
Anh Ray Kuschert và chị Vũ Thị Loan trong đám cưới của mình - Ảnh: NVCC
Là người Úc sống ở Việt Nam 6-7 năm trước khi cưới vợ Việt, anh Ray Kuschert vẫn gặp nhiều thay đổi trong cuộc sống, phần nhiều là do khác biệt văn hóa.
Choáng với lý thuyết "phải ăn cơm" của vợ Việt
Với anh Ray, khi cưới một cô gái người Việt, xem như bạn "cưới" luôn cả gia đình cô ấy. Không chỉ ba mẹ, anh chị em, mà còn một đại gia đình với họ hàng, cháu chắt.
Anh Ray kể những buổi tụ họp, tiệc tùng thì không sao, nhưng cảnh 18 người chen chúc ngủ trong căn hộ hai phòng vào dịp Tết là điều anh vẫn chưa thể quen.
Kế đến là chuyện ăn uống, dù mê đồ ăn Việt Nam, nhưng anh vẫn "choáng" với lý thuyết "phải ăn cơm" của vợ.
Có đợt Ray được bác sĩ yêu cầu giảm tinh bột, ngưng uống rượu, anh về nhà nói với vợ là mình phải ngưng ăn cơm.
Nhưng hôm sau, vợ anh dọn ra... một đĩa cơm gạo lứt đầy. Cô mỉm cười giải thích: "Cơm này khác mà, là gạo lứt chứ không phải cơm bình thường".
Chàng rể Tây hiểu rằng với người Việt, cơm không chỉ là thực phẩm, mà là nền tảng của mọi bữa ăn. Và trong mắt vợ anh, phở là "thuốc chữa bách bệnh".
Dù là sốt, cảm cúm, hay đau bao tử, không có gì mà… phở không "chữa" được.
Câu chuyện cuối cùng về sự thích nghi văn hóa trong hôn nhân của Ray là tiền. Theo anh, không ai giữ tiền giỏi hơn vợ Việt.
Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc mọi khoản chi tiêu của anh đều bị "kiểm tra" kỹ lưỡng, chẳng khác gì người ta soi hộ chiếu ở cửa khẩu.
Mỗi lần đi chợ hay mua sắm, anh mang hóa đơn về nhà và vợ anh - với khả năng "radar" đặc biệt - luôn tìm ra được, rồi kiểm tra xem anh có trả đúng giá không. Có lần, vì trả nhỉnh hơn 40.000 đồng cho một chiếc áo thun ngoài chợ mà anh bị vợ nhắc nhở ngay.
Còn Khawer Razzaq cười, kể vợ mình luôn kiểm tra kỹ xem món ăn có đúng như hóa đơn hay chưa, "làm như tôi khờ lắm hay sao mà không coi được hóa đơn vậy!".
"Hôn nhân xuyên văn hóa", những thói quen nào khó thay đổi?
Với Eric Berggren, một người cưới vợ Việt được 3 năm, thì thấy thói quen không cất đồ ăn vào tủ lạnh của vợ mình sau khi nấu là khá lạ lẫm.
"Sau khi nấu ăn, dù là gà, cá hay thịt bò, cô ấy thường đậy lại rồi để trên bếp suốt cả ngày trong khi tôi được dạy là phải cất vào tủ lạnh", anh kể.
Còn Børge Edvardsen nhận thấy vợ mình thích tích trữ thực phẩm.
"Tôi nói với cô ấy "em yêu, tại sao chúng ta cần đến 20 gói mì trong tủ bếp vậy?" Cô ấy cũng luôn cố mang nhiều đồ ăn khi chúng tôi về Việt Nam chơi rồi qua lại.

Khách mời chung vui với anh Ray Kuschert và chị Vũ Thị Loan trong đám cưới tại Bình Dương - Ảnh: NVCC
Lần đầu chúng tôi bay sang châu Âu, cô ấy muốn cho 4 chai nước mắm 1 lít vào hành lý ký gửi, bảo là không sao đâu.
Hãy tưởng tượng xem nước mắm đó bị rò rỉ trong khoang hành lý của máy bay sẽ như thế nào? Đoán xem ai là người phải đóng gói kỹ càng để đảm bảo chuyện đó không xảy ra? Đúng rồi, chính là tôi", anh kể.
Trong khi đó, Peter Cazaubon thấy mình hơi khó khăn trong việc thay đổi thói quen ăn uống bằng dao và nĩa. Còn với Darren Davy, thử thách là anh phải tập ăn nước mắm.
Tuy nhiên, có người thấy "hôn nhân xuyên văn hoá" không có gì thay đổi lớn với họ.
Như chàng rể Richard Koh nói mình không thấy khác biệt gì làm phiền đến mình cả. Anh còn nói "muốn ăn bánh mì và phở mỗi ngày!".
Còn với Chris Pekel cũng vậy, anh không gặp phải khó khăn gì do khác biệt văn hóa.
"Nếu có, chắc là thỉnh thoảng chúng tôi ngồi dưới sảnh ăn cơm, hơi ê mông một chút, chỉ vậy thôi", Chris hài hước chia sẻ.
"Tôi chắc chắn phụ nữ Việt Nam cũng phải thay đổi rất nhiều để thích nghi với sự khác biệt văn hóa khi sống cùng đàn ông ngoại quốc như chúng tôi, vì tôi biết mình không phải là người dễ sống chung.
Và không thể phủ nhận rằng vợ tôi đã làm rất nhiều điều tuyệt vời để hỗ trợ tôi nơi đất khách, nơi mà người nước ngoài phải đối mặt với không ít thử thách trong cuộc sống hằng ngày", Ray Kuschert bày tỏ sự cảm kích với vợ mình.
Theo báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024, được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố hôm 25-4, năm 2021, cả nước có hơn 2.000 người kết hôn có yếu tố nước ngoài, đến năm 2023 con số này đã tăng lên 19.000.
Chủ yếu trong các cuộc kết hôn có yếu tố nước ngoài, số trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là khoảng 89,1%. Số trường hợp nam giới Việt Nam kết hôn với người nước ngoài chỉ chiếm 10,5%.
BÌNH LUẬN HAY