20/04/2025 16:24 GMT+7

Những cung đường kết nối rộng mở cho tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập

Khi sáp nhập với Đắk Nông và Bình Thuận, tỉnh Lâm Đồng mới không chỉ có những quốc lộ, cung đường kết nối nội tỉnh, mà nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ khác đang mở ra kết nối từ tỉnh này đến các khu vực kinh tế năng động ở Nam Trung Bộ và TP.HCM.

Những cung đường kết nối rộng mở cho tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập - Ảnh 1.

Ông Trần Hồng Thái (thứ 3 từ phải qua) - chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - đề nghị đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ quốc lộ 28B để có thể sử dụng hiệu quả từ đầu tháng 9-2025 - Ảnh: L.A.

Ngày 20-4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các nội dung lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong đó có phân tích một số vấn đề về hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh Lâm Đồng - Đắk Nông - Bình Thuận.

Lâm Đồng không “cô độc”, có nhiều quốc lộ và sân bay

Theo quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng sẽ sáp nhập với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông. Tỉnh mới sẽ có tên là Lâm Đồng với diện tích 24.233km2, dân số 3.324.400 người. TP Đà Lạt dự kiến sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới.

Các đặc điểm về hạ tầng giao thông cũng là một phần lý giải việc chọn Đà Lạt là trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập thêm 2 tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông.

Hiện nay Đà Lạt cách TP Gia Nghĩa (trung tâm của Đắk Nông) khoảng 160km qua quốc lộ 28; cách TP Phan Thiết (trung tâm của Bình Thuận) khoảng 160km qua quốc lộ 28B và quốc lộ 20. 

Các tuyến giao thông này đóng vai trò huyết mạch, tạo điều kiện thuận tiện để kết nối hiệu quả các trung tâm lớn của tỉnh Lâm Đồng mới sắp tới, kết nối với vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Lâm Đồng - Ảnh 2.

Sân bay Liên Khương đóng vai trò quan trọng đối với tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập - Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh đó còn có trục quốc lộ 20 kết nối Đà Lạt với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM. Ngoài ra, Lâm Đồng còn có các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 55, quốc lộ 27, quốc lộ 27B kết nối với các tỉnh ven biển phía Đông Nam.

Trong kết nối Phan Thiết - Bình Thuận, dự án nâng cấp quốc lộ 28B dài 68km (Bắc Bình - Bình Thuận đến Đức Trọng - Lâm Đồng) với tổng mức đầu tư 1.435 tỉ đồng đang được các đơn vị gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Đối với kết nối vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, tuyến giao thông kết nối Lâm Đồng - Ninh Thuận (dự kiến là Khánh Hòa sau sáp nhập) từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng) có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng với chiều dài hơn 63km đã thi công sắp hoàn thành.

Sân bay Liên Khương là cảng hàng không quốc tế đầu tiên của khu vực Tây Nguyên (sân bay cấp 4E có công suất 5 triệu hành khách/năm). Đây là đầu mối giao thông cực kỳ quan trọng góp phần phát triển ngành du lịch vùng Tây Nguyên và trung tâm Đà Lạt.

Sẽ có đường cao tốc kết nối nội vùng Lâm Đồng sau sáp nhập

Hiện nay tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương chuẩn bị khởi công 2 dự án đường cao tốc Liên Khương - Bảo Lộc (dài gần 74km, 17.718 tỉ đồng) và Bảo Lộc - Tân Phú (giai đoạn 1, dài 66km, 17.200 tỉ đồng). 

Khi 2 dự án cao tốc này hoàn thành, trung tâm Đà Lạt được tăng cường kết nối với vùng kinh tế sôi động nhất cả nước là TP.HCM và Đông Nam Bộ, tạo động lực phát triển cho tỉnh Lâm Đồng mới.

Lâm Đồng - Ảnh 3.

Phác thảo một nút giao thông thuộc dự án tuyến đường cao tốc Nha Trang - Đà Lạt - Ảnh: Tập đoàn Sơn Hải

Kết nối với Khánh Hòa là một nội dung quan trọng trong liên kết vùng. Hiện nay 2 địa phương có tuyến quốc lộ 27C Nha Trang - Đà Lạt dài khoảng 130km. 

Tuyến đường này thường xảy ra sự cố vào mùa mưa, do đó để đảm bảo kết nối thông suốt, đầu năm 2025, 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa đã có tờ trình đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Đà Lạt - Nha Trang với chiều dài gần 81km, vốn đầu tư khoảng 25.058 tỉ đồng, xây dựng từ năm 2026 - 2028.

Khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố du lịch còn khoảng 1,5 - 2 giờ so với hiện tại là khoảng 3,5 - 4 giờ. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ giúp kết nối thông suốt một dải biển và hoa (Nha Trang - Đà Lạt - Phan Thiết) với nhiều tiềm năng phát triển.

Mới đây, ông Trần Hồng Thái - chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết sẽ đề xuất quy hoạch bổ sung tuyến đường cao tốc kéo dài từ biên giới Campuchia (Đắk Nông) sang huyện Di Linh (Lâm Đồng) tới Phan Thiết (Bình Thuận). 

Như vậy, khi 3 dự án đường cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, Liên Khương - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Tân Phú hoàn thành (dự kiến trước năm 2030) cùng với dự án cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận thì Lâm Đồng sau sáp nhập không chỉ kết nối nội vùng thuận lợi mà còn kết nối với vùng kinh tế lớn Đông Nam Bộ - TP.HCM một cách nhanh chóng.

Riêng Đà Lạt, những khó khăn kết nối vùng trong thời gian qua sẽ được xóa bỏ thông qua những dự án hạ tầng giao thông nói trên.

Lâm Đồng còn cô độc trên núi cao khi sáp nhập thêm Bình Thuận, Đắk Nông? - Ảnh 5.Tên gọi các phường của Đà Lạt dự kiến đều có chữ Đà Lạt phía sau

Dự kiến tên gọi các phường của Đà Lạt đều có chữ Đà Lạt đi kèm phía sau. Đà Lạt sẽ rộng hơn khi có thêm vùng chân núi Lang Biang.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0