
Có ý kiến cho rằng cần trang bị thêm kỹ năng, thiết bị cứu hộ cho lực lượng bảo vệ rừng. Trong ảnh: đàn bò tót ở các khu rừng tại Đồng Nai được bảo tồn và phát triển tốt - Ảnh: Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cung cấp
Ông Lê Việt Dũng, nguyên chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, cho rằng qua vụ việc một nhân viên bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Cát Tiên bị bò tót húc chết cần phải tính toán lại cách bố trí tuần tra và phải trang bị các kỹ năng cho lực lượng bảo vệ rừng.
Nguy hiểm rình rập lực lượng bảo vệ rừng
Theo ông Dũng, đi tuần tra trong rừng phải có ba người theo quy định, và mang đầy đủ trang thiết bị vũ khí quân dụng để tránh hậu quả nghiêm trọng khi bò tót tấn công. Hơn nữa, bò tót không núp để tấn công đột xuất. Các đấu sĩ khi đấu bò tót còn nguy hiểm hơn nhiều, nhưng họ được huấn luyện các kỹ năng nên tránh né rất nhanh.
"Vào rừng không có sóng là đương nhiên, nhưng qua vụ việc nhân viên bảo vệ rừng bị bò tót húc chết, phải tính toán lại việc trang bị kỹ năng và công tác cứu hộ, cứu nạn.
Lực lượng bảo vệ rừng, kiểm lâm luôn đối mặt các nguy cơ tai nạn như lâm tặc, động vật hoang dã tấn công. Cách bố trí tuần tra, cự ly di chuyển lúc tuần tra để khi có sự cố thì có thể gọi truyền hỗ trợ nhau kịp thời để giảm thiểu những rủi ro…", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Thanh Long, phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết không chỉ động vật lớn, công tác tuần rừng còn thường xuyên đối mặt với các mối nguy khác như cây ngã đổ, rắn độc cắn, côn trùng đốt, té ngã do đường rừng trơn trượt, nước cuốn…
Các tuyến đường tuần tra ở trong rừng sâu, dài hàng chục cây số. Nhân viên bảo vệ rừng chủ yếu là đi bộ dọc các đường mòn, địa hình phức tạp. Thậm chí nhiều nơi không có đường mòn, phải cắt rừng để đi, trèo đèo lội suối.
Ngoài những bất trắc nơi hoang dã, cán bộ kiểm lâm còn có thể đối mặt với nguy hiểm khi chạm trán lâm tặc, người săn bắt động vật hoang dã trái phép sẵn sàng chống trả khi bị bắt quả tang.
Thực tế đã có nhiều kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng bị lâm tặc tấn công gây thương tích khi làm nhiệm vụ.
Trang bị kỹ năng, thiết bị cứu hộ cho lực lượng bảo vệ rừng
Trước những nguy hiểm rình rập, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên đã tổ chức các buổi tập huấn sơ cứu, trang bị thuốc men, vật dụng cho lực lượng bảo vệ rừng. Đồng thời lập kế hoạch cụ thể, chi tiết để hạn chế thấp nhất các rủi ro, tai nạn trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng.
"Một chuyến tuần tra dài 20-30km đường rừng. Thông thường, tuần tra rừng đi theo nhóm. Nếu tuần tra dài ngày thì đi theo nhóm 4-5 người, tuần tra trong ngày thì 2-3 người tùy địa bàn từng trạm", ông Long nói.
Các thành viên trong nhóm được trang bị bộ đàm, giữ khoảng cách để có thể hỗ trợ nhau khi cần thiết. Tuy nhiên trong rừng nhiều khu vực không có sóng, bộ đàm chỉ hạn chế trong bán kính 2 cây số nên liên lạc gặp nhiều khó khăn.
Trong trường hợp của anh Đinh Văn Kiên - người bị bò tót tấn công khi làm nhiệm vụ - đã được anh Đặng Thái Sơn đến hỗ trợ ngay. Song do vết thương quá nặng, anh Kiên tử vong.
Ông Long kiến nghị: "Cần tính toán, trang bị thêm bộ đàm vệ tinh, lắp đặt thêm các trụ phát sóng. Thậm chí có thể tính toán đến phương án sử dụng trực thăng cứu nạn để tiếp cận nhanh người gặp nạn, tăng cơ hội sống sót cho họ…".

Tuần tra bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm thường xuyên đối mặt với các mối nguy, nhất là các loài thú lớn như voi rừng, bò tót - Ảnh: Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cung cấp
Phải "sống chung" với động vật hoang dã
Sau sự cố bò tót húc chết người trong Vườn quốc gia Cát Tiên, câu hỏi đặt ra là có phải chuyện sinh cảnh sống và dân sống trong rừng ảnh hưởng đến "tâm tính" các loài động vật hoang dã?
Ông Lê Việt Dũng cho rằng có một thời gian săn bắn quá nhiều, nhưng sau này pháp luật thực thi tốt hơn, ý thức bảo vệ động vật hoang dã đã tốt hơn. Vì vậy, sinh cảnh cho các loài động vật hoang dã rất tốt. Riêng ở khu rừng trên địa bàn Đồng Nai đã phát triển vài trăm con bò tót quý hiếm.
Còn việc dân ở trong rừng, ông Dũng nói đó là câu chuyện lịch sử để lại. Ngay ở các nước phát triển đều có quan điểm "sống chung" với động vật hoang dã. Con người bảo vệ động vật hoang dã và động vật hoang dã cũng đang bảo vệ môi trường sống cho mình, vì nó là chuỗi thức ăn để cân bằng sinh thái. Không có giải pháp riêng biệt, tách rời. "Sống chung" và con người không được gây nguy hiểm cho động vật hoang dã.
Theo ông Dũng, "sống chung" với động vật hoang dã nhưng phải hiểu đặc tính sinh thái học của động vật để ứng xử phù hợp. Như phải biết con bò tót ghét màu đỏ, con voi ghét màu trắng…
Bên cạnh đó phải rà soát những hố nước, giếng, hào sâu trong rừng gây nguy hiểm cho động vật để rào, khoanh lại, không thể cho rằng nơi không có người vào lại không khoanh lại.
"Như chuyện voi con rơi xuống giếng ở Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai không phải xảy ra lần đầu. Xảy ra những việc như vậy, người làm bảo tồn xót lắm", ông Dũng chia sẻ.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, ngày 3-5, anh Đinh Văn Kiên (43 tuổi), nhân viên bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên, đi tuần tra rừng đã tử nạn sau khi bị bò tót tấn công.
Theo báo cáo của vườn, sáng cùng ngày, lãnh đạo Trạm kiểm lâm Đà Lắc thuộc Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên phân công hai anh Đặng Thái Sơn và Đinh Văn Kiên là nhân viên bảo vệ rừng đi kiểm tra rừng.
Anh Đặng Thái Sơn, Đinh Văn Kiên đến khu vực tiểu khu số 6 và chia nhau đi bộ để tuần tra. Khi anh đi được vài chục mét thì bị bò tót húc vào bụng với vết thương rất nặng. Anh Kiên được anh Sơn sơ cứu và gọi điện cho đồng đội hỗ trợ đưa anh Kiên đi cấp cứu, nhưng do mất nhiều máu, anh Kiên đã tử vong.
BÌNH LUẬN HAY