29/04/2025 17:16 GMT+7

Nông dân phòng hạn từ sớm, giảm thiểu thiệt hại

Chủ động ứng phó với hạn hán, nhiều nông dân ở Tây Nguyên đã bảo vệ được mùa màng, hạn chế thiệt hại trong sản xuất.

Nông dân - Ảnh 1.

Nông dân Tây Nguyên áp dụng nhiều biện pháp để phòng hạn từ sớm, giúp cây trồng đảm bảo sức khỏe qua mùa hạn - Ảnh: MINH PHƯƠNG

Cuối tháng 4-2025, gia đình anh Trần Văn Huy, một nông dân ở xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) khoan giếng và lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho hơn 300 cây sầu riêng đang cho thu hoạch. "Nước tưới gần như quyết định năng suất, nhất là trong giai đoạn ra hoa, đậu quả", anh Huy cho hay.

Nông dân chủ động giữ ẩm, tiết kiệm nước cho cây trồng

Cùng lúc, ông Cao Văn Điệp ở thôn Tân Định, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đầu tư ba hồ chứa nước để tưới cho 900 cây xoài trong vườn. Ông Điệp chia sẻ: "Biến đổi khí hậu khiến mùa khô ngày càng khốc liệt. Nếu không chủ động nước tưới, cây chết, coi như công sức mấy năm trời đổ sông đổ biển".

Nông dân - Ảnh 2.

Áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm để đảm bảo nguồn đến cuối mùa khô - Ảnh: ĐỨC LẬP

Nông dân cũng áp dụng các biện pháp tự nhiên như giữ cỏ tự nhiên trong vườn để giảm bốc hơi và tạo lớp mùn giúp cải thiện đất. Tại Đắk Lắk, nông dân tiếp tục sáng tạo trong việc chống hạn.

Ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), bà Trần Thị Liên chia sẻ, người dân đã áp dụng cách kiểm tra độ ẩm đất bằng ống sữa bò hoặc chai nhựa úp ngược xuống đất. "Nếu sáng hôm sau thấy có nước trong chai, đất còn đủ ẩm và chưa cần tưới thêm", bà Liên nói.

Ông Phạm Phú Ngọc - quản lý Chương trình NESCAFÉ Plan - cho rằng việc áp dụng nông nghiệp tái sinh giúp giảm 40 - 60% lượng nước tưới và tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời cải thiện chất lượng đất.

Nông dân - Ảnh 3.

Phương pháp đo độ ẩm đơn giản của đất để có phương án tưới, tiết kiệm nguồn nước cho cả mùa khô ở xã Ea Tiêu, Cư Kuin, Đắk Lắk - Ảnh: MINH PHƯƠNG

Tăng cường công tác quản lý nước và ứng phó hạn hán

Chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống hạn. Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông thông tin, tỉnh có 307 công trình thủy lợi với diện tích mặt nước khoảng 3.700ha, nhưng việc khai thác nước vẫn phụ thuộc vào sự chủ động của người dân.

Tại Đắk Lắk, tình hình cũng không khả quan. Riêng huyện Ea H'leo có hơn 31.100ha cà phê, nhưng các công trình thủy lợi chỉ cung cấp nước cho hơn 4.000ha. Nếu nắng nóng kéo dài, khả năng thiếu nước trong đợt tưới thứ ba là rất cao. 

Từ khó khăn đó, chính quyền đã khuyến cáo người dân gieo trồng sớm và chuyển đổi cây trồng ở vùng thiếu nước, đồng thời nạo vét kênh mương để chống thất thoát nước.

Nông dân phòng hạn từ sớm, giảm thiểu thiệt hại - Ảnh 4.

Những đường ống nhỏ, vòi phun sương được áp dụng ở nhiều vườn cây ở Tây Nguyên giúp cây luôn mát mẻ nhưng lượng nước tưới rất ít - Ảnh: ĐỨC LẬP

Nhiều nông dân đã chủ động đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm và phương pháp trữ nước. Gia đình anh Phan Cảnh Cư ở thôn 7, xã Ea Nam (huyện Ea H'leo) đã lắp hồ bạt và khoan giếng sâu hơn 100m để trữ nước. Gia đình anh Bùi Ngọc Dực ở thôn 8, xã Ea Khăl cũng lắp hệ thống tưới phun sương ngầm cho 2ha cà phê, giúp tiết kiệm nước hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Hảo - phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ea H'leo - cho hay hơn 60% hộ dân trong huyện đã áp dụng các kỹ thuật tưới tiết kiệm, giúp giảm sự phụ thuộc vào các công trình thủy lợi và duy trì năng suất cây trồng.

Nông dân - Ảnh 5.

Những cái hồ ở giữa vùng khô hạn khá phổ biến hiện nay ở Đắk Lắk - Ảnh: MINH PHƯƠNG

Ở nhiều địa phương có diện tích cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… lớn như Cư M'gar, Krông Năng, Krông Pắk, Buôn Hồ… nông dân cũng chủ động nguồn nước tưới, tưới tiết kiệm để không phụ thuộc ông trời.

Ông Nguyễn Văn Hà - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk - cho hay thời tiết ngày càng khắc nghiệt, trong khi hệ thống thủy lợi chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tưới cho cây trồng.

"Vì vậy việc tưới tiêu hiện nay phần lớn phụ thuộc vào sự chủ động của người dân. Nhiều nơi đã xây dựng hồ chứa nước và hệ thống tưới tiết kiệm, giúp duy trì nguồn nước tưới ổn định cho cây trồng", ông Hà nói.

Dự báo hạn hán kết thúc vào đầu tháng 5

Theo Cục Quản lý và xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tình trạng hạn hán tại Tây Nguyên dự kiến sẽ kết thúc vào đầu tháng 5-2025. Mặc dù dung tích bình quân của các hồ chứa thủy lợi hiện chỉ đạt 36%, các công trình thủy lợi và các biện pháp chủ động của người dân vẫn giúp hạn chế thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên khoảng 500 - 1.000ha diện tích nông nghiệp tại Tây Nguyên vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nước cho đến cuối vụ đông xuân 2024 - 2025.

Nông dân phòng hạn từ sớm, giảm thiểu thiệt hại - Ảnh 6.Đắk Lắk chủ động phòng chống hạn hán

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk cho biết, mùa khô năm 2015 khu vực phía đông tỉnh Đắk Lắk và một số xã ở khu vực trung tâm tỉnh có nguy cơ thiếu nước cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0