
Bên cạnh mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhiều bạn đọc kiến nghị làm metro để kết nối sân bay Long Thành và TP.HCM. Ngày 18-7, đơn vị thi công sửa chữa cầu Long Thành vẫn đang làm việc - Ảnh: MINH HÒA
Sân bay Long Thành, một trong những công trình hạ tầng trọng điểm của cả nước, đang dần bước vào giai đoạn hoàn thiện. Theo dự kiến, dự án sẽ đưa vào vận hành cuối năm 2026.
Phần lớn các phương án vận chuyển hành khách đến sân bay Long Thành đều dựa vào hệ thống đường bộ, trong khi nhiều tuyến đường lại kẹt xe, quá tải... Chuyện kết nối giữa sân bay Long Thành với TP.HCM và sân bay Tân Sơn Nhất đang cần lời giải cấp bách.
Sân bay Long Thành làm gần xong rồi mới loay hoay tìm đường kết nối
Bạn đọc Nhung Tran đặt vấn đề: "Sân bay đang xây gần xong nhưng chưa có tàu kết nối, đường thì kẹt. Đáng nhẽ ngay khi bắt tay vào xây sân bay phải quy hoạch xây một line tàu dẫn vào trung tâm hoặc dẫn ra sân bay Tân Sơn Nhất rồi".
"Sân bay được kỳ vọng rất nhiều nhưng nếu kết nối có vấn đề, cần xem lại quy hoạch, định hướng và phát triển, đặc biệt là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây suốt 10 năm nay không hề có sự mở rộng nào", bạn đọc Duc phân tích.
Trong khi đó, bạn đọc Minh cho rằng "cùng lắm là làm song song với sân bay luôn chứ không phải là sân bay đã làm gần xong rồi thì bây giờ mới quay qua hỏi giờ kết nối sao?".
Nhiều bạn đọc bày tỏ lo lắng nếu không giải quyết sớm vấn đề hạ tầng kết nối, sân bay Long Thành có thể trở thành bến xe miền Đông mới thứ hai - hiện đại nhưng vắng khách vì bất tiện khi di chuyển.
"Không có đường, đường kẹt thì buýt nhanh hay buýt tốc hành cũng bó tay", bạn đọc Lê Văn Dung lưu ý. Còn bạn đọc có e-mail trai****@gmail, cho rằng: "Chúng ta càng chậm ngày nào thì chi phí càng tăng cao", tài khoản này viết.
Không thể đặt toàn bộ gánh nặng lên cao tốc
Trước thực tế đáng lo ngại trên, nhiều bạn đọc đề xuất một số giải pháp kết nối hạ tầng, đưa đón khách đến sân bay Long Thành.
Tài khoản sond****@gmail nhận định với hành lý cồng kềnh, thường khách quốc tế ít chọn xe buýt hoặc metro mà taxi là tiện nhất. Do đó cần mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành gấp.

Toàn cảnh đại công trường sân bay Long Thành giai đoạn 1, theo kế hoạch sân bay sẽ vận hành vào cuối năm 2026 - Ảnh: VĂN TRUNG
Bạn đọc James phân tích, khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu xong sẽ giải tỏa nhiều cho quốc lộ 51. "Lúc đó có đường trên cao từ cầu Đồng Nai về cao tốc nữa là bắt nhịp kịp, đường Hương lộ 2 kết nối Biên Hòa với cao tốc TP.HCM - Long Thành cũng có thể kịp xong thì mọi thứ sẽ ổn", James viết.
Trong khi đó, bạn đọc tên Duy đánh giá đường kết nối phải thông thoáng và vận tốc di chuyển trung bình hầu như không đổi. Muốn như vậy, bắt buộc phải là đường sắt (tàu điện) một mình một làn kết nối thẳng vào sân bay, hoặc cách sân bay không quá 2km.
"Cao tốc nhiều xe chạy thì biến số tắc nghẽn sẽ rất cao. Nếu phát triển thêm, khu vực xung quanh sân bay Long Thành cần mở rộng làn xe, bãi đỗ và cả bến xe đi về các khu vực lân cận", bạn đọc Duy gợi ý.
Tài khoản Acbs cho rằng không thể phó thác kết nối giao thông giữa hai sân bay cho đường cao tốc TP.HCM - Long Thành, ngay cả khi cao tốc này được mở rộng gấp đôi hiện nay.
Bởi cao tốc này đang gánh lượng phương tiện khổng lồ từ đoạn ngoài của cao tốc Bắc - Nam, và các cao tốc vành đai trong tương lai. Ngoài ra, các tuyến đường nội thị từ nút giao An Phú vào Tân Sơn Nhất không thể gánh nổi lượng xe đổ ra từ cao tốc.
"Để đảm bảo đi lại ổn định, nhanh chóng giữa hai sân bay, phải khẩn cấp xây một line tàu cao tốc", tài khoản này đề xuất.
Cùng nhận định, tài khoản tên Liêm đề nghị cần làm nhanh tuyến metro kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành. Đây là con đường phải làm để giải quyết vấn đề giao thông trọng điểm. Tài khoản Minhnoct cho biết: "Hầu như các sân bay lớn trên thế giới đều có metro kết nối thẳng về trung tâm".
Bạn đọc Trung Hiếu cũng đồng tình: "Tôi nghĩ cần làm ngay tàu điện nhanh tốc độ cao, vận tốc 150-200km/h để vận chuyển khách từ sân bay Long Thành vào TP.HCM và tới sân bay Tân Son Nhất. Xây trên cao sẽ có giá thành đầu tư thấp hơn metro ngầm, dưới mặt đất, sức chở lại lớn. Không nên chỉ phụ thuộc vào cao tốc".
Còn theo bạn đọc HB, trước khi khởi công dự án đến nay đã có nhiều ý kiến về kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành và các trung tâm lân cận.
Bên cạnh đó, nhiều ý khiến cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở việc xây thêm tuyến đường, còn là tầm nhìn quy hoạch. Các tuyến đường sắt, metro, bến xe, bãi đỗ… cần được làm song song với sân bay ngay từ đầu, thay vì chờ đến khi sân bay gần hoàn thiện mới bắt đầu "xoay xở" kết nối.
Người dân, chuyên gia và cả giới đầu tư đều đang chờ đợi một hành động mạnh mẽ, dứt khoát. Câu hỏi "làm sao đến Long Thành?" không thể tiếp tục bị trì hoãn.
BÌNH LUẬN HAY