
Các sinh viên tại cuộc biểu tình “Harvard Stands United” tổ chức tại Đại học Harvard vào ngày 29-4 - Ảnh: REUTERS
Vào khoảng 15h (giờ New York) ngày 22-5, gần như tất cả mọi người, cả sinh viên Harvard lẫn người ngoài, đều nhắn tin dồn dập cho nhau: "Bạn đã nghe tin gì chưa?", "Harvard bị cấm nhận sinh viên quốc tế!", "Giờ phải làm sao đây?".
Đây được xem là bước đi mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong chuỗi các động thái nhắm vào ngôi trường đại học lâu đời nhất nước Mỹ, nhằm buộc các cơ sở đào tạo bậc đại học và sau đại học phải tuân theo tầm nhìn của chính quyền.
Chính quyền Trump tăng sức ép lên Harvard
Nguồn cơn bắt đầu từ các cuộc biểu tình sau vụ tấn công của Phong trào Hamas vào Israel ngày 7-10-2023, dẫn đến chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza. Tại Harvard và nhiều trường đại học hàng đầu khác - bao gồm cả những ngôi trường danh tiếng ở khu vực Đông Bắc, thường được biết đến với tên gọi Ivy League, làn sóng phản đối và tranh luận đã nhanh chóng bùng phát.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng đó là các hành vi bị cho là bài Do Thái, vốn được xem là vi phạm điều VI của Đạo luật Quyền dân sự năm 1964. Chính quyền đã đe dọa cắt giảm nguồn tài trợ liên bang nhằm buộc các trường đại học, trong đó có Harvard, phải có biện pháp xử lý phù hợp.
Tuy nhiên, Harvard công khai từ chối các yêu cầu từ phía chính quyền, viện dẫn lý do bảo vệ quyền tự do học thuật trong môi trường giáo dục đại học. Đáp lại, chính quyền Trump đã đóng băng khoản tài trợ liên bang ban đầu trị giá 2,2 tỉ USD và sau đó mở rộng thành tổng cộng 3 tỉ USD.
Trước hành động này, Harvard đã khởi kiện chính quyền liên bang, cho rằng việc đóng băng tài trợ là một hành động mang động cơ chính trị nhắm vào Harvard để trừng phạt sự khác biệt quan điểm giữa trường và chính quyền.
"Gọng kìm" từ phía chính quyền tiếp tục "siết chặt" khi Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ Kristi Noem hôm 22-5 thông báo thu hồi chứng nhận chương trình sinh viên và trao đổi (SEVP) của Harvard - điều kiện tiên quyết để một cơ sở giáo dục được phép tuyển sinh viên quốc tế. Lý do là trường đã không cung cấp thông tin kỷ luật và bằng chứng liên quan đến hoạt động biểu tình của các sinh viên nước ngoài như chính quyền yêu cầu.
Việc bị thu hồi chứng nhận SEVP đồng nghĩa với việc Đại học Harvard không còn đủ điều kiện tuyển sinh sinh viên quốc tế theo diện thị thực F- hoặc J- trong năm học 2025 - 2026. Đồng thời những sinh viên hiện đang theo học tại Harvard bằng các loại thị thực này sẽ buộc phải chuyển sang một cơ sở giáo dục khác nếu muốn duy trì tình trạng cư trú hợp pháp tại Mỹ.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh viên
Quyết định này đặc biệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Harvard, khi sinh viên quốc tế chiếm đến 27% tổng số sinh viên toàn trường. Việc mất chứng nhận SEVP đẩy những sinh viên quốc tế vừa được nhận vào trường rơi vào trạng thái bất định, khi kỳ học mùa thu sẽ bắt đầu vào tháng 9 năm nay.
Nghiêm trọng không kém, các sinh viên đang theo học - bao gồm cả những người đã tốt nghiệp và đang tham gia chương trình thực tập sau đại học (OPT) - cũng có nguy cơ mất cơ sở pháp lý để tiếp tục ở lại Mỹ nếu không nhanh chóng chuyển sang một cơ sở đào tạo được chứng nhận khác.
Quyết định của Bộ trưởng Kristi Noem đã gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ cả trong nội bộ lẫn ngoài cộng đồng Đại học Harvard.
Người phát ngôn của trường nhanh chóng lên tiếng, nhấn mạnh cam kết của Harvard trong việc duy trì môi trường học thuật đa dạng và quốc tế: "Chúng tôi đang khẩn trương triển khai các hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết cho các thành viên trong cộng đồng của mình.
Hành động mang tính chất trả đũa này đe dọa gây ra những tổn hại nghiêm trọng đối với cộng đồng Harvard cũng như với quốc gia, đồng thời làm suy yếu sứ mệnh cốt lõi của trường trong lĩnh vực học thuật và nghiên cứu".
Ngay trong ngày, Harvard đã đệ đơn kiện chính quyền Trump về quyết định thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của trường. Trong đơn kiện gửi lên tòa án liên bang ở Boston ngày 23-5, Harvard cho rằng động thái của chính quyền "vi phạm trắng trợn" Hiến pháp Mỹ và các luật liên bang khác, đồng thời "gây ảnh hưởng ngay lập tức và nghiêm trọng" tới trường cũng như hơn 7.000 sinh viên có thị thực hợp pháp.
Trong trường hợp Harvard lựa chọn khởi kiện chính quyền liên bang như vậy, nhiều khả năng các sinh viên quốc tế đang theo học hoặc đang tham gia chương trình thực tập sau tốt nghiệp (OPT) sẽ không bị trục xuất ngay lập tức, trong khi chờ phán quyết từ tòa án.
Dù kết cục có ra sao, đây vẫn là một giai đoạn đầy bất định đối với hàng nghìn sinh viên quốc tế đã và đang theo học tại Harvard.
Vụ việc lần này có thể được xem như một phép thử mang tính bước ngoặt, không chỉ đối với chính quyền liên bang, mà còn đối với toàn bộ hệ thống giáo dục đại học của Mỹ. Đó là làm sao để cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm duy trì một môi trường học thuật an toàn, đa chiều và không loại trừ, kể cả khi những quan điểm trong đó là trái ngược nhau.
Có thể sẽ cần đến nhiều tháng, thậm chí vài năm, để xã hội Mỹ - từ giảng đường đến nghị trường - có thể đưa ra được một câu trả lời thực sự thuyết phục cho tình huống hiện nay.
Ván cược chính trị
Ngỡ ngàng, phẫn nộ và lo âu sâu sắc là các phản ứng từ cộng đồng sinh viên. Leo Gerden - sinh viên năm cuối tại Harvard đến từ Stockholm, người đã tích cực lên tiếng bảo vệ quyền lợi của sinh viên quốc tế trong suốt thời gian học tại trường - chia sẻ rằng anh cảm thấy hoàn toàn suy sụp khi nghe tin.
"Chính quyền Trump đang dùng chúng tôi như những con bài trong một ván cược chính trị. Đây là điều vô cùng nguy hiểm" - anh nói.
BÌNH LUẬN HAY