
Đoàn các nhà báo trong chuyến về nguồn đang nghe thuyết trình về quá trình dạy học của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường Dục Thanh (Phan Thiết - Lâm Đồng), ngày 11-7 - Ảnh: MỸ DUNG
Ngày 11-7, Hội Nhà báo TP.HCM và Ban tổ chức Cuộc thi viết về giáo dục năm 2024 bắt đầu chương trình về nguồn trong 3 ngày, từ 11 đến 13-7, với chủ đề "Ngòi bút nhà báo - Từ truyền thống đến tương lai số" cho các nhà báo đoạt giải Cuộc thi viết về giáo dục năm 2024.
Theo đó trong ba ngày về nguồn, các nhà báo sẽ có nhiều hoạt động tham quan, giao lưu, tọa đàm với chủ đề trên tại một số địa danh nổi tiếng của Phan Thiết (tỉnh Lâm Đồng) và Khánh Hòa.
Trong đó ngày đầu tiên, các nhà báo sẽ tham quan di tích Trường Dục Thanh (Phan Thiết, tỉnh Lâm Đồng) để tìm hiểu về không gian nơi Bác Hồ - Người thầy, nhà báo, nhà cách mạng lỗi lạc - từng sống và giảng dạy vào năm 1910, giao lưu tìm hiểu về "Hành trình Người thầy vĩ đại", "Theo dấu Người xưa soi sáng hôm nay".
Những ngày sau, các nhà báo sẽ cùng nhau thảo luận, tọa đàm, chia sẻ về nghề báo trong bối cảnh tương lai số.

Các nhà báo trong chuyến về nguồn tại Trường Dục Thanh - Ảnh: BAN TỔ CHỨC
Chia sẻ về mục đích chuyến đi, nhà báo Trần Văn Mạnh - phó tổng biên tập tạp chí Giáo Dục TP.HCM, chủ nhiệm CLB Phóng viên Giáo dục - cho biết chuyến đi về nguồn dành cho các nhà báo đoạt giải báo chí viết về giáo dục năm 2024 không chỉ là cơ hội để tôn vinh những nhà báo có đóng góp nổi bật trong truyền thông giáo dục, mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội.
"Trở về những địa danh lịch sử, nơi hun đúc tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng là dịp để mỗi phóng viên lắng lại, suy ngẫm về vai trò của mình trong dòng chảy thông tin và giáo dục. Đây cũng là cách chúng tôi tiếp nối truyền thống, bồi đắp đạo đức nghề báo, để từ đó có thêm cảm hứng sáng tạo nên những tác phẩm báo chí hay, chất lượng", ông Mạnh chia sẻ.

Nhà báo Mỹ Dung, báo Tuổi Trẻ (bìa phải) và nhà báo Yến Hoa - tạp chí Giáo Dục TP.HCM trong khuôn viên Trường Dục Thanh, ngày 11-7 - Ảnh: BAN TỔ CHỨC
Biểu dương hoạt động về nguồn của Câu lạc bộ Phóng viên giáo dục, theo nhà báo Nguyễn Tấn Phong - chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, đây là hoạt động có ý nghĩa, không chỉ giúp người làm báo mảng giáo dục thành phố gắn kết, giao lưu, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý tưởng chính trị mà còn đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Chuyến đi dành cho những phóng viên đoạt giải trong Cuộc thi viết về giáo dục 2024 chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà báo, tạo động lực cho mỗi nhà báo thêm nỗ lực phấn đấu.
Năm 2024, báo Tuổi Trẻ có 2 tác phẩm đoạt giải báo chí viết về giáo dục, gồm 1 giải nhất và 1 giải ba.
"Tôi đánh giá rất cao hoạt động này của Hội Nhà báo TP.HCM. Điều này thể hiện sự năng động, tích cực và hoạt động sôi nổi của đội ngũ những người làm báo tại TP.HCM.
Tôi mong rằng thời gian tới, đội ngũ những người làm báo tại TP.HCM sẽ ngày càng trau dồi phẩm chất đạo đức, rèn ngòi bút, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ công nghệ hiện đại, áp dụng công nghệ hiện đại trong tác nghiệp báo chí để thúc đẩy báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng".
Ông Phạm Quý Trọng - phó vụ trưởng Vụ Địa phương 3 - Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương
BÌNH LUẬN HAY