
Nhiều tuyến đường trung tâm TP Cần Thơ thường xuyên ngập rất nặng do mưa và triều cường. Thành phố đã đầu tư nhiều công trình chống ngập nhưng hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, mới đây tân chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã "treo thưởng" 50 triệu đồng hoặc cân nhắc vị trí cao hơn cho người có sáng kiến, giải pháp giúp thành phố thoát ngập trong những đợt mưa tới.
Nhiều bạn đọc đã hiến kế giải pháp thoát ngập cho thành phố này nói riêng và các đô thị nói chung, trong đó có những ý tưởng "độc lạ".
Cứ quét rác xuống cống rãnh, sao mà không ngập
Phần lớn ý kiến cho rằng muốn giải quyết câu chuyện ngập đô thị thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ công trình, đặc biệt là ý thức người dân.
Bạn đọc Bùi Đức Thắng viết: "Dù giải pháp nào đi nữa cũng phải có sự đồng bộ mới mong thoát ngập được. Có làm đường thoát nước thế nào thì cũng phải có sự ý thức của người dân. Chứ cứ như hiện nay thì không thể thoát được nạn ngập vào mùa mưa.
Đường cống thoát nước mà cứ quét rác, đổ rác, xả rác đầy trên đường, mưa xuống rác theo nước chảy xuống cống là nghẹt ngay, làm sao nước chảy được…
Ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường của nhiều người hiện nay quá kém. Cống rãnh, vỉa hè, đường phố tràn ngập rác thải vừa gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, là một trong những nguyên nhân gây ngập nước trong mùa mưa".
Bạn đọc tên Bắc có chung quan điểm khi cho rằng nạo vét kênh rạch, làm sạch cống rãnh, nâng cấp đường, đặc biệt chú ý cống thoát nước đã thông chưa, và tuyên truyền cho người dân về ý thức bỏ rác đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi đó còn vi phạm phải có biện pháp xử phạt thì sẽ hết ngập thôi.
Bạn đọc Lê Hoài Nam cũng đề xuất xử phạt người đổ rác xuống cống, xây dựng ý thức, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. "Hãy giữ gìn vệ sinh nơi công cộng như chính giữ gìn ngôi nhà của mình, sẽ góp phần hạn chế ngập nước", bạn đọc Hoài Nam bày tỏ.
Theo bạn đọc Học: "Nạo vét hết các hồ, kênh rạch trong nội ô thành phố, hút cống làm thông thoáng dòng chảy, làm nắp các cống thoát ra sông, làm các cống hở kênh rạch ngăn triều cường. Các hồ kênh chứa nước mưa, đồng thời làm đê bao các bờ kè thấp là xong".

Ngập nặng trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Võ Thị Sáu thuộc phường Ninh Kiều, TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Những giải pháp chống ngập "độc lạ"
Bạn đọc Văn Rồ nhận định ngập không phải do triều cường mà ngập là do mưa. Hễ mưa là ngập, không riêng gì Cần Thơ mà khắp ở các đô thị lớn nhỏ khác.
Lý do chung là cống, rãnh nhỏ nên thoát nước chậm. Do đó bạn đọc này đề xuất giải pháp là đầu tư cống to hơn, tùy theo tuyến đường hay đô thị mà chọn các loại cống có đường kính từ 1-2,5m. Để thuận lợi cho sinh hoạt của người dân thì thiết kế cống thoát nước ở giữa con lươn.
Bạn đọc Thanh nêu ý tưởng khác lạ khi cho rằng "cần làm thêm cống thoát nước phụ (cặp cống chính), cống phụ dẫn ra hồ chứa, hồ chứa sẽ được dùng vào mùa khô".
Bạn đọc 6 Hoàng đề xuất dùng robot vào việc chống ngập: "Tôi nghĩ do cống nghẹt là chủ yếu, hãy dùng robot khảo sát toàn bộ hệ thống cống chính - phụ, khai thông điểm tắc, còn căn cơ phải đồng bộ nhiều biện pháp".
Trong khi đó bạn đọc Đạt Đinh nêu sáng kiến làm thêm hệ thống cống để thu nước mưa riêng, nâng cấp đường kính cống lên 2,5m, đặt trạm bơm tổng và trạm bơm cục bộ vài điểm thấp.
Nguyên tắc vận hành: trời mưa thì đóng cống sông, bơm nước mưa ra sông; khi có nước lũ thì cũng đóng cống sông chặn lũ và bơm nước thoát nếu bị tràn lũ.
Bên cạnh các đề xuất cụ thể, một số bạn đọc cho rằng thành phố nên tổ chức cuộc thi cho vấn đề này. Bạn đọc Bui Quoc Hung cho rằng "đây là đề tài lớn, nên tổ chức cuộc thi, đánh giá và có giải thưởng xứng đáng".
Bạn đọc Dương Đức Thọ mong muốn sáng kiến được ứng dụng sẽ được thưởng tương xứng. Bởi sáng kiến được ứng dụng sẽ có sự nghiên cứu khá công phu từ những con số cụ thể, có cơ sở khoa học đến những dự báo, cảnh báo lâu dài.
"Điều này cũng kích thích những nhà khoa học, thậm chí người dân dốc tâm dốc lực vào nghiên cứu tìm giải pháp chống ngập", bạn đọc này góp ý.
Tách nước mưa để chống ngập
Trong khi đó bạn đọc Lan Anh cho rằng cần có giải pháp tách nước mưa và nước thải để giữ lượng nước sạch. Nước sạch là tài nguyên ngày càng giá trị, vì vậy cần có giải pháp thu dẫn tận dụng hiệu quả nhất.
Cần xem xét nghiêm túc các giải pháp tách nước mưa khỏi nước thải và xây dựng hệ thống các hồ, đầm, kênh, rạch và bể trữ nước kết nối với nhau để xử lý vấn đề ngập nước cục bộ. Nước mưa thu được có thể sử dụng vào nhiều mục đích hữu ích khác nhau như phục vụ nông nghiệp, tưới cây, rửa đường, cứu hỏa, thậm chí được xử lý thành nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Bên cạnh đó cần xem xét đưa vào quy chuẩn xây dựng đô thị về thiết kế các vỉa hè phải rộng tối thiểu 5m, và bố trí dải đất trồng cây xanh sát mép đường để vừa hỗ trợ thấm hút nước mưa vào lòng đất vừa tăng mảng xanh cho đô thị, giảm ngập lụt cục bộ, bổ sung nước ngầm và chống sụt lún.
BÌNH LUẬN HAY