Sự thật về bức ảnh Nhà Trắng chuyển sang đỏ rực

Một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Nhà Trắng rực đỏ trong ánh đèn kỳ lạ, khiến nhiều người đồn đoán về một 'sự kiện bí ẩn sắp xảy ra'.

Nhà Trắng - Ảnh 1.

Bức ảnh đang gây hoang mang cộng đồng mạng khi cho thấy Nhà Trắng được nhuộm đỏ, dấy lên lo ngại về "sự kiện hoảng loạn" sắp xảy ra - Ảnh: X

Bức ảnh này được tài khoản @QTHESTORMM đăng tải trên nền tảng X ngày 3-7, với dòng mô tả nhấn mạnh: “BÁO ĐỘNG KHẨN CẤP: NHÀ TRẮNG Ở WASHINGTON DC VỪA CHUYỂN SANG TOÀN MÀU ĐỎ!!!”.

Ngay lập tức, bài đăng này gây xôn xao dư luận, thu hút hơn 1,1 triệu lượt xem cùng với hàng chục ngàn lượt tương tác chia sẻ. Nhiều người chia sẻ nhau bức ảnh này và lo ngại đây là dấu hiệu báo trước một điều gì đó “đáng sợ”.

Tuy nhiên qua xác minh của các tổ chức kiểm chứng tin tức như Snopes và Lead Stories, bức ảnh trên là có thật, nhưng phần mô tả, chú thích là hoàn toàn sai lệch.

Thực chất đây là ảnh chụp màn hình từ một video vào ngày 4-6-2022, cho thấy ánh sáng màu cam, chứ không phải đỏ, nhằm hưởng ứng Ngày Nâng cao nhận thức về bạo lực súng đạn quốc gia (National Gun Violence Awareness Day).

Đây là hoạt động thường niên được tổ chức vào thứ sáu đầu tiên của tháng 6, nhằm tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì bạo lực súng đạn tại Mỹ, được khởi xướng từ năm 2015.

Các tổ chức kiểm chứng cũng ghi nhận nhiều cơ quan thông tấn lớn như Đài CNN và báo The Hill từng đưa tin về sự kiện này. Khi đó Tổng thống Mỹ Joe Biden đăng bài viết kèm mô tả "Nhà Trắng được chiếu sáng màu cam để tưởng niệm vô số nạn nhân của bạo lực súng đạn", và kêu gọi Quốc hội sớm hành động kiểm soát súng đạn.

Do đó bức ảnh đang lan truyền với nội dung “Nhà Trắng rực đỏ báo hiệu khẩn cấp ngày 2-7-2025” là thông tin sai lệch, thực chất được cắt ghép từ một sự kiện diễn ra từ ba năm trước và bị chú thích sai mục đích ban đầu.

Màu cam được chọn làm biểu tượng cho chiến dịch tưởng niệm này xuất phát từ câu chuyện của cô bé Hadiya Pendleton, nữ sinh 15 tuổi bị bắn chết tại sân chơi ở Chicago vào năm 2013.

Theo tổ chức Wear Orange, bạn bè của Hadiya đã mặc áo cam để tưởng nhớ cô, đây là màu mà thợ săn dùng để tự bảo vệ bản thân và người xung quanh.

Về sau, màu cam trở thành biểu tượng của phong trào chống bạo lực súng đạn, được nhiều tổ chức sử dụng, như Sandy Hook Promise - do thân nhân các nạn nhân vụ xả súng tại Trường tiểu học Sandy Hook năm 2012 sáng lập.

Nhà Trắng ‘chuyển sang đỏ’ để cảnh báo khẩn, thực hư ra sao? - Ảnh 3.Nhiều video ‘Iran di dời cơ sở hạt nhân trước khi Mỹ tấn công’ là giả

Nhiều video đang được lan truyền trên mạng xã hội cho rằng Iran đã di dời các cơ sở hạt nhân trước khi bị Mỹ không kích hôm 22-6. Tuy nhiên theo xác minh của Hãng tin AFP, các video này là giả, được tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0