04/09/2003 07:50 GMT+7

Phim ngắn: đã có thể nhìn xa hơn

NGUYỄN CHUƠNG
NGUYỄN CHUƠNG

TT (TP.HCM) - Cuộc thi Phim ngắn Việt Nam 2003 vừa kết thúc tối 2-9-2003 tại nhà hát “Thế giới trẻ” (Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM). So với lần 1 (tại Hà Nội tháng 8-2001), lượng phim dự thi lần này tăng gấp đôi và giải thưởng cũng không dừng lại ở giải ba (như lần trước) mà đã tìm được những tác phẩm để trao trọn bộ các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích.

sJe2mno5.jpgPhóng to
Phim Xuất giá tòng phu
TT (TP.HCM) - Cuộc thi Phim ngắn Việt Nam 2003 vừa kết thúc tối 2-9-2003 tại nhà hát “Thế giới trẻ” (Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM). So với lần 1 (tại Hà Nội tháng 8-2001), lượng phim dự thi lần này tăng gấp đôi và giải thưởng cũng không dừng lại ở giải ba (như lần trước) mà đã tìm được những tác phẩm để trao trọn bộ các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích.

Đúng là có những tác phẩm đi lạc vào sân chơi phim ngắn: thời lượng phim cỡ 15 phút nhưng lại lòng vòng… mất đứt 5 phút để giao đãi! Nói cách khác, vậy là chưa đúng tiêu chí phim ngắn đòi hỏi súc tích.

Diễn giải lời thoại nhiều hơn hình cũng khiến người xem phải ngán ngẩm, không ra sắc thái phim ngắn. Có đến trên 2/3 số phim dự thi cứ làng nhàng, đi lối mòn, cứ réo dài những tuyên ngôn, hình ảnh nghèo nàn, tư duy không mới.

“Phim phải đưa ra được vấn đề mới, chọn lọc về hình, chọn lọc về ngôn ngữ, chặt chẽ, có ý tưởng nhân văn cao, hình ảnh quay đẹp”, đó là quan niệm của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên ban giám khảo.

mLtSH2un.jpgPhóng to
Phim Nhà tiên tri ảo
Tuy vậy đã có vài tiếng nói riêng. Ngay trong dòng phim tài liệu (chỉ chiếm chưa đầy 1/4 số phim dự thi) vẫn tìm được Bỏng của đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh, Chân dung một người già của Tạ Nguyên Hiệp (Cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM), Chuyện của Lâm của Ngô Quý Dương (ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội) thoát khỏi lối diễn giải luộm thuộm.

Như Bỏng nói về trẻ em cơ nhỡ mà không có lời bình, thay vào đó là giọng nói nhân vật tạo thành đường dây cho ý tưởng, cách nói và mơ ước bình dị của nhân vật tạo ra sự thu hút tự thân, truyền được rung cảm.

Phim truyện đáng kể với “sắc thái Hà Nội”. Như phim Bích câu kỳ ngộ (giải 1) của Nguyễn Hoàng Linh - đan xen truyện Tú Uyên - Giáng Kiều ngày xưa với chuyện chàng học trò ở trọ với cô bé chủ nhà hóm hỉnh, trong trẻo và thánh thiện đến dễ mến.

Như Kiếp luân hồi (giải 3) của Vũ Phương Linh đẹp và sắc sảo trong ý tứ “vay trả, trả vay”.... TP.HCM có Nhà tiên tri ảo của Vũ Ngọc Đãng giỏi về cách tạo không khí kinh dị mà qua đó lại lẩy ra - rất nhân văn - ý tưởng “sống thật, không hoang tưởng và giáo điều”; lại có phim Xuất giá tòng phu (giải 3) của Lê Bảo Trung với hình ảnh đẹp vừa sang trọng vừa dung dị…

“Nguyễn Hoàng Linh, Lê Bảo Trung, Vũ Ngọc Đãng, Vũ Phương Linh… đó là vài khuôn mặt đáng chú ý. Tôi cho rằng trong một cuộc thi mà có được vài đạo diễn trẻ với hi vọng tiến xa hơn nữa như thế thì còn gì bằng” - cục phó Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát nhận xét.

Ngay sau cuộc thi này, cũng theo thông tin từ bà Hồng Ngát: “Một phóng sự về cuộc thi phim ngắn 2003 sẽ được phát sóng vào chiều 6-9-2003, tiếp đó các phim ngắn đoạt giải sẽ được giới thiệu rộng rãi trong các kỳ phát sóng lần lượt của chương trình Điện ảnh chiều thứ bảy trên VTV3. Về phía Hội Điện ảnh sẽ chọn lọc một số phim ngắn, in đĩa DVD để phát hành”.

Nói cách khác, cuộc thi phim ngắn đã tạo cơ hội nhận diện, phát huy tiềm năng cho điện ảnh nay mai.

NGUYỄN CHUƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0