21/05/2025 13:35 GMT+7

Ông Trump thay đổi lập trường về cuộc chiến ở Ukraine

Tổng thống Mỹ phát tín hiệu muốn rút khỏi vai trò trung gian hòa giải, kêu gọi Nga và Ukraine tự đàm phán trực tiếp để chấm dứt xung đột.

Ông Trump - Ảnh 1.

Từ trái qua: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AFP

Sau cuộc điện đàm kéo dài hai giờ với Tổng thống Putin, ông Trump tuyên bố nhà lãnh đạo Nga đồng ý "ngay lập tức" bắt đầu đàm phán trực tiếp với Ukraine. 

Động thái này đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý trong lập trường của ông Trump, từ việc gây áp lực lên Nga sang việc nhường vai trò trung gian cho các bên tự thương lượng, thậm chí đề xuất Vatican làm trung gian.

Từ "cây gậy" sang "củ cà rốt"

Trước đây, Mỹ và Ukraine đề xuất ngưng bắn 30 ngày. Hồi tháng 4, sau một loạt đòn tấn công của Nga nhắm vào Ukraine, ông Trump đề cập khả năng áp dụng các lệnh trừng phạt ngân hàng với lý do "ông Putin có thể không muốn dừng cuộc chiến" và "phải được đối xử theo cách khác". Tuy nhiên, hiện tại ông Trump dường như đã thay đổi cách tiếp cận.

Sau cuộc điện đàm ngày 19-5, ông Trump nhấn mạnh rằng các điều kiện sẽ được hai bên tham chiến tự thương lượng, "bởi vì chỉ họ mới hiểu rõ những chi tiết đàm phán mà không ai khác có thể biết được". Ông cũng tỏ ra hào hứng về việc nhường vai trò trung gian của mình cho Đức Giáo hoàng và kêu gọi: "Hãy để tiến trình này bắt đầu!".

Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Trump đã không thể lay chuyển được ông Putin bằng cách tiếp cận chủ yếu là "củ cà rốt" mà thiếu "cây gậy", và giờ đây dường như đang trao cho nhà lãnh đạo Nga điều ông ấy mong muốn. Trên thực tế, từ đầu, khi đáp lại những lời kêu gọi chấm dứt xung đột, Nga đã đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài.

Bà Iryna Gerashchenko, phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Ukraine, bày tỏ lo ngại: "Đàm phán trực tiếp mà không có bên trung gian và không có các bên bảo đảm thực thi thỏa thuận thì đó chính là giấc mơ của Điện Kremlin. Họ muốn kéo dài thời gian, đổ trách nhiệm cho Ukraine và tiếp tục giết chóc".

Lối thoát không rõ

Tổng thống Putin tuyên bố "Nga sẵn sàng và sẽ tiếp tục làm việc với phía Ukraine về một bản ghi nhớ về thỏa thuận hòa bình trong tương lai", trong đó có thể bao gồm các vấn đề về ngừng bắn và nguyên tắc giải quyết xung đột. Tuy nhiên, điều này vẫn còn cách xa yêu cầu then chốt của Ukraine rằng các cuộc đàm phán chỉ có thể bắt đầu sau khi hai bên ngừng bắn.

Theo báo Politico, với việc đồng ý tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn với Ukraine, ông Putin dường như đang "câu giờ" thêm với ông Trump. 

Về phía Ukraine, sau cuộc điện đàm với ông Trump, Tổng thống Zelensky kêu gọi Mỹ trừng phạt Nga mạnh hơn và kỳ vọng Mỹ tiếp tục đóng vai trò trung gian. Ông Zelensky nhấn mạnh: "Quá trình đàm phán phải có sự tham gia của các đại diện Mỹ và châu Âu ở cấp độ thích hợp".

"Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là Mỹ không đứng ngoài các cuộc đàm phán và tiến trình tìm kiếm hòa bình, bởi người duy nhất được lợi từ điều đó chính là ông Putin", ông Zelensky đăng trên X.

Các quan chức Nga và Ukraine đã gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 16-5, đánh dấu cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên giữa hai bên trong hơn ba năm qua. Họ đã đồng ý trao đổi tù binh "1.000 đổi 1.000" và nhất trí tiếp tục đối thoại.

Chưa rõ ông Trump sẽ từ bỏ vai trò trung gian hay không, nhưng các thành viên trong chính quyền của ông tiết lộ nhà lãnh đạo Mỹ đã trở nên thất vọng về thế bế tắc giữa Nga và Ukraine. 

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ông Trump "đã cảm thấy mệt mỏi và thất vọng với cả hai bên trong cuộc xung đột", nhưng từ chối tiết lộ liệu Tổng thống Trump có đặt ra hạn chót để hai nước đạt được thỏa thuận hay không.

Phát biểu trước báo giới ngày 19-5, ông Trump cho biết mình kỳ vọng sẽ có tiến triển trong các cuộc đàm phán, nhưng nếu không có thì ông sẽ "chỉ đơn giản là rút lui". Điều này cho thấy khả năng Mỹ có thể không còn kiên nhẫn làm trung gian hòa giải nếu hai bên không sớm có tiến triển cụ thể.

Ngoại giao thương mại

Một chi tiết đáng chú ý là Tổng thống Trump đã chuyển hướng nhấn mạnh vào lợi ích kinh tế của việc chấm dứt chiến tranh. Sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump cho biết "Nga muốn thực hiện hoạt động thương mại quy mô lớn với Mỹ khi cuộc tắm máu thảm khốc này kết thúc" và ông cũng tin rằng Ukraine có thể hưởng lợi từ thương mại.

Với cách tiếp cận này, ông Trump đã biến việc kết thúc xung đột thành một đề xuất mang tính thương mại hơn là một chiến thắng ngoại giao.

Chiến lược này phản ánh phong cách đàm phán đặc trưng của ông Trump - người luôn nhìn nhận các vấn đề quốc tế qua lăng kính kinh doanh và lợi ích thương mại. Liệu chiến lược này có hiệu quả trong một cuộc xung đột phức tạp như cuộc chiến Nga - Ukraine, nơi các bên đều có những động cơ chính trị riêng không dễ bị lay chuyển bởi chỉ một cá nhân, vẫn là điều cần được theo dõi trong thời gian tới.

Ông Trump thay đổi lập trường về cuộc chiến ở Ukraine - Ảnh 2.Ông Trump: Chiến sự Ukraine là mớ hỗn độn, lẽ ra Mỹ không nên dính líu

Tổng thống Trump đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm vì đã chuyển lượng lớn tiền thuế của người dân Mỹ vào cuộc xung đột Nga - Ukraine mà "đáng lẽ là vấn đề của châu Âu".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0