
Ông Hồ Nhân tham gia quá trình nghiên cứu vắc xin Nanocovax - Ảnh: DN
Ông Nhân còn được biết là một trong những doanh nhân tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại Việt Nam, gắn liền với hành trình nghiên cứu phát triển vắc xin Nanocovax - một trong những dự án nghiên cứu vắc xin COVID-19 tại Việt Nam trong thời điểm đại dịch bùng phát.
Nghiên cứu vắc xin Việt Nam
Giữa năm 2020, khi dịch COVID-19 còn chưa "điểm mặt, gọi tên", một số hãng dược phẩm lớn trên thế giới tuyên bố bắt tay vào phát triển vắc xin ngừa bệnh. Tại Việt Nam có bốn nhà sản xuất vắc xin cũng tuyên bố tham gia hành trình này, trong đó có Công ty Nanogen.
Chỉ một năm sau, 2/4 đơn vị kể trên có vắc xin ở giai đoạn thử nghiệm trên người, trong đó có Nanocovax của Công ty Nanogen bước vào giai đoạn 3 thử nghiệm trên người. Vắc xin Nanocovax phát triển bằng công nghệ tái tổ hợp protein - một công nghệ khá mới so với mặt bằng sản xuất vắc xin ở Việt Nam.
Cuối năm 2020, Bộ Y tế cho phép Nanocovax triển khai thử nghiệm trên người. Ngày 17-12-2020, vắc xin này bắt đầu đợt tiêm thử nghiệm đầu tiên với ba người tình nguyện. Đến tháng 7-2021 bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3b với 12.000 người tham gia.
Đến ngày 29-8-2021, cuộc họp đánh giá thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax lần thứ 2 của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh cho biết qua theo dõi bảy ngày sau tiêm mũi 1 của 11.430 người tình nguyện và bảy ngày sau tiêm mũi 2 của 5.785 người tình nguyện, Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn trong ngắn hạn tính đến thời điểm này.
Tại thời điểm đó, một đại diện của Công ty Nanogen khẳng định cho đến nay ở Việt Nam chưa một công ty tư nhân nào nghiên cứu một loại vắc xin có số mẫu thử trên 13.000 người, đặc biệt đây lại là vắc xin phòng COVID-19.
Trong suốt hai năm (khoảng 16 tháng), các giai đoạn thử nghiệm công ty đều phải cung cấp các bằng chứng khoa học để thuyết phục tất cả các thành viên của Hội đồng đạo đức. Và nếu được phê duyệt, Nanogen có thể sản xuất 10 triệu liều/tháng, dự kiến đến tháng 1-2022 công suất sẽ được nâng cấp lên đạt khoảng 30 triệu liều/tháng.
Với những tình nguyện viên sau khi đăng ký tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax đều mong rằng vắc xin sẽ sớm được nhanh chóng đưa vào sử dụng, khẳng định được năng lực của ngành y tế Việt Nam.
"Khi đó, vào thời điểm dịch căng thẳng, tôi đã tình nguyện tiêm vắc xin Nanocovax với mong muốn bảo vệ sức khỏe và hy vọng vắc xin sớm được tiêm phổ biến cho người dân, khống chế được dịch.
Sau khi tiêm xong, tôi có đi kiểm tra nồng độ kháng thể, kết quả vắc xin có kháng thể cao không thua gì so với một số vắc xin thịnh hành được tiêm cho người dân vào thời điểm đó" - một tình nguyện viên vắc xin Nanocovax tại TP.HCM chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Đóng góp to lớn
Cũng trong tháng 6-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Khu công nghệ cao TP.HCM), sau khi công ty kiến nghị cấp phép khẩn cấp vắc xin Nanocovax.
Việc sản xuất được vắc xin trong nước, theo Thủ tướng, sẽ đồng thời giảm giá thành vận chuyển và sẽ hoàn toàn chủ động.
Theo ông, để có vắc xin phải đi bằng nhiều hướng và không chỉ là vắc xin ngừa COVID-19 mà còn nhiều loại vắc xin khác.
Ông Hồ Nhân cho biết vắc xin Nanocovax là loại 1 trong 15 loại vắc xin của 15 quốc gia vào lâm sàng giai đoạn 3, với công nghệ do công ty nghiên cứu làm chủ. Năng lực sản xuất hiện có thể đạt 8 - 12 triệu liều/tháng và có thể đạt tới 30 - 50 triệu liều/tháng với giá bán là 120.000 đồng, "thấp nhất thế giới" và giá này không thay đổi.
Đến cuối năm 2021, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã chấp thuận hiệu lực bảo vệ của Nanocovax, qua thử nghiệm giai đoạn 2 và 3, nhóm nghiên cứu đánh giá hiệu lực bảo vệ khỏi diễn biến nặng của vắc xin là 92%, hiệu lực bảo vệ khỏi tử vong là 100%, mở đường cho việc xem xét cấp phép lưu hành.
Đến tháng 2-2022, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 1027/PCP-KGVX gửi Bộ Y tế về việc cấp phép lưu hành vắc xin Nanocovax. Thông báo này yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xem xét xử lý đề nghị cấp phép lưu hành vắc xin Nanocovax theo đúng quy định, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Tuy nhiên kể từ thời điểm đó đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về việc cấp phép lưu hành vắc xin Nanocovax.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ học và sinh học phân tử cho rằng dự án vắc xin Nanocovax là tâm huyết lớn của ông Hồ Nhân.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 đang căng thẳng, việc doanh nghiệp tư nhân tiên phong sản xuất vắc xin trong nước như Nanocovax là rất đáng hoan nghênh. Thực tế qua các lần thử nghiệm với số lượng người tham gia lớn đã cho thấy được mức độ an toàn khi tiêm trên người.
Điều đặc biệt là vắc xin Nanocovax đã sử dụng công nghệ tiên tiến là tái tổ hợp protein. Đây là công nghệ mới rất ít nước trên thế giới có thể làm được mà đem lại độ an toàn cao cho người tiêm, ít để lại hệ lụy. Để làm được công nghệ này không hề đơn giản.
"Dù vắc xin chưa được cấp phép lưu hành nhưng việc tiên phong nghiên cứu loại vắc xin nội trong đại dịch là một nỗ lực và đóng góp rất to lớn của ông Hồ Nhân", vị chuyên gia này bày tỏ.
Tiên phong trong sản xuất công nghiệp dược
Tiến sĩ Hồ Nhân sinh năm 1966 tại TP Thủ Đức (TP.HCM). Ông là người có nền tảng học thuật vững chắc với học vị tiến sĩ tại Đại học Arizona (Mỹ).
Với tâm nguyện đóng góp cho quê hương, ông trở về Việt Nam năm 2006 khởi đầu hành trình xây dựng nền tảng khoa học công nghệ sinh học dược hiện đại và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, dưới sự dẫn dắt của ông với cương vị chủ tịch hội đồng quản trị, đã trở thành một trong những công ty tiên phong trong sản xuất công nghệ sinh học dược tại Việt Nam.
Đáng nói, ngoài việc tiên phong nghiên cứu sản xuất vắc xin Nanocovax, năm 2010 ông Hồ Nhân đã đưa thuốc Pegnano trị viêm gan siêu vi B và C do Công ty Nanogen sản xuất chính thức ra thị trường tiêu thụ.
Việc sản xuất Pegnano với giá rẻ hơn giá thuốc nước ngoài (khi đến tay người bệnh, tùy theo loại giá thuốc Pegnano 1,5-1,9 triệu đồng/liều 180mcg) giúp người dân thuộc các thành phần thu nhập thấp trong xã hội có được thuốc để điều trị, ngăn ngừa lây nhiễm bệnh viêm gan trong cộng đồng.
BÌNH LUẬN HAY