13/07/2025 08:28 GMT+7

Tăng 7,2% lương tối thiểu vùng: Tạo động lực cho người lao động

Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất tăng 7,2% lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2026, tương tương mức tăng 250.000 - 350.000 đồng tùy khu vực.

lương tối thiểu - Ảnh 1.

Công nhân sản xuất trong dây chuyền xuất khẩu ở một nhà máy may mặc tại tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: HÀ QUÂN

Theo đề xuất, lương tối thiểu vùng I tăng từ 4,96 triệu đồng/tháng lên 5,31 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng); vùng II tăng từ 4,41 triệu đồng/tháng lên 4,73 triệu đồng/tháng (tăng 320.000 đồng); vùng III tăng từ 3,86 triệu đồng/tháng lên 4,14 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng) và vùng IV tăng từ 3,45 triệu đồng/tháng lên 3,7 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).

Động viên người lao động

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Nguyễn Mạnh Khương đánh giá mức tiền lương tăng 7,2% phù hợp bối cảnh phát triển kinh tế đất nước hiện nay. Đồng thời, phù hợp với hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và hai con số các năm tiếp theo.

Còn ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cũng đánh giá mức đề xuất lương tối thiểu vùng tăng 7,2% từ ngày 1-1-2026 cơ bản đáp ứng được kỳ vọng của tổ chức công đoàn và đoàn viên lao động.

Ông cho rằng điều này thể hiện tinh thần chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp cũng tạo động lực để người lao động làm việc với tinh thần phấn chấn, cùng nỗ lực để cuối năm nay chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng. "

Sau khi Chính phủ có quyết định chính thức mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2026, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện và tuyên truyền người lao động đồng tình và ủng hộ mức tăng này để lao động với năng suất cao, chất lượng tốt cùng phát triển doanh nghiệp để cả nước bước vào kỷ nguyên mới", ông Hiểu thông tin.

Tương tự, ông Lê Đình Quảng - chuyên gia lao động công đoàn - bày tỏ thời gian tăng lương tối thiểu từ 1-1-2026 phù hợp với thông lệ trước đây (1-1 hằng năm).

Cùng với đó đúng tinh thần nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về điều chỉnh lương tối thiểu với các yếu tố như tương quan giữa mức lương tối thiểu với tiền lương trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp...

"Để tăng tốc, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tiền lương tối thiểu phải tăng tương xứng, đồng bộ. Đây là thông điệp quan trọng khi đất nước vươn mình phát triển thì đời sống của người lao động cũng được cải thiện", ông Quảng bày tỏ.

Từ tăng lương tối thiểu vùng, tiến tới mức "lương đủ sống"

Nhìn ở góc độ rộng ra, đại biểu Nguyễn Quang Huân (TP.HCM) cũng cho rằng trong bối cảnh kinh tế đất nước hiện nay, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng như trên mang nhiều ý nghĩa. Đặc biệt trong tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay còn khó khăn và tình hình tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân sáu tháng đầu năm 2025 là 3,27% thì mức tăng 7,2% là hợp lý.

Theo ông Huân, tăng lương tối thiểu vùng không chỉ mang ý nghĩa liên quan ví tiền, mà còn mang giá trị con người trong nền kinh tế. Đặc biệt lương tối thiểu vùng là ranh giới thể hiện cam kết Nhà nước trong bảo vệ lao động yếu thế. Khi lương tối thiểu được điều chỉnh kịp thời với thị trường, niềm tin xã hội tăng lên, người lao động yên tâm lao động, sản xuất, giảm xung đột.

Tuy nhiên, dù đánh giá cao việc đề xuất tăng 7,2% lương tối thiểu vùng từ 2026, song ông Huân nhìn nhận nếu tính ra con số tuyệt đối, mức tăng cao nhất thuộc vùng I, khoảng 350.000 đồng không phải là con số lớn.

Với mức lương tối thiểu ở vùng I, theo đề xuất tăng lên là trên 5,3 triệu đồng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người lao động. Đặc biệt người lao động ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội... là những nơi có giá tiêu dùng cao.

Do vậy, theo ông Huân, từ việc tăng lương tối thiểu lần này cũng tiếp tục đặt ra kỳ vọng lớn hơn về câu chuyện khi nào lương tối thiểu vùng sẽ tiến tới mức "lương đủ sống" - chứ không chỉ là mức sàn như hiện nay.

Đồng thời tăng lương cần đi cùng tăng bảo hiểm, giảm chi phí y tế - giáo dục - nhà ở và đặc biệt là có chính sách để tránh câu chuyện lương chưa tăng mà mọi thứ hàng hóa đã tăng trước.

Một điểm khác, theo ông Huân, cùng với mức tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức trong khu vực công đã thực hiện từ 1-7-2024 và sẽ tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2026, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu để sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.

Trong đó cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tế thu nhập, tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó để việc tăng lương cho người lao động nói chung thực sự có ý nghĩa.

lương tối thiểu - Ảnh 2.

Công chức Trung tâm phục vụ hành chính công phường Cát Lái, TP.HCM giải quyết hồ sơ cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH

* Ông Nguyễn Văn Đệ (chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, chủ tịch Tổng công ty cổ phần Hợp Lực):

Tăng lương cơ sở cao gây áp lực với các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Dù hội đồng tiền lương đã chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 7,2% vào đầu năm 2026 nhưng nhiều anh em doanh nghiệp vẫn nói với tôi mức tăng ở ngưỡng 5% sẽ phù hợp hơn với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở thời điểm này.

Cả xã hội vừa trải qua cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sáp nhập địa giới hành chính, vì thế từ chính quyền đến doanh nghiệp đều trong quá trình sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, tìm hướng đầu tư, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp sau dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, vì thế việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện hầu hết các doanh nghiệp lớn đã chi trả lương, thưởng cho người lao động hằng tháng vượt mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh vừa chuyển lên thành doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, phải nỗ lực xoay xở để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Với những doanh nghiệp đủ tiềm lực thì họ thường điều chỉnh tăng lương cho người lao động trước khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Các doanh nghiệp đều mong muốn kinh doanh tốt hơn để người lao động có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn.

Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó khăn để có được đơn hàng, có đầu ra sản xuất nên việc tăng lương cơ sở ở mức cao sẽ gây áp lực lớn.

Trước đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố khảo sát trong tháng 3 và tháng 4-2025 với gần 3.000 người lao động tại 10 tỉnh thành.

Kết quả gần 55% lao động chia sẻ tiền lương, thu nhập vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; hơn 26% khác phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ, trong khi 8% không đủ sống, phải tìm việc làm thêm. Thu nhập chưa đáp ứng được chi tiêu khiến họ phải "thắt lưng buộc bụng", vay mượn chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột xuất.

Khảo sát cho hay 12,5% lao động thường xuyên phải vay mượn tiền ổn định cuộc sống, trong khi gần 30% khác là thỉnh thoảng (3-4 tháng/lần). Ngoài ra, hơn 93% lao động cho biết đã được tăng lương tối thiểu 6% theo quy định.

Tuy nhiên một số công ty chỉ điều chỉnh cho phần lao động lương thấp để đóng bảo hiểm xã hội nên tiền lương thực tế không tăng.

Chị Nguyễn Ngọc (41 tuổi, công nhân cơ khí tại Hà Nội), bày tỏ vui mừng khi có thể sắp được tăng lương. Chị cho biết với chi phí nuôi ba cháu nhỏ rồi tiền sinh hoạt, ăn uống, điện nước, "lương tăng thêm một chút cũng tốt".

Tuy vậy chị mong Nhà nước có cách kiềm chế giá cả, không tăng điện nước để tăng lương thực sự ý nghĩa. Công đoàn có thêm chăm lo, hỗ trợ cho người lao động để yên tâm công tác, cống hiến cho công ty.

Anh Lê Văn Vương (37 tuổi, công nhân công ty sản xuất thiết bị điện ở Hưng Yên) cũng chia sẻ với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, mức lương của vợ chồng anh dự kiến được điều chỉnh tăng thêm khoảng 280.000 đồng/người/tháng.

Anh chia sẻ dù mức tăng không phải quá lớn nhưng trong tình hình giá cả hiện nay cũng có ý nghĩa lớn, giúp trang trải cuộc sống.

Anh Vương mong muốn về lâu dài Nhà nước cần có giải pháp để mức lương tối thiểu vùng phải là mức lương đảm bảo cho người lao động đủ sống, chăm lo được cho gia đình, con cái.

Tăng 7,2% lương tối thiểu vùng: Tạo động lực cho người lao động - Ảnh 3.Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 7,2%

Ngày 11-7, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2, thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ 1-1-2026 để trình Thủ tướng quyết định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0