12/05/2025 10:40 GMT+7

'Tâm thư' của HIEUTHUHAI, bé Kem mê Anh trai say hi và bình minh của công nghiệp biểu diễn

HIEUTHUHAI nói "ngày mai thể nào người ta cũng sẽ nói mấy đứa này đứng dưới mưa coi mấy thứ vô bổ. Nhưng mình nghĩ là cái hạnh phúc của mình, mình tự quyết. Không để ai ý kiến ý cò gì hết".

HIEUTHUHAI - Ảnh 1.

Đêm 6 concert Anh trai say hi diễn ra trong mưa gió, nhưng khán giả vẫn ở lại tới cuối - Ảnh: NSX

HIEUTHUHAI nói khi kết thúc đêm 6 concert Anh trai say hi tối 10-5 diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).

HIEUTHUHAI: "Thể nào người ta cũng sẽ nói..."

 Khi nói những điều đó, mắt HIEUTHUHAI rơm rớm nước. Anh khóc vì đây là đêm cuối của mùa 1. 

Và trong cơn mưa tầm tã mà MC Trấn Thành nói là "mưa tan nát, giống lũ lụt" ấy, khán giả của 30 anh trai vẫn ở đó cổ vũ và hát theo. Kết thúc concert, họ vẫn đứng nguyên tại chỗ để nghe những nghệ sĩ mà họ hâm mộ chào tạm biệt.

Không phải tự nhiên HIEUTHUHAI nói vậy. Đây không phải lần đầu tiên ta nghe mệnh đề đó. 

Không chỉ ở Anh trai say hi hay Anh trai vượt ngàn chông gai - hai chương trình hot nhất từ năm ngoái tới năm nay thu hút số lượng khán giả và fandom (cộng đồng người hâm mộ) vào hàng kỷ lục, mà còn ở nhiều concert nói riêng cũng như các hoạt động tiêu thụ văn hóa - giải trí hiện nay.

Khi "đu" thần tượng, những người trẻ thường bị gắn mác "trẻ trâu", "nông cạn", "chưa trải sự đời", "mù quáng", thậm chí có những câu nói gây sát thương như "thần kinh", "não tàn"…

HIEUTHUHAI - Ảnh 2.

Dàn anh trai say hi có một đêm diễn đáng nhớ ở sân Mỹ Đình tối 10-5 - Ảnh: NSX

Nhiều người tỏ ra không hiểu vì sao lại có fan cuồng, không hiểu sao phải xếp hàng từ đêm hôm trước để có vị trí đẹp trong concert. Họ càng không hiểu vì sao có những bạn trẻ chỉ cần nhìn idol từ xa hoặc mỉm cười với họ thì đêm về mất ngủ.

Dù văn hóa thần tượng đang tồn tại không ít những tiêu cực nhưng dù muốn hay không cũng không thể phủ nhận nó đang trở thành một nét văn hóa của dòng chảy đương đại. 

Ở Hàn Quốc hoặc Nhật Bản có cả một nền kinh tế gọi là "kinh tế fandom". Không chỉ phát triển trong nước, họ còn xuất khẩu nền kinh tế đó sang các nước khác.

Bé Kem 9 tuổi đi concert

HIEUTHUHAI - Ảnh 3.

Em Hoàng Bảo An bắt tay “chú” Quang Hùng MasterD - Ảnh: GĐCC

Hòa trong dòng người đi concert Anh trai say hi tối 10-5, có một số khán giả nhí (trên 8 tuổi) đi cùng người thân của mình.

Trong số đó có Hoàng Bảo An (còn gọi là Kem, 9 tuổi, ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Em là fan bự của "chú" Quang Hùng MasterD. 

Trước concert này, em từng được mẹ chở đi nhiều sự kiện do fandom của chú tổ chức nên các cô chú trong fanclub không lạ gì khán giả nhí này.

Kem kể với Tuổi Trẻ, khi xem game show Anh trai say hi tập 1, em đã thích chú Quang Hùng vì "chú hát hay, nhảy đẹp, thân thiện, còn đẹp trai nữa".

Kem nói "em tìm xem lại một số video của chú thời chưa nổi tiếng, diễn ngoài đường có rất ít khán giả xem, mà chú vẫn cố gắng, kiên trì với đam mê của mình, vì thế em rất khâm phục chú.

Có những lúc em lười biếng, nghĩ đến chú, em lại cố gắng".

Thấy chú nổi tiếng, hát trên sân khấu lớn, Kem hạnh phúc. Hôm Quang Hùng MasterD tổ chức fanmeeting ở Hà Nội, Kem được bắt tay với chú. Khi đi ra mẹ hỏi vì sao con khóc, Kem nói "vì con xúc động quá".

"Giả sử có người nói con mới tí tuổi, biết gì mà hâm mộ", con sẽ nói gì? "Tại sao họ lại nói thế hả dì, hay mà", cô bé hỏi lại. Trong concert, Kem say sưa hát theo rất nhiều bài của chương trình, đặc biệt những bài của chú Hùng.

Mẹ Kem kể tối qua khi đi concert về, em mãi không ngủ vì "con vẫn còn lâng lâng quá". Em kể cho mẹ rất nhiều về concert vừa xong.

Kem và những khán giả như Kem sẽ là những khách hàng lớn của nền công nghiệp giải trí hiện nay và trong tương lai, không phải là "họ" hay "người ta". Chính lớp khán giả mới này mới là những người quyết định diện mạo của nền nhạc Việt hiện tại và trong một tương lai gần.

HIEUTHUHAI - Ảnh 4.

Tối 10-5 concert mới diễn ra nhưng nhiều bạn trẻ đến rất sớm và xếp hàng - Ảnh: ĐẬU DUNG

Bình minh của công nghiệp biểu diễn

"Tại sao họ lại nói thế hả dì?" - câu hỏi của fan nhí 9 tuổi như một câu trả lời, nối vào câu chuyện của HIEUTHUHAI ở trên.

Ở Việt Nam, văn hóa thần tượng đang ngày một phát triển. Với khán giả lứa 7X- 8X, niềm yêu thích dừng lại ở việc nghe và nhìn nghệ sĩ từ xa, thì tới thế hệ 9X, đặc biệt là 2K2, họ bộc lộ cảm xúc đó trực diện hơn, họ chịu "chi" cho niềm đam mê và vui vẻ vì điều đó.

'Tâm thư' của HIEUTHUHAI, bé Kem mê Anh trai say hi và bình minh của công nghiệp biểu diễn - Ảnh 5.

Sân Mỹ Đình tối 10-5 phủ kín người - Ảnh: NSX

Với cha chú, anh chị đi trước, một bữa cơm có thịt là no. Với người trẻ hôm nay, họ mưu cầu nhiều hơn thế, đặc biệt những giá trị tinh thần và như HIEUTHUHAI nói, đó sẽ là thế hệ "tự quyết" hạnh phúc của mình.

Hiểu sự khác biệt thì mới kéo gần lại khoảng cách thế hệ trong một nền văn hóa giải trí giàu ngữ cảnh như Việt Nam và nắm bắt buổi bình minh của nền công nghiệp biểu diễn Việt Nam, ít nhất ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai gần.

"Đu" idol và bình minh của công nghiệp biểu diễn - Ảnh 3.30 Anh trai say hi diễn trong cơn mưa trắng trời ở sân Mỹ Đình

Bất chấp màn mưa trắng xóa, dàn Anh trai say hi và hàng chục ngàn khán giả vẫn nhuộm kín sắc màu sân Mỹ Đình trong đêm cuối cùng của mùa 1.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0