
Các nhân viên thử nghiệm robot hình người AgiBot tại Thượng Hải vào tháng 3-2025 - Ảnh: Reuters
Hãng tin Reuters vừa đưa tin về hoạt động của hàng chục robot hình người tại một kho hàng ở ngoại ô Thượng Hải, nơi chúng thực hiện các công việc từ gấp áo, làm bánh sandwich đến mở cửa.
Vận hành 17 giờ mỗi ngày, những robot thuộc Công ty khởi nghiệp AgiBot này tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ để phục vụ quá trình huấn luyện, với tầm nhìn thay đổi cách con người sống, làm việc và giải trí trong tương lai.
Cuộc đua công nghệ
Các robot hình người của Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây, trở nên nhanh nhẹn hơn, thực hiện được các động tác phức tạp như nhào lộn, chạy bán marathon hay chơi bóng đá.
Theo các chuyên gia và nhà đầu tư, bước đột phá trong phát triển "bộ não" cho robot sẽ chuyển hóa chúng từ những cỗ máy vận động đơn thuần thành "công nhân" có khả năng tự học và tạo ra năng suất, mang lại cuộc cách mạng cho cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới.
Ông Yao Maoqing, đối tác tại AgiBot, chia sẻ tầm nhìn: "Hãy tưởng tượng một ngày nào đó trong nhà máy của chúng tôi, các robot đang tự lắp ráp chính mình".
Sự phát triển này không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Tháng 4-2025, Công ty Sanctuary AI (Canada) đã ra mắt robot hình người Phoenix thế hệ thứ 7, tiến gần hơn đến việc tạo ra trí tuệ giống con người đầu tiên trên thế giới ở dòng robot đa năng.
Trước đó, Tesla cũng chia sẻ về quá trình phát triển robot Optimus vào tháng 2-2025, dù được đánh giá là chưa bắt kịp các đối thủ từ Trung Quốc. Cùng thời điểm, Meta thành lập đội ngũ mới để phát triển robot hình người tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Hai mặt của vấn đề
Việc triển khai thành công và rộng rãi robot hình người sẽ hỗ trợ các quốc gia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời trở thành lĩnh vực cạnh tranh trực tiếp giữa các nền kinh tế, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo số liệu từ Công ty McKinsey, AI và các sản phẩm tích hợp AI có thể đóng góp tới 13.000 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Ông Adam Jonas, giám đốc bộ phận nghiên cứu ô tô và các phương tiện di chuyển toàn cầu của Morgan Stanley, nhận định: "Khi tốc độ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động tại các nền kinh tế phát triển tiếp tục suy giảm, robot hình người có thể trở thành nhu cầu thiết yếu đối với các ngành công nghiệp vốn đã gặp khó khăn trong việc thu hút đủ lao động nhằm duy trì năng suất".
Tuy nhiên, robot hình người cũng tiềm ẩn những rủi ro đối với thị trường lao động, bao gồm nguy cơ thay thế việc làm. Mặc dù ngành công nghiệp này mới ở giai đoạn sơ khai, các nhà lập pháp Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận về tác động sâu rộng mà robot hình người có thể gây ra.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc năm nay, chuyên gia an sinh xã hội Zheng Gongcheng cảnh báo sự phát triển của robot và AI sẽ ảnh hưởng đến khoảng 70% nền sản xuất của Trung Quốc, từ đó gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng trong khoản đóng góp an sinh xã hội.
Thống kê từ Tập đoàn Goldman Sachs cho thấy khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian trên toàn thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi AI.
Để giải quyết tình trạng này, một số công ty AI Trung Quốc đã đề xuất nhiều giải pháp như cung cấp chương trình bảo hiểm thất nghiệp AI từ 6-12 tháng cho những người lao động bị robot thay thế. Ngoài ra, một số công ty sản xuất robot cho biết chỉ nhắm đến những công việc đặc thù mà con người không muốn làm vì nhàm chán, lặp đi lặp lại hoặc nguy hiểm.
Chiến lược quốc gia của Trung Quốc
Bất chấp lo ngại về tác động đến thị trường lao động, Bắc Kinh xem công nghệ robot hình người là giải pháp then chốt cho vấn đề thiếu hụt lao động.
Năm 2024, Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ hơn 20 tỉ USD cho lĩnh vực này, trong khi chính quyền Bắc Kinh thành lập quỹ robot cung cấp hơn 4 triệu USD cho các công ty muốn đẩy nhanh quá trình ra mắt sản phẩm.
Thâm Quyến cũng vừa thiết lập quỹ AI và robot trị giá khoảng 1,3 tỉ USD, khẳng định cam kết dài hạn của Trung Quốc trong việc dẫn đầu cuộc cách mạng công nghệ này và biến nó thành lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
BÌNH LUẬN HAY