
Lữ đoàn 171 đón thi thể thiếu tá Nguyễn Xuân Tài từ nhà giàn DK1/18 trở về đất liền trong đêm - Ảnh: MAI THẮNG
Chuyến tàu những ngày tháng 4 lịch sử ra thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1 có giây phút lắng đọng khi đoàn thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ nhà giàn DK1 hy sinh trên biển. Trong 13 người đã hy sinh, tên đại úy Nguyễn Tài Thi - phó chỉ huy quân sự nhà giàn DK1/12 - được đọc lên vì đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể.
Hiến dâng tuổi xuân
Tiếng của vị trưởng đoàn hành trình vang lên giữa trùng khơi sóng vỗ: "Người chiến sĩ nhà giàn vẫn kiên cường trong bão dông, dù gian khó không sờn lòng, hiến dâng tuổi xuân có sá chi...". Không gian như dừng lại giữa khoảnh khắc đó. Khóe mắt nhiều người đỏ hoe, lần lượt thả nhành cúc trắng xuống biển.
Đại úy Trần Huy Thân, người đồng đội thân thiết của đại úy Nguyễn Tài Thi, kể ngay khi phát hiện Thi rơi xuống biển, mọi người đã báo động khẩn cấp, báo cáo cấp trên xin điều động tàu tìm kiếm. Tất cả đèn pha của nhà giàn rọi thẳng xuống biển. Tàu hải quân, tàu kiểm ngư quần thảo nhiều giờ vẫn không kết quả gì.
Anh kể: "Lúc đó chúng tôi đứng trên nhà giàn gào khóc gọi "Thi ơi". Các tàu hải quân, kiểm ngư vẫn tiếp tục tìm kiếm nhiều ngày sau đó nhưng không kết quả". Nói rồi anh nhìn ra vùng biển phía nhà giàn DK1/12, bất giác anh hỏi: "Thi ơi, mày ở đâu?", giọng lạc đi trong tiếng sóng.
Ký ức 12 năm trước bỗng ùa về. Đó là một ngày cuối tháng 5-2013, khi tôi được điều về Lữ đoàn 171 làm phó bí thư Đảng ủy phòng tham mưu. Chàng sĩ quan dong dỏng cao, da trắng đón tôi nhanh nhảu tự giới thiệu: "Em tên Thi là trợ lý tác chiến, quê Thanh Hóa ạ". Tôi còn chọc: "Anh có con gái đấy, làm rể anh nhé", Thi cười: "Được vậy thì còn gì bằng".
Thời gian trôi, anh em làm việc cùng nhau. Bốn ngày trước hôm Thi mất (tháng 12-2023), điện thoại của tôi hiện số cuộc gọi nhỡ tên "Thi tác chiến".
Gọi lại, máy đổ chuông nhưng không ai nghe. Vậy mà ba ngày sau, tôi nhận tin Thi bị trượt ngã, rơi xuống biển lúc nửa đêm. Đã gần hai năm qua, việc tìm kiếm thi thể vẫn chưa kết thúc song thật khó mong đợi một kỳ tích nào với Thi.
Đại úy Lê Viết Lập, một trong ba đồng đội thân thiết với đại úy Nguyễn Tài Thi, cho biết theo quy định cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa và nhà giàn DK1 gặp nạn lỡ bị rơi xuống biển mà không tìm thấy thi thể được coi là mất tích. Việc tìm kiếm kéo dài hết 24 tháng mới kết thúc, sau đó mới làm các thủ tục truy tặng bằng Tổ quốc ghi công và công nhận liệt sĩ.
"Tôi và Thi có hơn ba năm công tác cùng nhau tại phòng tham mưu Lữ đoàn 171. Vợ và con Thi hiện sống ở Đồng Nai. Với chúng tôi, Thi còn sống mãi trong ký ức, là niềm tự hào của đơn vị", đại úy Lập chia sẻ.
Vọng phu thời bình
Ngôi nhà nhỏ của liệt sĩ Dương Văn Bắc nằm trong con hẻm ở đường 30 tháng 4, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổ ấm của vợ chồng anh Bắc nay là nơi chị Vương Thị Trâm cùng hai con trai nhỏ thờ chồng. Những kỷ vật thiêng liêng chồng để lại, chị Trâm giữ gìn khá nguyên vẹn. Đó là chiếc bi đông đựng nước, sợi dây cáp, cái mũ kebi hải quân, bộ quân phục và cả tấm thiệp cưới của anh chị.
Anh Bắc không còn, những kỷ vật được vợ cất giữ hơn chục năm qua. Mỗi năm giỗ anh, mấy mẹ con lại đặt lên bàn thờ. "Nhiều lần hai con nhỏ hỏi, mình đành nói thật bố các con không còn nữa. Nó lại hỏi bố chết rồi phải không mẹ, mình chỉ biết ôm con mà khóc", chị Trâm rơi nước mắt.
Anh Bắc hy sinh tại nhà giàn DK1/14 ngày 7-10-2014 trong lúc kiểm tra vật cản dưới sàn cập tàu, bị sóng cuốn đi. Anh ra đi khi cậu con trai đầu mới 6 tuổi, cậu thứ hai chưa đầy 2 tuổi. Bao vất vả đè lên đôi vai mảnh mai của người vợ một nách hai con, người mẹ trẻ càng phải gắng gượng.
Một năm sau, chị đón nhận bằng Tổ quốc ghi công của chồng trong nỗi đau thấu tận tâm can. Để nuôi con, chị Trâm xin làm cấp dưỡng trong đơn vị của chồng và được chấp thuận. Ngày nhận quyết định đi làm, chị ôm hai con nghẹn khóc rồi đặt tờ quyết định lên bàn thờ chồng hứa ở vậy thờ chồng nuôi con.
"Ai cũng mong có một gia đình đủ đầy vợ chồng, con cái hạnh phúc nhưng thật sự không ai thay thế được anh Bắc trong lòng mình được", chị Trâm bày tỏ.
Sự hy sinh lặng thầm của người lính nhà giàn
Nhiều đồng đội vẫn nhắc đến thiếu tá Nguyễn Xuân Tài (quê Quảng Bình) mà họ gọi là sự hy sinh thầm lặng. Tối 3-9-2019, anh đang ở nhà giàn DK1/18, bỗng dưng có biểu hiện mệt mỏi, vã mồ hôi, mạch chậm và yếu dần. Ngay lập tức anh được quân y nhà giàn cấp cứu hồi sức tích cực tại chỗ song sức khỏe nguy kịch và đột ngột ra đi.
Thi thể của thiếu tá Tài được tàu Trường Sa 04 (Vùng 2 Hải quân) đưa từ nhà giàn DK1/18 cập cảng Lữ đoàn 171 hai ngày sau đó trong sự chào đón buồn bã của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và bà con địa phương cùng gia đình.
Căn nhà nhỏ từ khoản tích cóp nhiều năm đi làm DK1 là điều anh để lại cho vợ và hai con. 30 ngày phép mỗi năm, anh chỉ kịp thăm bố mẹ, tranh thủ cuốc lại vườn rau sau nhà, đưa đón con đi học, ghé ăn cơm đôi lần với nội ngoại và lúc nào cũng động viên vợ chăm sóc hai con để anh yên tâm làm nhiệm vụ. Vậy mà đã hơn 5 năm rồi, ngôi nhà đó thiếu hơi ấm người đàn ông trụ cột.
BÌNH LUẬN HAY