
Nhân viên một nhà hàng tổ chức sự kiện cưới ở TP.HCM đang chuẩn bị bàn ăn đón khách - Ảnh: HOÀI LINH
Tác giả Ray Kuschert bày tỏ suy nghĩ của mình về việc người ta gói đồ ăn thừa từ tiệc cưới mang về. Ray là người Úc, có vợ là người Việt và đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm. Tuổi Trẻ Online biên tập và lược dịch.
Liệu việc mang thức ăn thừa về sau tiệc cưới có phù hợp không?
Với câu hỏi trên, tôi nghĩ ta cần xét đến nhiều yếu tố. Trước hết, đám cưới ở thành phố và đám cưới ở nông thôn là rất khác nhau. Mỗi nơi có phong tục, cách tổ chức và thời gian ăn tiệc khác nhau.
Và ai là người mang đồ ăn về và mang lúc nào? Những yếu tố này rất khác nhau tùy theo hoàn cảnh, nên thật khó để đưa ra một câu trả lời chung cho mọi trường hợp.
Gắn việc mang đồ ăn thừa với hình ảnh của người nghèo?
Năm ngoái khi dự một đám cưới ở Gò Vấp (TP.HCM), tôi đã gặp một tình huống khá bất ngờ.
Bàn của chúng tôi có hơn một nửa là giáo viên nước ngoài. Khi mọi người ăn tới món lẩu, có một cô bước tới bàn và tự nhiên lấy các món đã dọn ra trước món lẩu mà chưa ai ăn. Do cô ấy thấy một số ghế trống và thức ăn chưa ai đụng tới nên nghĩ là có thể lấy mang đi, dù chúng tôi vẫn đang ngồi ăn.
Nhiều người cho rằng việc mang thức ăn từ đám cưới về là hành động vô duyên và thiếu tế nhị. Ở một số trường hợp, cách nhìn này có thể có lý.
Nhưng tôi nghĩ vấn đề không chỉ dừng lại ở chuyện "lấy đồ ăn khi chưa được cho phép", đòi hỏi phải nhìn sâu hơn vào hoàn cảnh và ý nghĩa đằng sau hành động đó.
Từ góc nhìn môi trường, chúng ta nên đặt câu hỏi ngược lại: "Vậy vứt bỏ thức ăn ngon, còn dùng được, liệu có đúng không?".
Lãng phí thực phẩm là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ về mặt sức khỏe mà còn về kinh tế. Nó góp phần làm ô nhiễm môi trường và càng sai trái hơn nữa khi vẫn còn rất nhiều người phải chịu cảnh đói mỗi ngày.
Nếu bạn cũng có câu trả lời giống tôi, thì việc mang thức ăn về sau tiệc cưới bắt đầu mang một ý nghĩa khác. Khi hành động đó được chia sẻ với người khác, nó không chỉ trở nên hợp lý, mà còn góp phần tích cực vào cả môi trường lẫn kinh tế.
Câu chuyện giờ đây chuyển sang một vấn đề cốt lõi hơn: ai có thể mang đồ ăn về và khi nào nên làm điều đó? Đây cũng chính là điểm nổi bật trong trải nghiệm cá nhân của tôi tại bữa tiệc năm ngoái.
Nếu việc mang đồ ăn về được thực hiện với sự đồng ý của gia chủ và đơn vị phục vụ tiệc, thì hành động đó hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Suốt hơn một thế kỷ, văn hóa phương Tây đã gắn việc mang đồ ăn thừa với hình ảnh của người nghèo, xem đó là điều chỉ những người nghèo khổ nhất mới làm chứ không phải những người khá giả. Quan niệm ấy đã chi phối cả một nền văn hóa và dần dần trở thành chuẩn mực xã hội.
Thế nhưng, đó là một quan điểm sai lầm, và chính sự sai lầm ấy đã khiến chúng ta phải trả giá nặng nề về môi trường.
Nếu chúng ta gạt bỏ góc nhìn của tư duy phân biệt giàu nghèo và tiếp cận vấn đề này một cách logic, từ góc độ môi trường, thì ai cũng nên đồng ý rằng việc này không có gì đáng xấu hổ hay sai trái, miễn là có sự đồng thuận từ phía chủ tiệc.
Đám tiệc không có thực phẩm rác, được không?
Ở Việt Nam, đám cưới ở vùng quê thường rất gắn kết cộng đồng. Việc khách mang đồ ăn thừa về sau tiệc là chuyện bình thường và được mọi người ủng hộ. Gia chủ còn chủ động mời khách mang thức ăn về nhà, như một cách san sẻ phần đồ ăn cho bà con, xóm giềng.
Đây là giải pháp thiết thực: gia chủ và đơn vị tổ chức tiệc nên chủ động hỗ trợ việc chia sẻ thức ăn thừa.
Một cách đơn giản nhưng hiệu quả là đặt sẵn hộp đựng trên bàn tiệc, để khách thoải mái mang về phần ăn chưa dùng đến. Khi thức ăn được chia đều, sẽ không còn lý do gì để đánh giá hay phán xét ai cả.
Chuyển hướng nhìn nhận vấn đề này từ phép lịch sự sang góc độ tác động môi trường sẽ mang lại lý lẽ thuyết phục hơn nhiều. Thậm chí, ta còn có thể tiến xa hơn: thu gom thức ăn thừa đã qua sử dụng để làm thức ăn cho vật nuôi hoặc gia súc.
Lý tưởng nhất, nếu được quản lý hợp lý, một đám cưới hoàn toàn có thể diễn ra mà không tạo ra bất kỳ lượng rác thực phẩm nào.
Theo tôi, chúng ta nên dừng việc lặp lại những quan niệm từ phương Tây những năm 1800, và hãy xem thực phẩm như một nguồn tài nguyên quý giá, hữu hạn. Việc tận dụng thức ăn nên được tôn vinh như một giá trị của cộng đồng, chứ không phải là một hành động chỉ của người nghèo.
Ở Việt Nam trước đây, mỗi món ăn dù nhỏ nhất đều được trân trọng vì thực phẩm rất khan hiếm. Không có gì bị lãng phí, và nguyên tắc ấy vẫn được tôn trọng sâu sắc trong văn hóa Việt Nam ngày nay.
Chuyện này không nằm ở chi phí tổ chức đám cưới, giá trị quà mừng, việc khách mời giàu hay nghèo. Nó cũng không liên quan đến lòng tham hay suy nghĩ đi dự tiệc thì phải "có lời". Đây là tinh thần trách nhiệm, sự hợp lý và không lãng phí thức ăn.
Chúng ta đừng quên những ngày tháng khó khăn đã góp phần hình thành nên văn hóa Việt Nam. Thế hệ trẻ cần hiểu và gìn giữ những giá trị truyền thống của cộng đồng Việt.
Đó cũng chính là lý do tôi xem việc mang đồ ăn thừa từ đám cưới về là một hành động hợp lý, tích cực, đáng được tôn trọng và trân trọng trong mọi xã hội trên thế giới này.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mới, nơi mà nhà ở, năng lượng và tài nguyên đều có giới hạn. Đồ ăn tại đám cưới chỉ là một khía cạnh nhỏ, nhưng chính những thay đổi trong tư duy về những điều nhỏ bé ấy lại rất cần để cải thiện hành tinh này cho thế hệ mai sau.
BÌNH LUẬN HAY