![]() |
Khu trung tâm thị trấn Ngọc Hồi (Kontum) |
Thị xã năm 2010
Ông chủ ngôi nhà trọ Dung Hiến (Đak Glei, Kontum) đã quyết định chuyển hẳn sang nghề kinh doanh du lịch và quá háo hức với tương lai gần: “Từ đây lên đỉnh Ngọc Linh khoảng 60km, đường rừng núi phóng khoáng, khách Tây thể nào mà chẳng khoái. Tôi đang suy nghĩ tìm cách khai thác du lịch balô, lữ hành chinh phục ngọn Ngọc Linh đây!”.
Mỗi công dân đang dự phóng cho mình một tương lai bằng cách đón đầu cơ hội và họ trông chờ rất nhiều vào những dự án cấp vĩ mô. Ông Dương Cẩm, chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi, huyện cuối cùng của dự án đại lộ Hồ Chí Minh giai đoạn 1, cho hay: “Dự án cửa khẩu thương mại Bờ Y đã được Chính phủ phê duyệt không ngờ nhanh đến vậy!”.
Cửa khẩu Bờ Y, ngã ba Đông Dương bên này là Lào, bên kia là Campuchia, thông tầm chừng 140km là đến biên giới Thái Lan. 400ha đất chuẩn bị đưa vào xây dựng khu mậu dịch tự do.
Thị trấn Ngọc Hồi vài năm trước đất đóng băng, giờ đã thấy thấp thoáng vài doanh nghiệp từ Sài Gòn về dạm giá, hỏi thủ tục đăng ký đầu tư!
“Huyện sẽ tạo bất kỳ điều kiện thuận lợi nào cho doanh nghiệp về đây làm ăn. Trong qui hoạch, Ngọc Hồi sẽ là thị xã của Kontum vào năm 2010. Trước mắt qui hoạch của chúng tôi vẫn là đóng cửa rừng, tiếp tục trồng rừng. Cũng trong qui hoạch đó, những cụm công nghiệp chế biến giấy, chế biến gỗ khai thác bền vững trong mươi năm nữa sẽ là thế mạnh của huyện nhà!”- ông Cẩm cho biết.
Ông Lê Quang Chưởng, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Kontum, thông báo một tin vui: “Đã có một doanh nghiệp xin cấp phép đầu tư một khu du lịch khách sạn với tổng trị giá 1,5 triệu USD. Đây có lẽ là dự án đầu tư lớn nhất từ bên ngoài mà chúng tôi nhận được từ trước đến nay.
Kontum đã kịp qui hoạch một khu công nghiệp rộng 200ha. Riêng một số huyện trên cung đường Hồ Chí Minh, những khu công nghiệp nhỏ hơn cũng đã được đưa vào qui hoạch.
Nhưng dự phóng lớn nhất nhìn về tương lai vẫn là công trình con người. Hình dung khi chưa có con đường, đồng bào dân tộc ít người mang chuối ra chợ bán bằng cách xẻ từng nải thành những chùm chuối nhỏ cho dễ gùi. Còn bây giờ đã khác, họ đã biết cách cắt thành nải đẹp hơn để chuối bán có giá hơn. Và niềm tin tưởng rất có cơ sở rằng những doanh nghiệp xuất hiện rồi sẽ mang cho Trường Sơn cái lớn hơn là việc làm và tay nghề cho người lao động…
Vui nữa là dự án đường 14C qua huyện Sa Thầy cũng đã được Chính phủ phê duyệt, cũng chính từ việc hoàn thành con đường Hồ Chí Minh. Với đường 14C, cơ sở hạ tầng của Kontum đã có thể tạm gọi là hoàn chỉnh.
Đồi hoang sẽ hóa đô thị
Đoạn Khe Cò (Hà Tĩnh) đã thoát cảnh hun hút xưa trở thành điểm dừng chân của nhiều xe, người vào Nam ra Bắc, bởi đây là mốc khởi đầu giai đoạn 1 khánh thành đại lộ Hồ Chí Minh.
Công nhân Công ty Thương mại Hà Tĩnh đang chăm chút chỉnh lại dấu sơn giữa tim đường. Mấy cô gái đang trồng nốt những cây cỏ Vetiver thí điểm to như cây dứa hai tháng tuổi trên đỉnh sườn taluy dương.
Theo đại lộ, chúng tôi qua những cánh rừng thông nức mùi nhựa thơm. Những ngôi nhà, nương sắn, bãi mía, đồi cọ đã chia về hai ngả đông - tây nhường lối cho đại lộ thẳng hướng đi qua. Đứng trên đỉnh Truông Mông thuộc xã Sơn Lễ đã nhìn thấy Phố Châu, trung tâm huyện lỵ Hương Sơn, mới ngày nào ngập chìm trong biển lũ nay đang chộn rộn sắc màu dưới nắng thu.
Sau tấm biển giao thông giới thiệu địa danh Khe Cò là biển chỉ lối vào khu di tích danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, chùa Tượng Sơn nổi tiếng linh thiêng hiện lên phía đầu cầu Hương Sơn. Tiếp đó là biển chỉ đường về khu du lịch Nước Sốt, nước khoáng Sơn Kim nổi tiếng ở phía bắc cùng cảnh quan rừng nguyên sinh dọc trên đường lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Đại lộ Hồ Chí Minh đi qua còn là cơ hội ngàn vàng cho bốn xã Sơn Tiến, Sơn Lễ, Sơn Trung, Sơn Trường và thị trấn Phố Châu trở thành điểm trao đổi hàng chế biến nông sản, mua hoặc bán hàng Thái, hàng Lào qua cửa khẩu Cầu Treo.
Ngay bây giờ Hương Sơn đã lên kế hoạch mở hướng thu hút đầu tư chế biến gỗ (khai thác trên địa bàn và từ rừng Lào), mây, tre đan, đặc biệt là nhung hươu và rượu nhung hươu xuất khẩu, sau đó là đậu, lạc, trâu, bò.
Hương Sơn còn đón đầu bằng qui hoạch nhanh các vùng kinh tế trọng điểm để có thể đổi đất lấy công trình, thiết lập một đô thị thương mại, du lịch vừa tầm, xây dựng những vùng làng công nghiệp và vùng làng trồng chè, cây ăn quả dọc hai bên đại lộ.
BÌNH LUẬN HAY