
Nhà chờ của ga Hatsushima sẽ mở cửa sử dụng vào tháng 7-2025 - Ảnh: Dezeen
Công trình được xây dựng trong khoảng thời gian giữa chuyến tàu cuối cùng và chuyến tàu đầu tiên, tạp chí kiến trúc Dezeen (Anh) cho biết.
Hợp tác với JR West Japan Group và studio kiến trúc Nhật Bản Neuob, Serendix đã tạo ra một nhà ga in 3D có mái vòm cho ga Hatsushima, thay thế công trình bằng gỗ được xây dựng vào năm 1948.
Là "nhà ga in 3D đầu tiên trên thế giới", theo Serendix, công trình được xây dựng từ bốn thành phần được in 3D trong nhà máy và lắp ráp tại ga Hatsushima, thành phố Arida, tỉnh Wakayama trong vòng chưa đầy 6 giờ.

Nhà ga được xây dựng trong vòng chưa đầy 6 giờ - Ảnh: Dezeen
Nhà chờ và nhà ga Hatsushima xây dựng gần tuyến đường sắt Kisei thường được thực hiện vào ban đêm khi tàu không chạy, dẫn đến thời gian xây dựng thường kéo dài.
Tại ga Hatsushima, Serendix đã xây dựng nơi trú ẩn và nền móng trong khung thời gian 6 giờ, giữa chuyến tàu cuối cùng và chuyến tàu đầu tiên vào sáng hôm sau.
Công trình được làm từ bốn bộ phận đúc sẵn: mái nhà, tường sau và hai góc tạo thành tường bên và sàn được làm trong bảy ngày tại nhà máy.
Một cánh tay robot và vòi phun in 3D vỏ của bốn bộ phận trong vữa được thiết kế đặc biệt, khô nhanh hơn vữa thông thường.
Sau đó cốt thép và bê tông được đổ vào các bộ phận in 3D để tăng cường độ cứng của chúng.
Theo Serendix, bốn thành phần được lắp ráp tại địa điểm nhà ga xe lửa trong khoảng 2 giờ. Sau đó các thanh kim loại được đưa vào các lỗ có sẵn và thêm chất kết dính để cố định cấu trúc.

Bức phù điêu quả quýt, đặc sản của địa phương, nổi bật ở bên ngoài nhà ga - Ảnh: Dezeen
Nhà chờ của trạm Hatsushima có chiều rộng 6,3m, chiều sâu 2,1m và mái vòm cao 2,6m.
Bức tường phía sau có thiết kế hình quả quýt in 3D ở một mặt và hình con cá mú ở mặt còn lại, tượng trưng cho sản phẩm phổ biến của Arida.
"Thiết kế bo tròn tốn kém và khó thực hiện với kết cấu bê tông sử dụng ván khuôn", nhà sáng lập Neuob Hiroshi Ota nói với Dezeen. "Chúng tôi đã chọn hình dạng cong, mềm mại để tận dụng lợi ích này".
"Hơn nữa, để phản ánh đặc điểm bản địa, chúng tôi đã thể hiện các đặc sản địa phương, quýt và cá mú, dưới dạng phù điêu, đây là một đặc điểm khác chỉ có thể thực hiện được bằng công nghệ in 3D".

Nhà ga được tạo thành từ bốn khối rỗng được đổ đầy bê tông - Ảnh: Dezeen
Nhà ga được tạo thành từ bốn khối rỗng được đổ đầy bê tông, bốn thành phần in 3D được in theo chiều dọc thay vì chiều ngang, tạo ra sự tích tụ các lớp in tạo thành hoa văn sọc dọc.
"Kiến trúc in 3D thường có lớp nằm ngang, nhưng trong trường hợp này, chúng tôi đã tiến hành các nghiên cứu kỹ thuật sâu rộng để xoay sản phẩm đầu ra 90 độ sau khi in, tạo ra lớp nằm dọc", Serendix chia sẻ.
"Điều này làm giảm khả năng nhìn thấy vệt nước mưa và cải thiện cho việc bảo trì lâu dài của công trình".
Nhà ga sẽ mở cửa sử dụng vào tháng 7-2025, sau khi hoàn thành các công trình bên ngoài và lắp đặt cổng soát vé.

Các bộ phận in 3D được in theo chiều dọc - Ảnh: Dezeen
Serendix hy vọng có thể xây dựng thêm nhiều nhà ga in 3D như nhà ga Hatsushima trong tương lai, với lý do thời gian xây dựng ngắn giúp tiết kiệm chi phí.
"Thông thường, việc xây dựng một nhà ga có cùng kích thước bằng bê tông cốt thép sẽ mất một đến hai tháng", Serendix cho biết.
"Ngoài ra, tại Nhật Bản ngành xây dựng đang thiếu hụt đáng kể lao động, dẫn đến chi phí lao động tăng cao và khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự xây dựng".
"Mặc dù nhà ga in 3D được làm bằng bê tông chắc chắn và bền bỉ, nhưng việc lắp ráp kết cấu chỉ mất hai giờ. Tốc độ này cho phép xây dựng nhà ga với số lượng lớn và giá cả phải chăng hơn".
BÌNH LUẬN HAY