
Bên trong sân khấu Trống Đồng hôm 9-5, cổng chính đã gỡ bảng tên cỡ lớn trước đây, chỉ cổng phụ (trong ảnh) còn lưu - Ảnh: MI LY
Lan Anh, Trống Đồng, Cầu Vồng 126 là những sân khấu hoạt động trên dưới 30 năm, góp phần đưa nhiều nghệ sĩ lên đỉnh cao và trở thành một phần của lịch sử nhạc Việt.
Ngày 9-5, Tuổi Trẻ ghi nhận hai sân khấu xác nhận đóng cửa gần đây là Lan Anh và Trống Đồng đều trong tình trạng xuống cấp. Lan Anh đang được dỡ bỏ, ngổn ngang sắt thép, gạch đá; Trống Đồng vắng lặng, là điểm tập kết thùng rác bên cạnh những hàng ghế cũ mòn, im lìm.
Lan Anh: chứng kiến giai đoạn hoàng kim
BTV Diệu Minh (VOH - người có nhiều năm tham gia tổ chức lễ trao giải Làn sóng xanh ở sân khấu Lan Anh) nói với Tuổi Trẻ: "Lan Anh chứng kiến giai đoạn hoàng kim đỉnh cao của nhạc Việt cách đây 30 năm. Lúc đó tất cả những live show lớn đều tổ chức ở Lan Anh, sau phát pháo mở màn là đêm công diễn và trao giải Làn sóng xanh năm 1998".
Lam Trường hát "Cho bạn cho tôi" ở Làn sóng xanh 2002 - Video: Phương Nam Phim
Các ca sĩ nổi tiếng nhất lứa đó như Lam Trường, Đan Trường, Cẩm Ly, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng đều từng tổ chức concert ở Lan Anh vì với hơn 3.000 ghế thì đây là nơi bảo chứng về sức hút của một ngôi sao. Hình ảnh biểu tượng của sân khấu Lan Anh là hàng dài khán giả xếp hàng mua vé xem ca nhạc.
Ngày xưa không bán vé online nên cảnh hàng trăm người xếp hàng mua vé thực sự là biểu tượng của sự ăn khách. Live show Cho bạn cho tôi của Lam Trường vào năm 2002 - một trong những show cá nhân quy mô lớn đầu tiên - bán chạy đến mức fan đến chậm một chút là không còn chỗ.
Hay chuyện khán giả leo rào, đứng tràn các hàng ghế, tràn lên sân khấu cũng từng xảy ra. Có những đêm nhạc "hot" đến mức lên đến 4.000 khán giả.

Trịnh Thăng Bình và Hoàng Dũng hát trong concert Upgeneration - chương trình ca nhạc quy mô lớn cuối cùng tại Lan Anh vào năm 2023 - Ảnh: Facebook Trịnh Thăng Bình
Năm 2023, ca sĩ Trịnh Thăng Bình tổ chức concert Upgeneration quy mô khá lớn, đầu tư thiết bị hiện đại cùng dàn ca sĩ trẻ nổi tiếng. Trịnh Thăng Bình muốn đưa các tên tuổi hot với giới trẻ thời nay đến đây với ước mơ "Lan Anh sẽ trở lại thời kỳ nhộn nhịp của nó với loạt concert chất lượng".
"Tôi muốn tạo một sân khấu lớn nơi các nghệ sĩ trẻ có nhiều điều kiện tiếp cận với khán giả hơn, khuấy động lại không khí khán giả đi xem show định kỳ ở các sân khấu hàng ngàn người" - Trịnh Thăng Bình chia sẻ với báo chí khi đó. Đáng tiếc, ước mơ này không thành hiện thực.
Trống Đồng: những ngày cuối buồn
Nhạc sĩ Tô Hiếu từng tổ chức Tìm nhau trao yêu thương và Tình nghệ sĩ đều vào năm 2023. Đây là hai trong số những đêm nhạc cuối cùng ở sân khấu Trống Đồng, bên cạnh chương trình hài Đêm của cười 4 của Cát Phượng cuối năm 2023.
Tô Hiếu bảo bây giờ khán giả thích vào những nơi có máy lạnh, màn hình led. Còn khi Cát Phượng làm show phải bỏ tiền đầu tư sân khấu, làm lại ghế tốn kém.

Trống Đồng từng được ưa chuộng để làm show vì giá thuê rất rẻ, nhưng cơ sở vật chất của sân khấu nay đã cũ, xuống cấp - Ảnh: MI LY

Nhiều hàng ghế ở Trống Đồng cũ, sờn và gãy, nghệ sĩ muốn làm show phải tự sửa chữa, bọc lại - Ảnh: MI LY

Có những đêm diễn cuối ở đây vắng khán giả, trong khi Trống Đồng thời hoàng kim rất đông vui - Ảnh: MI LY
"Hôm diễn Tình nghệ sĩ, trời mưa nên nhiều khán giả không đến vì họ biết Trống Đồng không che mưa được" - Tô Hiếu kể với giọng buồn. Anh rất yêu sân khấu Trống Đồng vì có thời tối nào anh cũng đi xem: giá vé rẻ, không gian rộng thoáng, để lại nhiều kỷ niệm. Đến khi làm show, anh cũng luôn muốn chọn Trống Đồng vì địa điểm thuận lợi.
Với Trống Đồng, câu chuyện hơi khác Lan Anh khi đây là sân khấu chuyên về tạp kỹ. Trống Đồng không có hậu đài để dàn dựng quy mô như Lan Anh.
Những năm còn thịnh hành, Trống Đồng được ưa chuộng để làm show vì giá thuê rất rẻ, vị trí khá đẹp, tiếp cận nhiều khán giả. Nơi đây phù hợp với những chương trình đơn giản giải trí hằng tuần. Diện tích mặt sàn cũng rất nhỏ, không đủ để triển khai nhiều ý tưởng thiết kế và biểu diễn đa dạng sau này.
Nhìn mặt bằng chung hôm nay, BTV Diệu Minh nhận định TP.HCM vẫn cần những sân khấu quy mô hàng ngàn người, từ 3.000, 4.000 trở lên.
Những sân khấu như nhà hát Hòa Bình (gần 2.500 ghế), nhà hát Bến Thành (gần 1.100), Nhà hát TP.HCM (gần 500) đang tu sửa; hoặc mượn công năng của các nhà thi đấu như nhà thi đấu Nguyễn Du, nhà thi đấu Phú Thọ, nhà thi đấu Quân khu 7 - sân vận động Quân khu 7... hay những quảng trường mỗi lần tổ chức biểu diễn thì tự dựng sân khấu và khán đài riêng.
Không còn những sân khấu từng quen thuộc, vẫn không quá thiếu nơi để tổ chức biểu diễn, bởi TP.HCM chỉ thực sự thiếu những nơi tổ chức concert quy mô hàng chục ngàn người. Nhưng trong lòng khán giả, khi những sân khấu biểu tượng khép lại, một thời đại nhạc Việt cũng đã đi qua.

Sân khấu Lan Anh đang trong giai đoạn tháo dỡ vào sáng 9-5 - Ảnh: Mi Ly
Một thời "cứ cuối tuần là xem ca nhạc, diễn hài"
"Sân khấu Lan Anh là nơi thực hiện những live show bề thế, có tính nghệ thuật cao hoặc các chương trình có thương hiệu lớn. Sân khấu Trống Đồng có giá trị khác, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa giải trí của người dân thành phố thời trước: cứ cuối tuần là đi xem ca nhạc, diễn hài với giá cả vừa phải, không khí gần gũi. Trống Đồng gắn bó với đời sống tinh thần người dân TP.HCM như các sân khấu kịch" - BTV Diệu Minh nói.
Tương lai về đâu?
Tuổi Trẻ liên hệ với đại diện sân khấu Lan Anh và sân khấu Trống Đồng để hỏi thêm về hướng hoạt động sắp tới của các đơn vị quản lý. Đại diện sân khấu Lan Anh ngoài việc xác nhận sân khấu đã ngừng hoạt động thì nói sẽ không chia sẻ thêm lúc này. Còn đại diện sân khấu Trống Đồng (trước đây) cho biết mặt bằng này xưa nay vẫn do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM quản lý.
BÌNH LUẬN HAY