
Vé số kiến thiết được tiêu thụ mạnh ở miền Tây - Ảnh: LÊ DÂN
Ngày 21-4, lãnh đạo một công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết (công ty XSKT) ở miền Tây cho biết đến hôm nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn. "Chúng tôi cũng rất sốt ruột, chưa biết sắp tới như thế nào", vị lãnh đạo này cho hay.
Nên giữ nguyên các công ty XSKT và kỳ phát hành vé số để đảm bảo nguồn thu
Khu vực miền Nam từ Khánh Hòa trở vào đến Cà Mau có 21 công ty XSKT truyền thống. Nhiều năm qua, tỉ lệ tiêu thụ vé số của các công ty này đẹp như mơ, tiêu thụ hết trên 99% lượng vé phát hành, trong đó có 13 công ty tiêu thụ đạt 100%.
Tại khu vực miền Nam, từ chủ nhật đến thứ sáu tuần sau, mỗi ngày đều có 3 công ty XSKT mở thưởng. Riêng ngày thứ bảy, có tới 4 công ty của 4 tỉnh mở thưởng. Mỗi tỉnh được phát hành một kỳ/tuần. Duy nhất chỉ có Công ty XSKT TP.HCM được phát hành 2 kỳ/tuần vào thứ hai và thứ bảy.
Theo chủ trương của trung ương, các tỉnh khu vực miền Nam sẽ có sự hợp nhất. Trong đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu sáp nhập vào Cà Mau; Long An vào Tây Ninh; Tiền Giang vào Đồng Tháp; An Giang vào Kiên Giang; Sóc Trăng, Hậu Giang nhập vào thành phố Cần Thơ; Bến Tre, Trà Vinh nhập vào Vĩnh Long.
Một đại lý vé số ở Sóc Trăng đề xuất nên giữ nguyên các công ty XSKT truyền thống như hiện nay, chỉ cần bỏ chữ "tỉnh". Người này nêu dẫn chứng: Thay vì trước nay gọi Công ty XSKT tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang thì sắp tới gọi Công ty XSKT Sóc Trăng, Công ty XSKT Hậu Giang… nhưng hai công ty này vẫn trực thuộc UBND TP Cần Thơ.
Chủ đại lý vé số này phân tích thêm, hiện nay vé số truyền thống khu vực miền Nam quá mạnh, không đủ bán và phát hành rải đều các ngày trong tuần. Bây giờ nhập lại, chẳng lẽ bớt kỳ phát hành, mở thưởng.
Còn để tỉnh mới hợp nhất phát hành, mở thưởng thì không công bằng. Khi đó, có tỉnh như TP Cần Thơ chẳng hạn do Sóc Trăng và Hậu Giang nhập vào sẽ được phát hành 3 kỳ/tuần, còn nhiều tỉnh phát hành 2 kỳ/tuần.
Một cán bộ công ty XSKT miền Tây chia sẻ việc giữ nguyên kỳ phát hành, mở thưởng như hiện nay còn đảm bảo nguồn thu ngân sách cho địa phương. Hầu hết các công ty XSKT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Năm 2024, một số công ty đóng góp ngân sách gần 40% tổng nguồn thu ngân sách của địa phương. Từ nguồn thu này được đầu tư vào rất nhiều công trình giáo dục, y tế.
"Kế hoạch kinh doanh, nộp ngân sách đã giao cho các công ty và địa phương, do vậy một khi giảm kỳ phát hành, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thu nộp ngân sách", vị cán bộ này nói.
Chị Tám Lan (ngụ phường 1, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ việc nhập tỉnh thì cứ nhập, còn các công ty XSKT nên giữ nguyên. Chị Lan cho biết gia đình chị mua vé số ngoài cầu may trúng, còn mong muốn ủng hộ quê hương.
"Tôi mua vé số còn xuất phát từ tình cảm. Do vậy, mỗi tuần đến thứ tư tôi đều mua vé số đài Sóc Trăng để ủng hộ. Nếu một ngày không còn XSKT Sóc Trăng, tôi sẽ suy nghĩ lại có nên mua vé đài khác không", chị Lan chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang cho biết hiện chưa có thông tin từ Bộ Tài chính hướng dẫn việc phát hành XSKT sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh, thành.
Trong khi đó, lãnh đạo một công ty XSKT miền Tây "bật mí" ngày 24-4, Hội đồng XSKT khu vực miền Nam sẽ họp, nội dung này sẽ được đem ra bàn.
Công chức, cán bộ về hưu cũng tranh thủ bán vé số
Trước thông tin từ ngày 1-6, mỗi công ty XSKT khu vực miền Nam tăng doanh số phát hành lên 140 tỉ đồng/kỳ xổ số, ông N., chủ một đại lý vé số tại tỉnh Hậu Giang, cho rằng điều này càng tốt vì hiện đang thiếu vé số giao cho người bán dạo.
Theo ông N., mỗi công ty XSKT tăng lên 14 triệu vé/kỳ xổ số, không có áp lực gì cho đại lý vé số, trái lại người bán vé số dạo còn mừng vì có vé số để bán.
Hiện tại nhu cầu lấy vé số bán rất lớn do có nhiều người thất nghiệp. Ngoài ra, người đang làm việc trong cơ quan nhà nước cũng lấy vé số bán kiếm thêm thu nhập.
"Họ lấy chừng 100 ngoài tờ vậy đó, bán lòng vòng trong cơ quan, phụ thêm tiền ăn, tiền xăng xe. Chú kia cán bộ về hưu lãnh được ít tiền định mở quán mua bán nhưng sợ lỗ nên lấy 130 tờ vé số về bán, khỏi lo mất vốn", ông N. nêu thực trạng.

Nhiều người ở miền Tây có thói quen mua vé số hằng ngày - Ảnh: LÊ DÂN
Ông N. cho biết chưa có thông tin về việc XSKT khu vực miền Nam sẽ phát hành bao nhiêu kỳ trong tuần sau khi sáp nhập tỉnh, nhưng nhiều người bán vé số dạo đang đứng ngồi không yên vì lo không có vé số bán để trang trải cuộc sống.
"Không chỉ người lớn tuổi mà những người trẻ bây giờ họ cũng không có việc làm phải đi bán vé số. Đại lý vé số, người bán dạo mong muốn vé số kiến thiết vẫn mở thưởng giống như trước khi sáp nhập tỉnh", ông N. nói.
Ông Quách Văn Tiến, bán vé số dạo tại TP Cà Mau, cho biết điều ông quan tâm nhất hiện nay là các công ty XSKT khi lớn mạnh, nên để mắt đến những người bán vé số dạo phải dầm mưa dãi nắng mỗi ngày, trong khi hoa hồng lại không tăng, tình trạng không cho trả vé ế vẫn còn.
"Hy vọng các công ty XSKT bắt tay nhau, đồng lòng lo cho người bán vé số dạo, từ hoa hồng cho đến bảo hiểm y tế. Hiện tại, tôi bán vé số được ngày nào ăn ngày đó, không có tiền mua bảo hiểm y tế, khi bệnh chỉ biết kêu khóc, mong hãy thương và quan tâm hơn những người lặn lội bán vé số dạo", ông Cảnh gửi gắm.
"Vé số lại bán đắt hơn cả tôm tươi"
Một chủ đại lý vé số tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau cho biết nhu cầu mua vé số ngày một cao, không đủ bán. "Không hiểu sao giờ vé số lại bán đắt hơn cả tôm tươi. Người mua vé số nhiều hơn, không phải một hai tờ mà họ mua cả lốc vé số, khiếp thật", ông này nói.
"Việc buôn bán vé số mùa nắng này rất thuận lợi. Do vậy, các công ty có nhập hay không, sẽ không ảnh hưởng nhiều", bà L., chủ một đại lý vé số cấp 3 tại TP Cà Mau, thông tin.
BÌNH LUẬN HAY