
Báo Tuổi Trẻ và UMT ký hợp tác đào tạo - Ảnh: N.T.
Sáng 8-4, báo Tuổi Trẻ và Trường đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) ký kết hợp tác đào tạo. Theo thỏa thuận, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện Trường đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM sẽ học thực hành môn tổ chức và quản trị sự kiện truyền thông tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
Như vậy, đây là trường đại học thứ 6 đưa sinh viên đại học đến học thực hành tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Một số trường đại học khác hiện đang chuẩn bị ký kết đưa sinh viên đến học tại báo Tuổi Trẻ nhằm giúp sinh viên tiếp cận sớm nghề nghiệp, tăng cường khả năng thực hành, tiếp cận thực tế, tích lũy kinh nghiệm phục vụ công việc sau này.
Tại lễ ký kết, một số sinh viên UMT đặt vấn đề trong quá trình học có thể thực hiện các sản phẩm truyền thông hiện đại, gần gũi và có thể thực tập, làm việc tại báo Tuổi Trẻ sau khi tốt nghiệp hay không.

Hai bên trao đổi về định hướng đào tạo thực hành cho sinh viên đại học chính quy - Ảnh: N.T.
Chia sẻ với sinh viên, nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết 50 năm phát triển, báo Tuổi Trẻ hiện là tổ hợp truyền thông đa phương tiện, thích hợp cho sinh viên truyền thông học tập, thực hành, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp, trao đổi nghề nghiệp cùng các nhà báo nhiều kinh nghiệm.
"Hiện có nhiều bạn rất trẻ, gen Z làm truyền thông số ở báo Tuổi Trẻ, phát trên các nền tảng xã hội. Sinh viên học tại báo có thể gặp các bạn trẻ đồng trang lứa và các nhà báo nhiều vốn sống, vốn nghề, trải qua nhiều thăng trầm nghề nghiệp cũng như ứng dụng các công nghệ mới trong truyền thông. Báo Tuổi Trẻ luôn chào đón các bạn sinh viên đến học tập, thực tập và làm việc nếu phù hợp" - ông Trung nói.

Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - trao đổi với sinh viên về việc thực tập và làm việc tại báo - Ảnh: N.T.
Chia sẻ thêm về định hướng phối hợp đào tạo cùng các trường đại học của tờ báo, ông Trung cho rằng đây cũng là trách nhiệm xã hội của báo. Báo Tuổi Trẻ luôn ủng hộ cái mới, sự trẻ trung nên rất sẵn sàng đào tạo sinh viên truyền thông. Điều này giúp sinh viên có môi trường thực hành chuyên nghiệp, tích lũy kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm phục vụ cho việc phát triển nghề nghiệp của các bạn sau này.

ThS Huỳnh Thúy Phương - phó chủ tịch thường trực hội đồng trường UMT - chia sẻ về định hướng đào tạo khai phóng của trường - Ảnh: N.T.
Nói về việc đưa sinh viên đến học tại báo Tuổi Trẻ, ThS Huỳnh Thúy Phương - phó chủ tịch thường trực hội đồng trường UMT - cho rằng điều này giúp định hướng cho sinh viên, giúp các bạn đi xa trong môi trường truyền thông nhiều biến động hiện nay.
"Trường đào tạo theo định hướng khai phóng. Ngay từ năm nhất sinh viên học các môn học để phát triển thế giới quan và nhân sinh quan tương đối toàn diện. Có thể đầu vào của trường không phải là tinh hoa nhưng khi sinh viên ra trường sẽ là những con người "tròn trịa" thú vị, hiểu được nhiều vấn đề khác nhau chứ không chỉ kiến thức chuyên ngành" - bà Phương cho hay.
Dịp này trường cũng ký hợp tác với Mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam (VNPR).
BÌNH LUẬN HAY