
Ung thư tuyến tiền liệt - Ảnh minh họa
Theo thống kê GLOBOCAN tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt là một trong 10 các loại ung thư phổ biến ở nam giới. Hiện nay phần lớn ca bệnh được phát hiện khi ung thư đã bước vào giai đoạn muộn.
Căn bệnh diễn biến âm thầm dễ bị bỏ qua
Cựu tổng thống Mỹ Joe Biden vừa phát hiện mắc ung thư tuyến tiền liền di căn xương ở tuổi 82. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, cứ 8 người đàn ông thì có một người sẽ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư này trong suốt cuộc đời.
Ung thư tuyến tiền liệt hay còn gọi là ung thư tiền liệt tuyến là khối u ác tính phát triển từ tuyến tiền liệt - một tuyến nhỏ nằm dưới bàng quang, có vai trò sản xuất tinh dịch.
Ở giai đoạn đầu, bệnh tiến triển âm thầm, thường không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện ra bệnh nhờ khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm bụng tổng quát.
Theo bác sĩ Phạm Cẩm Phương - giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai - ở giai đoạn sớm khi siêu âm có thể chỉ thấy hình ảnh vôi hóa nhỏ ở tuyến tiền liệt, không gây đau hay rối loạn tiểu tiện.
Khi ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu có xâm lấn, di căn, thường gây các biểu hiện như tiểu tiện khó, tia nước tiểu nhỏ. Tiểu nhiều lần mức độ khác nhau, tùy theo sự kích thích, cảm giác tiểu không hết do có nước tiểu dư trong bàng quang. Tiểu không tự chủ, bí tiểu cấp.
Ở giai đoạn muộn, đa số bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có tổn thương di căn xương, hạch, phổi, gan. Cụ thể khi tổn thương di căn hạch sẽ xuất hiện hạch ở bẹn, ổ bụng.
Khi di căn xương, bệnh nhân có biểu hiện đau xương, có người gãy xương đi khám phát hiện ra ung thư tuyến tiền liệt.
Một số trường hợp có huyết khối ở mạch máu, sau đó phát hiện ung thư di căn xương. Ung thư tuyến tiền liệt xâm lấn tủy xương, người bệnh có triệu chứng thiếu máu.
"Không ít trường hợp người bệnh chỉ đến bệnh viện vì đau lưng, đau khớp kéo dài, đi khám mới phát hiện tổn thương di căn xương, hạch...", bác sĩ Phương cho hay.
Ung thư tiền liệt tuyến thường di căn đến xương
Theo bác sĩ Phương, ung thư tuyến tiền liệt tiến triển âm thầm, khi đã có triệu chứng bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, đã xâm lấn và có khả năng di căn xa.
"Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những ung thư có khả năng dẫn đến di căn xương cao nhất, tình trạng di căn xương xảy ra ở 60% trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Các xương thường bị di căn tới bao gồm: xương cột sống, xương cánh chậu, xương sườn, xương đùi…", bác sĩ Phương cho hay.
Ung thư di căn xương là tình trạng các tế bào ung thư phát sinh, thoát ra rồi di căn tới xương từ khối u ban đầu. Các chuyên gia hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể khiến một số bệnh ung thư lây lan, di chuyển tới xương thay vì ảnh hưởng tới một vị trí khác.
Các bệnh ung thư có nhiều khả năng di căn đến xương thường gặp nhất là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư phổi.
Theo bác sĩ Phương, tùy theo giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn và thể trạng người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, điều trị nội tiết, cấy phóng xạ.
Chủ động phòng bệnh từ tuổi trung niên
Theo bác sĩ Phương, hơn 90% ung thư tuyến tiền liệt là ung thư biểu mô tuyến, chủ yếu là loại biệt hóa tốt, nếu phát hiện sớm, tỉ lệ khỏi bệnh đạt 90%. Tuy nhiên khoảng 1/2 số bệnh nhân khi chẩn đoán đã có di căn xa mà hay gặp nhất là di căn xương, đối với giai đoạn muộn tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ còn lại dưới 50%.
"Mặc dù không thể phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt một cách tuyệt đối, nhưng nam giới có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách duy trì lối sống lành mạnh: ăn nhiều rau xanh, hạn chế thịt đỏ và chất béo bão hòa; tập thể dục đều đặn; hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá.
Nam giới trên 50 tuổi, đặc biệt là những người có người thân từng mắc ung thư tiền liệt tuyến nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ, thực hiện siêu âm tuyến tiền liệt hoặc xét nghiệm PSA để sàng lọc sớm", bác sĩ Phương khuyến cáo.
BÌNH LUẬN HAY