04/04/2025 14:47 GMT+7

Sau sáp nhập, trụ sở huyện Tây Trà bỏ hoang vì đấu giá quá khó

Dù nỗ lực thanh lý, sử dụng các trụ sở huyện Tây Trà sau khi sáp nhập với huyện Trà Bồng để tránh lãng phí, nhưng sau 5 năm việc này vẫn rất khó khăn vì Tây Trà là huyện miền núi xa xôi.

Sau sáp nhập, trụ sở huyện Tây Trà bỏ hoang vì đấu giá quá khó - Ảnh 1.

Trung tâm văn hóa huyện Tây Trà hiện đang bỏ hoang lãng phí - Ảnh: TRẦN MAI

Ngày 4-4, lãnh đạo UBND huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi, cho biết nhìn các khối nhà của huyện Tây Trà bỏ hoang sau sáp nhập vào huyện Trà Bồng rất xót xa. "Nhiều năm nỗ lực tính đủ phương án, nhưng quá khó để thanh lý hoặc sử dụng tài sản này, tránh lãng phí", vị này nói.

Chủ trương sáp nhập là đúng, nhưng xử lý trụ sở quá nan giải

Theo đó, thực hiện nghị quyết 867 ngày 10-1-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 1-4-2020, toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Tây Trà sáp nhập vào huyện Trà Bồng.

Sau khi sáp nhập, tất cả tài sản của huyện Tây Trà được bàn giao cho huyện Trà Bồng quản lý, gồm hàng chục trụ sở, nhà công vụ, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 589.000m2, tổng giá trị hơn 516 tỉ đồng; cùng với 12 ô tô, máy móc, trang thiết bị hơn 72 tỉ đồng.

Tròn 5 năm sáp nhập, các trụ sở dôi dư của huyện Tây Trà (cũ) cửa đóng, then cài và ngày một xuống cấp. Chỉ duy nhất trụ sở Huyện ủy Tây Trà được xã Trà Phong sử dụng.

Có một thời gian, người dân còn "tận dụng" các trụ sở này làm nơi thả bò, nuôi gà. Sau đó UBND huyện Trà Bồng kiểm tra, dọn dẹp cây bụi và giữ gìn hạ tầng các trụ sở này. Dẫu vậy việc không sử dụng quá lâu, việc xuống cấp cứ nghiêm trọng dần theo thời gian.

"Chỉ có trụ sở Ban chỉ huy Quân sự huyện Tây Trà là còn tốt khi đơn vị cử lực lượng lên dọn dẹp thường xuyên. Còn UBND huyện số lượng trụ sở nhiều, nên lâu lâu mới dọn dẹp một lần. Giờ còn phải tốn tiền thuê người bảo vệ các công trình này", lãnh đạo huyện Trà Bồng nói.

Việc sáp nhập xã, huyện là chủ trương đúng đắn, nhằm tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động về quản lý nhà nước tại địa phương, cắt giảm chi phí cho ngân sách... Tuy nhiên sau khi sáp nhập, nhiều trụ sở làm việc đang bị bỏ hoang, chưa có kế hoạch sử dụng, gây ra lãng phí.

Cuối tháng 2-2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã đi giám sát thực tế theo chuyên đề việc quản lý tài sản công. Trong đó có việc tiếp nhận quản lý và sử dụng hiệu quả các công trình trụ sở, nhà làm việc, nhà ở của các cơ quan đơn vị thuộc huyện Tây Trà sau khi sáp nhập với huyện Trà Bồng.

sáp nhập - Ảnh 2.

Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tây Trà cũ - Ảnh: TRẦN MAI

Rất xót, nhưng quá khó xử lý

UBND huyện Trà Bồng nhiều lần xây dựng phưng án sắp xếp, xử lý 9 cơ sở nhà đất của 7 cơ quan, đơn vị thuộc huyện Tây Trà trước đây (tổng diện tích 11.555m2, diện tích sàn xây dựng 3.359m2) sau sáp nhập.

Nhưng nhu cầu sử dụng của Đảng ủy, UBND xã Trà Phong (nơi đặt các trụ sở huyện Tây Trà cũ) ít, còn việc bán đấu giá gặp khó khăn khi các trụ sở này đặt ở miền núi, cách TP Quảng Ngãi khoảng 80km.

Việc xử lý nhà đất công sản của huyện Tây Trà đã khó càng thêm khó, khi các trụ sở của ngành dọc như Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Kho bạc… cũng được các đơn vị này bàn giao cho huyện Trà Bồng tiếp nhận, giải quyết.

sáp nhập - Ảnh 5.

Xã Trà Phong, nơi đặt trụ sở của huyện Tây Trà trước đây cách TP Quảng Ngãi khoảng 80km - Ảnh: TRẦN MAI

Lãnh đạo huyện Trà Bồng cho biết từng làm việc với một số công ty thủy điện đóng trên địa bàn để tính toán, thanh lý một số nhà công sản của huyện Tây Trà dôi dư sau sáp nhập.

"Dù đã làm việc, mời họ với giá "phải chăng" để xử lý bớt một số trụ sở, nhưng cuối cùng họ "từ chối khéo", phương án này đi vào bế tắc. Còn việc đấu giá tài sản thì quá khó, không ai ở địa phương, hay ngoài địa phương có nhu cầu", lãnh đạo huyện Trà Bồng nói.

Cũng theo vị này, sắp đến sẽ có "lối ra" cho một số trụ sở của huyện Tây Trà. Đó là khi sáp nhập xã Trà Phong với một xã khác, sẽ tận dụng các khối nhà này làm trụ sở làm việc cho xã mới sau sáp nhập.

"Hơn ai hết, chúng tôi là người thường xuyên kiểm tra, bảo quản và tính nát óc, làm đủ mọi cách, họp bàn có phương án gì hay là lập tức triển khai, nhưng 5 năm qua vẫn chưa xử lý được tất cả trụ sở dôi sau sáp nhập huyện Tây Trà với Trà Bồng. Thật sự rất xót khi tài sản công không sử dụng được", lãnh đạo huyện Trà Bồng nói.

Sau sáp nhập, trụ sở huyện Tây Trà bỏ hoang vì đấu giá quá khó - Ảnh 4.

Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tây Trà đang bỏ hoang - Ảnh: TRẦN MAI

sáp nhập - Ảnh 8.

Trụ sở UBND huyện Tây Trà cũ đang đóng cửa, cây cối mọc um tùm - Ảnh: TRẦN MAI

sáp nhập - Ảnh 9.

Một hội trường phục vụ các sự kiện đông người ở huyện Tây Trà hiện xuống cấp - Ảnh: TRẦN MAI

sáp nhập - Ảnh 10.

Dù nỗ lực để các công trình sử dụng hiệu quả sau sáp nhập, nhưng UBND huyện Trà Bồng cho biết "nghĩ đủ cách vẫn chưa có lối ra" - Ảnh: TRẦN MAI

Sau sáp nhập, trụ sở huyện Tây Trà bỏ hoang vì đấu giá quá khó - Ảnh 12.Trụ sở dôi dư, tài sản khủng cần khai thác

Theo các phương án sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện, sẽ có khối tài sản công 'khổng lồ' dôi dư bao gồm trụ sở, trang thiết bị làm việc, xe.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0