Nhiều băn khoăn với đề xuất tăng phạt vi phạm giao thông đến 200 triệu đồng

MINH HÒA
và 1 tác giả khác

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông tối đa từ 75 triệu đồng lên 200 triệu đồng của đại biểu Quốc hội thu hút nhiều ý kiến của bạn đọc. Trong đó không ít ý kiến băn khoăn cho rằng mức phạt quá cao.

Nhiều băn khoăn với đề xuất tăng phạt vi phạm giao thông đến 200 triệu đồng - Ảnh 1.

Nhiều bạn đọc cho rằng cần đưa chương trình giáo dục về Luật Trật tự, an toàn giao thông vào tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe, để người dân hiểu rõ luật và ý thức tham gia giao thông - Ảnh: MINH HÒA

Liên quan đề xuất tăng mức phạt tối đa vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này cần xem xét nhiều mặt và phải phù hợp với nhiều yếu tố: mức độ vi phạm, mức độ gây hậu quả cũng như thu nhập của người dân...

Đi đúng luật, ngại gì tăng mức phạt vi phạm giao thông?

Ủng hộ với đề xuất của đại biểu Quốc hội, bạn đọc có địa chỉ emait****@gmail.com nêu ý kiến: "Mức 200 triệu đồng là hợp lý. Lấy tài chính răn đe người vi phạm. Vẫn còn nhiều người cố ý vi phạm rồi bị bắt phạt thì đòi xin cho, vậy thì đến khi nào mới phát triển như thế giới?".

Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Long chia sẻ: "Tôi ủng hộ, nhất là cho những trường hợp gây nguy hiểm cho xã hội, biết sai nhưng vẫn vi phạm như xe tải chở hàng không ràng buộc theo quy định. 

Đặc biệt hơn là chạy ngược chiều trên cao tốc. Phải phạt thật là nặng những trường hợp này".

"Đi đúng luật thì có gì ngại?", bạn đọc Quân nêu quan điểm. Còn theo bạn đọc King, "ai vi phạm phải xử lý nghiêm, vậy mới đủ răn đe".

Ở chiều ngược lại, theo bạn đọc tên Hợp, "cần lắng nghe nhiều hơn những ý kiến trực tiếp từ người tham gia giao thông trước khi áp dụng". 

Theo bạn đọc Hoàng Anh: "Bàn luận về tăng mức phạt mà chưa chú ý đúng mức về hạ tầng hiện nay. Biển báo che khuất, đèn không đếm giây, vạch kẻ đường chưa rõ…".

Cùng suy nghĩ là nên đầu tư tốt hạ tầng giao thông trước khi bàn việc tăng mức xử phạt, bạn đọc Phương Phạm cho rằng ô tô vượt đèn đỏ mức phạt 18-20 triệu đồng không thể nói là chưa nặng.

"Nên tập trung nâng cấp đường sá, hướng dẫn giao thông, tuyên truyền luật cho dân hơn là đặt nặng biện pháp phạt. 200 triệu đồng là số tiền nhiều người làm việc cả nhiều năm trời cũng không thể tích góp được", bạn đọc này nêu ý kiến. 

Hạn chế vi phạm giao thông, không chỉ có phạt tiền

Bạn đọc Nguyễn Phong Phú thẳng thắn: "Không nên tăng mức phạt 200 triệu đồng, mức quá cao. Nhiều người dân sẽ khó khăn nếu lỡ vi phạm luật giao thông".

Đề xuất giải pháp đảm bảo tính răn đe mà không phải tăng mức phạt lên 200 triệu đồng, bạn đọc Long gợi ý: "Buộc lao động công ích 1-2 tuần lễ ngoài xử phạt tiền như hiện nay". 

Mức phạt cao quá người dân sẽ băn khoăn

Tại phiên thảo luận tổ ngày 16-5, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhấn mạnh: "Tôi có ý khác với ý kiến chị Xuân (đại biểu, thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk), 75 triệu đồng chị vẫn kêu thấp, chưa có tính răn đe.

Theo tôi, trong thời điểm hiện tại, để răn đe đang áp dụng các mức phạt đấy (mức phạt hiện tại), tôi thấy hợp lý.

Nhưng lâu dài phải tính toán đến khi người dân thấm nhuần, khi ý thức, nhận thức được nâng cao, phải điều chỉnh phù hợp với mức thu nhập của người dân, hay tài sản của người dân hiện có".

Cũng theo bà Vân, bây giờ một xe điện cũng chỉ 200 triệu đồng, hay lương của cán bộ cũng mười mấy triệu đồng. Mức phạt cao quá, người dân cũng rất băn khoăn.

Chia sẻ ở góc nhìn khác, độc giả Anh Vũ hiến kế: "Có 3 bước phạt để giảm bớt tai nạn giao thông và răn đe nghiêm khắc đối với những hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông: 

1. Giữ nguyên mức phạt tiền. 

2. Nếu tái phạm, tăng gấp đôi mức phạt, trừ toàn bộ số điểm bằng lái, cấm lái xe trong vòng 3-6 tháng; 

3. Nếu vi phạm lần 3, truy tố phạt tù, tước bằng lái vĩnh viễn".

Theo bạn đọc Anh Ba, song song với xử phạt còn rất nhiều biện pháp khác để nâng cao tinh thần tự giác chấp hành Luật Trật tự an toàn giao thông".

"Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Cái gốc rễ giáo dục con người về đạo đức và nếp sống văn minh ngay từ nhỏ mới là điều cần bàn", độc giả Nguyễn Hữu Sơn gợi mở.

Cho rằng mức phạt hiện tại đã đủ sức răn đe, bạn đọc Nguyễn Quang Vinh kiến nghị: "Vấn đề còn lại là tuyên truyền nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân khi tham gia giao thông. 

Bên cạnh đó cần cải thiện nhanh hệ thống giao thông, tăng nhanh các tiện ích giao thông công cộng. Không nên tăng mức phạt quá cao như vậy".

Sớm sửa chữa những bất cập của biển báo, hệ thống đèn tín hiệu giao thông

Tăng mức phạt vi phạm giao thông không giải quyết căn bản, triệt để tình trạng vi phạm pháp luật giao thông, mà cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Theo đó cần quyết liệt rà soát, khắc phục và tổ chức hệ thống báo hiệu đường bộ hợp lý. Bổ sung biển báo hướng dẫn, kẻ vạch phân chia làn đường, phần đường tại những địa điểm được phản ánh bất cập. Kiểm soát chặt chẽ các loại xe, nhất là tại các thành phố lớn.

Kiên quyết tịch thu những xe cũ nát, hết "đát", gây kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là sửa chữa, khắc phục ngay bất cập của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, khôi phục hoặc mở rộng đồng hồ đếm ngược của đèn tín hiệu giao thông, tạo điều kiện cho người dân chủ động khi lái xe...

ĐỖ VĂN NHÂN

Nhiều băn khoăn với đề xuất tăng phạt vi phạm giao thông đến 200 triệu đồng - Ảnh 2.Đại biểu đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy lên tới 200 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0