05/04/2025 11:02 GMT+7

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 1: Làng Chí Hòa ở đâu?

"Dạ, bác tài ơi, cho tui xuống Bà Quẹo nghen". "Ồn quá, dạ nghe hổng rõ, cô xuống Bà Điểm hay Bà Quẹo?". Đó là những lời hành khách với bác tài xe lam ngày tháng cũ.

địa danh thân thương - Ảnh 1.

Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ năm 1861, Pháp dựng một đồn ở cổng đại đồn, nay là Trường THCS Tân Bình - Ảnh: C.M.C.

Trải hơn 300 năm, đất Sài Gòn - TP.HCM có nhiều địa danh gần gũi, thân thương như thế. Ai qua Bảy Hiền, ai sang Xóm Chiếu, ai quẹo Phú Thọ, ai về Tân Sơn Nhứt, ai mê cô nàng "Bắc kỳ nho nhỏ" bên Xóm Mới, Gò Vấp, ai khoái chàng trai sương gió miệt ruộng Hóc Môn, Củ Chi... Những cái tên quá đỗi gần gũi, đi xa càng nhớ, mà ở gần lại càng thương.

Hầu hết tư liệu lịch sử, bài khảo cứu lịch sử của các bậc học giả, trí giả xưa nay đều khá thống nhất nói đại đồn Chí Hòa (theo cách gọi phổ biến hiện nay) ở làng Chí Hòa và làng Phú Thọ.

Đại đồn Chí Hòa hay đại đồn Phú Thọ?

Cụ thể theo Sơn Nam, cố nhà văn - nhà báo - nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ uyên thâm, đại đồn nằm trong địa phận làng Chí Hòa và Phú Thọ, dọc theo rạch Nhiêu Lộc, lấy con đường đi Tây Ninh (đường Cách Mạng Tháng 8 ngày nay) làm trung tâm để xây dựng chiến lũy (Sơn Nam - Bến Nghé xưa, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1981, trang 119).

Còn Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (tập 1, NXB TP.HCM, trang 251): "Đại đồn tên đúng là Chí Hòa, nhưng Pháp nói trại là Kỳ Hòa".

Thông tin này có khác biệt về tên gọi với cụ Sơn Nam: trong tất cả các bài viết, tập sách của mình, cụ đều gọi là đại đồn Phú Thọ: "Lợi dụng lúc giặc còn yếu thế, triều đình cho tăng viện, ban đầu là Tôn Thất Hiệp, kế đến là Nguyễn Tri Phương đã bố trí một chiến tuyến với quy mô lớn, ta gọi đại đồn Phú Thọ, Pháp gọi lũy Chí Hòa (đọc theo âm Pháp rồi ký âm lại là Kỳ Hòa). 

địa danh thân thương - Ảnh 2.

Bản đồ hành quân của Pháp khi tấn công đại đồn ngày 24 và 25-2-1861, ghi là Ki-hoa, tức Chí Hòa

(...) Bề dài những vách đất này cộng lại dài đến 12km, nhìn khái quát thấy bố trí như hình tam giác, đỉnh là Bà Quẹo, đáy là đường 3 Tháng 2 ngày nay" (Bút ký Giới thiệu Sài Gòn xưa - NXB Trẻ 2022, trang 29).

Với nhận định này, rõ ràng cụ Sơn Nam gọi Chí Hòa là chỉ toàn bộ phòng tuyến/chiến lũy vì nó rộng lớn, tỏa rộng quanh đại đồn trung tâm đến mấy cây số, kéo dài đến tận Hóc Môn, đường Lê Văn Sỹ và đường 3 Tháng 2 hiện nay (chu vi đại đồn trung tâm nhỏ hơn).

Cách gọi này cũng được ghi trong Đại Nam thực lục: "Quân của Tây dương đến các đồn Phú Thọ do Tôn Thất Cáp mới đắp (tác giả Cù Mai Công - CMC: Tôn Thất Cáp là một cách gọi khác của Tôn Thất Hiệp). 

Các đạo binh đóng ở ngoài (lính Gia Định, lính đồn điền) sợ hãi tan vỡ. Quân của Tây dương đánh phá hữu đồn, Hoàng Ngọc Chung cố sức đánh bị chết trận. Phan Tĩnh (ở tả đồn) bị đạn rút lui. Quân của Tây dương bèn đánh vào trung đồn. 

Tôn Thất Cáp cùng Tôn Thất Điển đốc lính ở Kinh chống nhau với giặc, chém được và bắn chết nhiều, quan binh cũng nhiều người bị thương chết" (Đại Nam thực lục, tập 7 - NXB Giáo Dục, 2007, trang 603).

Ai cũng biết trong phòng tuyến Chí Hòa/Phú Thọ, có một dãy đồn lớn liên tiếp, san sát nhau mà hiện nay, tất cả tư liệu dễ dàng xác định qua tất cả bản đồ là đại đồn trung tâm. Những bản đồ hành quân của Pháp ghi dãy đồn trung tâm này là "Grand ford Kihoa" (đại đồn Kỳ Hòa, tức Chí Hòa).

Phòng tuyến/chiến lũy Chí Hòa rộng lớn có lẽ dễ thống nhất. Tuy nhiên, việc gọi tên đại đồn trung tâm là Chí Hòa hay Phú Thọ lại không đơn giản. 

Có thể đó là phản ánh cách nhìn từ hai phía về một địa danh lúc ẩn lúc hiện trong lịch sử lẫn các địa bạ hành chính trước và sau khi Pháp tấn công phòng tuyến Chí Hòa.

địa danh thân thương - Ảnh 3.

Nhà thờ Chí Hòa thập niên 1920 - Ảnh tư liệu

Chí Hòa - địa danh thoắt ẩn thoắt hiện

Tự điển địa danh hành chính Nam Bộ (Nguyễn Đình Tư - Nxb Chính Trị Quốc Gia 2008), trang 306: "Chí Hòa: thôn thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định từ triều Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1847 - 1883). 

Đây là địa bàn chính của đại đồn Chí Hòa chống Pháp do Nguyễn Tri Phương lập. (...). Ngày 25-2-1861, đại đồn thất thủ. Cả khu vực bị người Pháp tàn phá bình địa. Thôn Chí Hòa giải thể, xóa tên luôn.

Sau tình hình ổn định, dân hồi cư dần, đến ngày 5-12-1916, làng Chí Hòa được tái lập bằng cách nhập hai làng Thạnh Hòa và Hòa Hưng đều giải thể và đặt thuộc tổng Dương Hòa Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. 

Ngày 5-1-1923, nhập một phần đất vào thành phố Chợ Lớn, tạm thời thành một phường. Ngày 24-10-1924, sáp nhập phần còn lại vào phường 4, thành phố Sài Gòn. Sau đó lại trả về quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. 

địa danh thân thương - Ảnh 4.

Bản đồ năm 1892 ở Bưu điện TP.HCM, ghi vùng này là Thạnh Hòa

Đầu thập niên 30 thế kỷ 20, phần lớn diện tích làng Tân Sơn Nhứt bị chiếm làm sân bay, có quy chế quản lý tự trị và một phần diện tích làng Chí Hòa nhập vào Sài Gòn, phần còn lại của hai làng này nhập lại thành xã Tân Sơn Hòa từ 9-12-1939" (thật ra là làng, sau 1956 mới thành xã - CMC).

Theo thông tin này, địa danh Chí Hòa có một số phận khá truân chuyên: lúc có lúc không (giải thể), có lúc một phần đất của thành phố Chợ Lớn, có lúc toàn bộ thuộc thành phố Sài Gòn, rồi lại trả về Gia Định (Gò Vấp).

"Một phần diện tích làng Chí Hòa nhập vào Sài Gòn" có thể là một phần hoặc toàn bộ khu Hòa Hưng hiện nay. Vì từ 1939 - 1975, xã Tân Sơn Hòa thuộc tỉnh Gia Định, còn Hòa Hưng thuộc Sài Gòn (trước là quận 3, từ 1969 tách một phần quận 3 thành quận 10 - cho tới nay). Ranh giới hành chính hai khu này là đường Bắc Hải.

Cũng lưu ý thêm: một phần làng Chí Hòa nhập vào Sài Gòn là một phần của ngôi làng Chí Hòa năm 1916: "Được tái lập bằng cách nhập hai làng Thạnh Hòa và Hòa Hưng đều giải thể". Không phải làng Chí Hòa có đại đồn trung tâm Chí Hòa trước trận chiến Chí Hòa 1861.

Trong tập Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Gia Định (Nguyễn Đình Đầu - NXB TP.HCM, 1998), trang 211 đã liệt kê 19 thôn thuộc tổng Dương Hòa Thượng (nơi diễn ra trận chiến Chí Hòa): Mỹ Toàn, Tân Đông Thượng, Tân Đông Trung, Tân Sơn Nhứt, Tân Sơn Nhì, Tân Thới Hạ, Tân Thới Thượng, Tân Thới Trung, Tân Thới Đông, Tân Thới Tây, Tân Thới Nhì, Tân Thới Tam, Tân Thới Tứ, Thuận Kiều, Trung Chánh, Trung Chánh Tây, Xuân Thới, Xuân Thới Đông, Xuân Thới Tây. Không có thôn nào tên Chí Hòa.

địa danh thân thương - Ảnh 5.

Ngã ba Ông Tạ ở giao lộ Phạm Văn Hai - Cách Mạng Tháng Tám xưa là vị trí cổng đại đồn Chí Hòa - Ảnh: CMC

Cũng trong tập này, trang 321 xác định ranh giới thôn Tân Sơn Nhứt: "Đông giáp địa phân hai thôn Phú Nhuận, An Hội (Bình Trị Hạ). Tây giáp địa phận thôn Tân Sơn Nhì. Nam giáp địa phận xã Phú Thọ (tổng Tân Phong Thượng, huyện Tân Long - CMC chú thích: huyện Tân Long là vùng Chợ Lớn hiện nay), lại giáp địa phận thôn Tân Sơn Nhì. Bắc giáp địa phận thôn Hạnh Thông Tây, An Hội (Bình Trị Hạ).

Với ranh giới này, thôn Tân Sơn Nhứt này bao trùm hầu hết phòng tuyến rộng lớn bao quanh đại đồn trung tâm năm 1861. Tức bao gồm cả một địa danh tên "Chí Hòa".

Tuy nhiên, theo Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, (được xác lập sau đó, thời vua Thiệu Trị) viết khu vực này là "Thạnh Hòa: thôn thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định từ triều Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1847 - 1883). 

Đầu thời Pháp thuộc vẫn thuộc tổng cũ, đặt thuộc Hạt Thanh tra Sài Gòn. Từ 5-1-1876 gọi là làng, thuộc Hạt Tham biện Sài Gòn, rồi Bình Hòa, rồi Gia Định. Từ 1-1-1900 thuộc tỉnh Gia Định.

Các khảo cứu chính thức thông tin trên sách báo chính thống cho tới giờ dừng lại ở đây.

Trong tất cả bản đồ Pháp sau đó, cho tới tận thập niên 1930, như trên tấm bản đồ xưa "Saigon et ses Environs" năm 1892 vẽ trên tường bên phải trong Bưu điện TP.HCM hiện nay, khu vực bên phải đường Thuận Kiều (nay là Cách Mạng Tháng 8), khu phòng khám Ông Tạ hiện nay và chợ Ông Tạ cũ (nay là Trường tiểu học Phạm Văn Hai) luôn có dòng chữ "Thạnh Hòa" (thôn/làng).

Đây là khu vực có cổng chính đại đồn Chí Hòa, bản đồ khảo sát của Pháp năm 1860 ghi chú rõ: "Fort central" (đồn trung tâm). Cổng chính này lõm vào so với hai đồn tả hữu hai bên, cách khoảng 400 - 500m phía trước, tạo thành đỉnh của một tam giác khá cân.

---------------------

Liệu "thôn Chí Hòa" ban đầu, trước trận đại đồn Chí Hòa, chỉ mới có từ thời Thiệu Trị (1841 - 1847) và ở ngay trung tâm khu vực diễn ra trận chiến đại đồn Chí Hòa?

Kỳ tới: Địa danh Chí Hòa ít nhất đã có từ cuối thế kỷ 18

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 1: Làng Chí Hòa ở đâu? - Ảnh 3.Trăm năm du xuân Sài Gòn - TP.HCM

Tết đến, dẫu có bao phương tiện, người dân vẫn đến những điểm đến trăm năm: bến Bạch Đằng, đường hoa Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, Lăng Ông - Bà Chiểu, nhà thờ Đức Bà, chùa Bà Thiên Hậu...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0