
Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Văn Quyết (giữa) đi khảo sát tình hình biên giới ở khu vực cửa khẩu Tân Nam. Toàn tỉnh Tây Ninh có đường biên giới khoảng 375km, công tác chống buôn lậu luôn được đề cao trong đợt cao điểm vừa qua - Ảnh: SƠN LÂM
Ngày 12-7, ông Huỳnh Văn Quang Hùng - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh - cho biết trong 1 tháng cao điểm (15-5 đến 15-6-2025), trên toàn địa bàn tỉnh đã phát hiện 71 vụ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong đó có 29 vụ xử lý hành chính với số tiền xử phạt gần 200 triệu đồng, 9 vụ xử lý hình sự, 33 vụ đang điều tra, xác minh.
Theo ông Hùng, trên địa bàn thuộc khu vực tỉnh Long An cũ, qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý vi phạm trong việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa chứng từ… Tuy vậy về tính chất, quy mô, số lượng tang vật vi phạm không lớn. Hàng hóa vi phạm phát hiện chủ yếu tại các điểm hộ kinh doanh, mặt hàng đa số là thời trang.
Khu vực thuộc tỉnh Tây Ninh cũ, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng cấm trên tuyến biên giới có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn. Hàng lậu, hàng cấm được tập kết xa khu vực biên giới, chờ thời cơ thuận lợi sẽ nhanh chóng vận chuyển nhỏ lẻ vào nội địa, sau đó dùng xe hơi, xe tải, xe khách… chuyển đi TP.HCM và các tỉnh lân cận. Mặt hàng chủ yếu là thuốc lá, pháo, xe mô tô…
"Phần lớn các hộ kinh doanh không phân biệt được hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ. Còn hàng hóa nhập lậu thường được vận chuyển vào thời gian chiều tối, nửa đêm, gần sáng. Người vi phạm thường chia nhỏ, xé lẻ hàng, thuê người canh đường, theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng 24/24 giờ", ông Hùng nhận định.
Ông Hùng cho biết trong đợt cao điểm vừa qua, công tác phối hợp giữa các ngành luôn được chủ động đề cao. Ngay khi ngành quản lý thị trường phát hiện, sở đã chỉ đạo phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để cùng kiểm tra, tiến hành đấu tranh, xử lý thấu đáo hành vi của những người liên quan.

Quản lý thị trường phối hợp với công an và lực lượng địa phương kiểm tra kho sữa không rõ nguồn gốc ở xã Tân Lân, Tây Ninh vào ngày 23-5 - Ảnh: Q.H.
Ông Hùng thông tin thêm hiện lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã quán triệt sau đợt cao điểm, vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới.
Sở Công Thương sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ động nắm chắc, nhận diện những mặt hàng thường xuyên bị làm giả, xâm phạm để có giải pháp ngăn ngừa hiệu quả.
Nhiều vụ hàng giả, hàng không có hóa đơn chứng từ
Ngày 23-5, công an phối hợp quản lý thị trường phát hiện 963 thùng sữa (tương đương 11.856 hộp) ở xã Tân Lân. Đoàn kiểm tra đã lấy 40 mẫu sữa các loại để giám định và tạm giữ số hàng hóa này.
Ngày 9-6, kiểm tra cửa hàng Dương Bằng LUXURY tại phường Long An phát hiện, tạm giữ 88 sản phẩm là các loại ví, nón in các nhãn hiệu nổi tiếng Louis Vuitton, Gucci, Hermes không hóa đơn, chứng từ trị giá khoảng 100 triệu đồng.
Ngày 11-6, phát hiện Shop HOLA tại xã Bến Lức, tạm giữ hơn 4,4 tấn áo quần, giày dép, túi xách, nón, … không có hóa đơn, chứng từ. Chủ cơ sở cũng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngày 13-6, phát hiện và tạm giữ khoảng 12 tấn kem trộn giả tại phường Tân Ninh và xã Dương Minh Châu…
BÌNH LUẬN HAY