
Tính đến nay, Sacombank đã thu hồi, xử lý hơn 81% tài sản tồn đọng phát sinh sau sáp nhập - Ảnh: Sacombank
Sacombank đạt kết quả kinh doanh tích cực
Theo báo cáo tài chính năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Sacombank vượt 12.720 tỉ đồng, tăng 32,5% so với năm 2023. Năm trước đó, ngân hàng này đạt 9.595 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 51% so với năm 2022.
Nếu so với thời điểm bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu, lợi nhuận của Sacombank đã tăng khoảng 82 lần trong bối cảnh vốn điều lệ giữ nguyên.
Không chỉ hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu do đại hội đồng cổ đông giao, Sacombank còn liên tục ghi dấu ấn trong việc thực hiện đề án. Tính đến nay, ngân hàng đã thu hồi, xử lý hơn 81% tài sản tồn đọng phát sinh sau sáp nhập.
Đối với danh mục còn lại chưa thu hồi, Sacombank đã trích lập 100% dự phòng rủi ro, qua đó hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại đề án.
Tất cả những vấn đề tồn tại về sở hữu chéo, góp vốn mua cổ phần hay cổ phiếu quỹ cũng đã được xử lý dứt điểm, các vấn đề ghi nhận tại kết luận thanh tra cũng đã cơ bản hoàn tất. Song song đó, ngân hàng cũng đẩy mạnh tinh gọn và tái cấu trúc bộ máy hoạt động.
Chi phí hoạt động quý 4-2024 của Sacombank giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, còn 3.150 tỉ đồng, góp phần tối ưu hóa lợi nhuận.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, Sacombank cũng ghi nhận những bước tiến đáng kể trong quản trị rủi ro và xếp hạng tín nhiệm. Tháng 12-2023, Sacombank được Công ty cổ phần EY Việt Nam trao chứng nhận hoàn thành triển khai chuẩn mực quản lý rủi ro theo BASEL III.
Tháng 3-2024, Sacombank được Moody's nâng 1 bậc xếp hạng do đã xử lý đáng kể các tài sản tồn đọng, giúp cải thiện chất lượng tài sản và khả năng sinh lời.
Đến tháng 7-2024, ngân hàng lại tiếp tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings công bố xếp hạng tín nhiệm với triển vọng "ổn định". Các mức xếp hạng khác đều tích cực, trong đó nhà phát hành (IDR) dài hạn ở mức 'BB-', IDR ngắn hạn là 'B' và sức mạnh độc lập (VR) là 'B+'.
Đáng nói, đây là năm đầu tiên Fitch Ratings thực hiện đánh giá Sacombank. Chuỗi sự kiện trên được xem là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực không ngừng trong quá trình tái cơ cấu, giúp Sacombank nâng cao vị thế trên thị trường.
Khi nào cổ đông mới 'hội ngộ' cổ tức?

Vướng mắc của Sacombank nằm ở việc ngân hàng phải được công nhận tái cơ cấu thành công, từ đó mới có cơ sở tiến hành chia cổ tức hoặc tăng vốn - Ảnh: Sacombank
Dù báo cáo tài chính luôn cho thấy sự tăng trưởng đều đặn nhưng 9 năm chưa chia cổ tức, cộng với lợi nhuận hợp nhất chưa phân phối lũy kế lên đến 28.426 tỉ đồng, Sacombank thường xuyên phải đối diện với áp lực từ cổ đông mỗi kỳ đại hội. Thậm chí, từng có ý kiến cho rằng ngân hàng này cố tình "ngâm" cổ tức.
Phủ nhận vấn đề trên, tại đại hội cổ đông năm 2020, chủ tịch Sacombank từng lên tiếng: "Chúng tôi rất muốn chia cổ tức để thúc đẩy giá cổ phiếu, ngay cả tôi cũng muốn điều này để có tiền tiêu xài. Không chia cổ tức là thiệt thòi cho cổ đông".
Hay tại đại hội năm ngoái, lãnh đạo ngân hàng cũng đã có những phản hồi trực diện: "Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, chia cổ tức dù ở hình thức nào cũng phải được Ngân hàng Nhà nước thông qua. Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án chi tiết và đang chờ phê duyệt. Nguồn lực để chia cổ tức đã sẵn sàng. Do đó, quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo".
Theo ghi nhận, vướng mắc của Sacombank nằm ở việc ngân hàng phải được công nhận tái cơ cấu thành công, từ đó mới có cơ sở tiến hành chia cổ tức hoặc tăng vốn. Nhưng để tái cơ cấu thành công, Sacombank phải đáp ứng hai tiêu chí cốt lõi: Giảm tỉ lệ nợ xấu từ hoạt động sáp nhập xuống dưới 3%, xử lý các khoản nợ được đảm bảo bằng số cổ phiếu STB tương đương với 32,5% cổ phần.
Nếu việc giảm tỉ lệ nợ xấu Sacombank có thể chủ động thì việc xử lý khoản nợ bằng cổ phiếu, ngân hàng này phải được sự phê duyệt từ cơ quan quản lý về cách thức và thời điểm triển khai. Do đó, ý tứ "trình Ngân hàng Nhà nước phương án chi tiết và đang chờ phê duyệt" của lãnh đạo Sacombank đa phần nằm ở câu chuyện 32,5% cổ phần này.
Mặc cho nhiều đồn đoán, hiện đã sang tháng 4 - mùa đại hội của các ngân hàng nhưng Sacombank vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nào của việc "được phê duyệt". Khả năng rất cao là ngân hàng này lại lỡ hẹn và câu hỏi "khi nào chia cổ tức" sẽ tiếp tục làm nóng đại hội cổ đông năm nay.
Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến của câu chuyện đề án, tâm lý cổ đông Sacombank có vẻ khá vững vàng khi ngân hàng này ghi nhận thêm hai nhà đầu tư mới sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.
Cụ thể, sự xuất hiện của 2 cổ đông tổ chức mới là KIM Vietnam Growth Equity Fund và Amersham Industries Limited, nâng tổng số cổ đông lớn tại Sacombank lên 7, gồm 6 tổ chức và 1 cá nhân.
Cổ phiếu của Sacombank cũng có sự tăng trưởng ấn tượng suốt một năm qua. Tại thời điểm đại hội cổ đông năm trước, cổ phiếu STB có giá 28.200 đồng/cổ phiếu. Nhưng vào đầu tháng 4 năm nay, STB có thời điểm bứt phá 41%, lên mức gần 40.000 đồng/cổ phiếu.
Chờ thì cũng đã chờ, cổ đông Sacombank nếu còn giữ cổ phiếu STB chắc cũng chỉ còn biết tìm kiếm sự an ủi từ việc tăng giá, như một vị lãnh đạo Sacombank từng chia sẻ: "Hội đồng quản trị rất thấu hiểu mong muốn của cổ đông và đang rất nỗ lực làm việc với Ngân hàng Nhà nước để được chia cổ tức.
Mặc dù chưa chia cổ tức, thị giá cổ phiếu STB đã tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua, phần nào bù đắp cho cổ đông".
BÌNH LUẬN HAY