08/05/2025 11:06 GMT+7

Start-up Việt mong không phải ra nước ngoài đăng kí mới thu hút được vốn

Với các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư mạo hiểm, nghị quyết 68 mang nhiều kỳ vọng cho cộng đồng khởi nghiệp. Theo nhiều chuyên gia, đây là cơ hội để các start-up Việt phát triển.

start-up Việt - Ảnh 1.

Với nghị quyết 68, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ bứt phá nhờ những chính sách hỗ trợ đối với kinh tế tư nhân - Ảnh: FT

Tuy nhiên để chính sách thực sự đi vào cuộc sống và tạo động lực cho mọi lĩnh vực, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, theo các chuyên gia, cần có những cơ chế chính sách cụ thể nhằm khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Từ đó dần hình thành hệ sinh thái vốn mạo hiểm, thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế.

Những ý tưởng đột phá, có tiềm năng thay đổi thị trường luôn đi kèm với rủi ro cao. Do đó không chỉ doanh nghiệp mà Nhà nước cũng cần chấp nhận rủi ro thông qua việc thiết lập các cơ chế hỗ trợ nguồn vốn mạo hiểm, từ vốn thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm cho đến các ngân hàng và sàn chứng khoán.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO Selex Motors

Cần cơ chế khuyến khích lập quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ start-up Việt

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên - đồng sáng lập kiêm CEO Selex Motors - cho rằng nghị quyết mới chỉ là bước đầu.

Để hiện thực hóa, Quốc hội và Chính phủ cần nhanh chóng cụ thể hóa thành các chính sách, khung pháp lý rõ ràng, tập trung vào giải quyết những nút thắt cốt lõi, bao gồm cải cách giáo dục, đào tạo nhân lực và đặc biệt là khơi thông nguồn vốn - yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyên, vốn được ví như "máu" của doanh nghiệp và đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, không chỉ cần vốn mà cần vốn mạo hiểm.

Trong khi đó một trong những thách thức lớn hiện nay là dòng vốn mạo hiểm vẫn chủ yếu đổ vào các start-up Việt thông qua các pháp nhân đặt tại Singapore - nơi có môi trường pháp lý minh bạch, chi phí thấp và thủ tục đơn giản.

Cũng theo ông Nguyên, cả nước cần có ít nhất 100 quỹ đầu tư nội địa, không chỉ để rót vốn trực tiếp mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa, hút thêm nguồn vốn ngoại.

Trong thực tế số lượng ít ỏi các quỹ nội còn non trẻ và gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn do khung pháp lý phức tạp và lạc hậu, chưa phù hợp đặc thù ngành. Nếu các quỹ nội không phát triển, việc thu hút quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài sẽ càng khó, kéo theo sự trì trệ của cả hệ sinh thái.

Một vấn đề khác khiến nhà đầu tư dè dặt là khả năng thoái vốn (exit). Theo ông Nguyên, trong suốt một thập niên qua gần như không có start-up nào của Việt Nam niêm yết thành công trên sàn chứng khoán. Điều này khiến vòng đời đầu tư bị bó hẹp, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi lợi nhuận và làm giảm động lực rót vốn vào các start-up.

"Tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ, nơi các start-up dù đang lỗ vẫn có thể niêm yết nếu có mô hình kinh doanh tiềm năng.

Việc tiếp cận thị trường chứng khoán không chỉ giúp start-up huy động vốn mà còn mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư hiện hữu rút vốn, từ đó tiếp tục tái đầu tư vào các thế hệ doanh nghiệp mới", ông Nguyên khẳng định.

Phải xây dựng được hệ sinh thái vốn mạo hiểm

Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường vốn tại Việt Nam không thiếu nhưng đang bị phân bổ lệch lạc và khai thác thiếu hiệu quả. Một phần lớn dòng tiền đổ vào bất động sản (BĐS), giá BĐS bị thổi phồng vượt xa giá trị thực, dẫn đến đầu cơ và nhiều hệ lụy xã hội.

"Hệ thống ngân hàng chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp là BĐS khiến các doanh nghiệp sản xuất hoặc khoa học công nghệ vốn không có tài sản thế chấp, khó tiếp cận vốn để phát triển", một chuyên gia nói.

Trong khi đó các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital - VC) nội địa đang còn non trẻ với số lượng ít ỏi và gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn do các chính sách, cơ chế phức tạp và lạc hậu.

Nếu các quỹ nội không phát triển, việc thu hút quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài sẽ càng khó, kéo theo sự trì trệ của cả hệ sinh thái. Do đó cần có cơ chế để khuyến khích và thu hút thành lập VC ở Việt Nam để hình thành hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm.

"Một hệ sinh thái vốn mạo hiểm mạnh mẽ, đồng bộ cho mọi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể sản sinh ra những "Apple, Google hay NVIDIA" của riêng mình", ông Nguyên nói và cho rằng các công ty như Apple, Google, Facebook hay NVIDIA chỉ có thể phát triển nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn mạo hiểm ở mọi giai đoạn, từ khởi đầu đến niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hệ sinh thái này bao gồm vốn thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng và thị trường chứng khoán, kết hợp chặt chẽ giữa nguồn vốn trong nước và quốc tế. "Việt Nam cần học hỏi mô hình này, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái vốn mạo hiểm nội địa mạnh mẽ để thu hút vốn ngoại, thay vì để các start-up Việt Nam phải ra nước ngoài đăng ký", một chuyên gia nói.

Theo các chuyên gia, nếu có các VC nội sẽ thu hút được VC ngoại và nguồn vốn nước ngoài tham gia. Ngoài ra cần có cơ chế để start-up có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán dễ dàng hơn.

Trong 10 năm qua, Việt Nam gần như không có start-up nào niêm yết thành công trên sàn chứng khoán. "Nếu start-up không thể thoái vốn, nhà đầu tư không thu được lợi nhuận, các quỹ đầu tư mất động lực rót vốn vào start-up Việt Nam", một chuyên gia khuyến cáo.

Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực truyền thống cần được hỗ trợ

Nhiều doanh nghiệp cho rằng sáng tạo không chỉ nằm ở công nghệ mà còn ở cách làm mới, cải tiến sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh. Trong khi đó việc thẩm định thường thiên về các yếu tố công nghệ, khiến nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực khác bị thiệt thòi.

Theo ông Đoàn Tuấn - giám đốc đầu tư Beta Group, với các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT... thường dễ dàng chứng minh tính sáng tạo nhờ sản phẩm hoặc giải pháp có thể nhìn thấy và đo lường được. Nhưng với các ngành truyền thống như nông nghiệp, thủy sản hay thực phẩm, việc chứng minh tính sáng tạo lại là một bài toán khó.

"Làm thế nào để các doanh nghiệp ở những lĩnh vực truyền thống, nơi sáng tạo nằm ở quy trình, cách làm hay mô hình kinh doanh có thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ? Nếu không giải quyết được vấn đề này, nhiều doanh nghiệp sáng tạo trong các ngành như nông nghiệp, thực phẩm, thủy sản sẽ bị bỏ lại phía sau", ông Tuấn nói.

* Bà Nguyễn Nhã Quyên (giám đốc vận hành Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam - SVF):

Cơ hội cho start-up Việt bứt phá - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Nhã Quyên (giám đốc vận hành Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam - SVF)

Tạo không gian thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư

Nghị quyết 68 tạo ra động lực mạnh mẽ cho các doanh nhân, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và cộng đồng doanh nghiệp.

Nó không chỉ khơi dậy sự tự tin và khẳng định vai trò quan trọng của khu vực tư nhân mà còn tạo ra một không gian thuận lợi để họ yên tâm đầu tư và phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên để đưa nghị quyết vào thực tiễn cần có sự nỗ lực dài hạn và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành.

Việc triển khai hiệu quả sẽ quyết định mức độ thành công trong việc biến những kỳ vọng này thành hiện thực, từ đó thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực chính của nền kinh tế.

* Ông Nguyễn Xuân Đông (giám đốc phát triển doanh nghiệp Công ty Funtap):

Cơ hội cho start-up Việt bứt phá - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Xuân Đông (giám đốc phát triển doanh nghiệp Công ty Funtap)

Mở ra không gian đột phá trong lĩnh vực AI, blockchain

Nghị quyết 68 không chỉ là một chính sách mà còn là "bản thiết kế chiến lược" cho tương lai của hệ sinh thái khởi nghiệp, tác động rất lớn và thực chất tới công việc và các hoạt động kinh doanh của chúng tôi.

Đặc biệt, nghị quyết đề cập đến những giải pháp cụ thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từ ưu đãi chính sách đến hỗ trợ thể chế.

Một trong những điểm nổi bật là khung pháp lý thử nghiệm (sandbox), một môi trường cho phép start-up thử nghiệm mô hình kinh doanh, sản phẩm hoặc công nghệ mới mà không phải tuân thủ toàn bộ quy định pháp lý khắt khe ngay từ đầu. Đây không phải là ưu đãi thuế trực tiếp nhưng lại là một cú hích gián tiếp cực kỳ quan trọng.

Nó giúp start-up giảm đáng kể chi phí tuân thủ, rút ngắn thời gian ra thị trường và quan trọng hơn cả là mở ra không gian cho đột phá sáng tạo trong các lĩnh vực có tính mới như AI, blockchain hay fintech. Nếu nghị quyết này được thực thi một cách hiệu quả sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp lớn vào việc đổi mới sáng tạo.

Cơ hội cho start-up Việt bứt phá - Ảnh 5.Start-up Việt được vinh danh tại thượng đỉnh AI Paris

Enfarm, start-up công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho nông nghiệp Việt Nam, là một trong 4 đại diện của châu Á nằm trong 50 dự án được giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh hành động AI tại Paris (Pháp) trong hai ngày 10 và 11-2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0