu về quản lý hành chính.
Đặt lại tên riêng là một vấn đề hệ trọng. Đành rằng việc đặt lại tên phải tuân thủ nguyên tắc: đơn giản, có tính hệ thống, dễ quản lý và theo dõi.
Tuy nhiên địa danh hành chính cũng phải có tính lịch sử và văn hóa. Chúng ta không nên "ngang bằng sổ thẳng" mà bỏ qua nguyện vọng, tình cảm, thái độ của cộng đồng sử dụng. Dù thế nào, địa danh nói chung vẫn có tính kế thừa, phản ánh những quan điểm thẩm mỹ, nguyện vọng của cộng đồng.
Mỗi cái tên trên bản đồ địa danh Việt Nam gắn với một sự tích, một chiến công, một điều đáng ghi nhớ... Việc thay đổi nó phải cân nhắc để không làm mất đi dấu tích lịch sử đã "hóa thạch" trong các đơn vị ngôn từ.
Cũng bởi những địa danh đã đi vào tiềm thức, nằm trong trí nhớ mỗi người mà khi nhắc đến ta thấy sự quen thuộc, thân thương và quan trọng là tạo nên cảm hứng với người sử dụng.
Không thể công thức hóa, toán học hóa tên riêng địa lý. Nếu không, rồi ta sẽ thấy sự đơn giản, vội vã, không tính đến nhân tố lịch sử, văn hóa, tâm lý tình cảm của cộng đồng sử dụng là "lợi bất cập hại".
BÌNH LUẬN HAY