
Ông Hùng là một trong những người rất hiếm hoi còn theo nghề bơm gas hộp quẹt - Ảnh: QUỲNH QUỲNH
Ông là Trần Thế Hùng (61 tuổi, xã Củ Chi, TP.HCM) có lẽ cũng là "ngọn lửa" chập chờn cuối cùng còn theo cái nghề sửa, bơm gas hộp quẹt xưa lắc xưa lơ tại TP phồn hoa này.
Giữ lửa và giữ cả ký ức
Trời hửng sáng, lùa xong chén cơm nguội vợ nấu từ đêm trước, ông Hùng cùng chiếc xe đạp cũ kỹ bắt đầu rong ruổi khắp các nẻo đường Củ Chi.
Đằng sau ba ga là chiếc hộp gỗ sờn màu thời gian đựng đồ nghề lặt vặt như bình gas mini, cây dùi, cây nạy tự chế từ muỗng và mớ linh kiện thay sửa hộp quẹt hư...
"Bơm quẹt gas đây...Ai bơm quẹt gas hông", tiếng rao khàn khàn của ông vang đều đặn trên con đường vắng xe ở ngoại ô. Nhiều người đi ngang tò mò, ngoái nhìn ông lão với món nghề "ngồ ngộ". Bọn trẻ con trong xóm cũng tròn xoe mắt hỏi người lớn khi thấy ông qua.

Ông Hùng cùng chiếc xe đạp rong ruổi khắp ngõ ngách Củ Chi
Dáng người gầy gò, ông có ngày đạp đến tận Bến Cát (Bình Dương cũ) và qua cả Hóc Môn... Ông nói chỗ nào càng xa càng dễ có khách bởi ở đó bà con còn nấu cơm bằng củi nên cần bơm gas hộp quẹt nhiều.
Thấy khách cầm hộp quẹt ra vẫy, ông tấp xe vô lề, ngắm nghía chiếc hộp quẹt khách vừa đưa: "Bánh xe sét rồi. Để tui thay cho, vẫn 10.000 đồng cả tiền gas, đá lửa thôi, cái này tui thay giùm".
Nói đoạn ông Hùng lấy ra cọng dây kẽm, chuẩn bị thực hiện kỹ thuật "có một không hai" ông tự chế ra.
Hơ nóng dây, ông tỉ mỉ xuyên lớp nhựa cứng dưới đáy hộp quẹt đặng bơm gas vào. Nhắm chừng đầy gas, ông dùng tay chặn lỗ lại. Rồi làm lại loạt thao tác như ban đầu, chiếc hộp quẹt đã được bơm đầy gas vẫn an toàn, thẩm mỹ.
Nhìn ông bơm mỗi chiếc chỉ 1-2 phút chứ hổng dễ ăn chút nào.
"Trời ơi khó chứ! Dễ vậy người ta làm hết cần gì tới bọn tui. Tại nó tẩn mẩn tỉ mỉ như sửa đồng hồ, cái gì cũng chút xíu. Tôi chỉ biết bao người luôn. Làm đồ nghề cho họ rồi dặn cứ làm y vậy. Nhưng mà người ta bơm đâu được", ông Hùng nói.
Nhớ thời "bái sư" học nghề, ông Hùng cũng loay hoay mấy bận khi gặp hộp quẹt "dùng lần rồi vứt" của mấy hãng nước ngoài. Nhất là khâu thay đá cho hộp quẹt, cứ nhét ra nhét vào mãi không vừa.
Chìa ra mớ hộp quẹt cũ, ông nói tựu trung có ba loại. Loại dễ nhất có thể bơm trực tiếp. Hai loại còn lại khó hơn, phải mở phần đầu, đặc biệt hộp quẹt dùng một lần hay hột quẹt "xí ngầu" ông phải chế cây dùi tạo lỗ bơm vào.
Rời nhà từ sáng sớm, đến giờ đã 4-5 tiếng đạp xe liên tục nhưng thu nhập của ông lão theo nghề "bán lửa" mới vỏn vẹn 30.000 đồng.
Ông dừng xe, cởi chiếc nón tai bèo đã ngả màu lau mồ hôi trên trán: "Già cả rồi, đạp xe riết giò cẳng yếu, bữa nào đau lắm tôi mới ở nhà chứ không đau hoặc đau ít tôi cũng đi. Mình kiếm tiền mình vui mà người ta có lửa người ta vui nữa. Nói chung đi bán lửa cho đời".

Nhiều hộp quẹt đã hư hỏng nặng, ông Hùng vẫn sửa lại tốt
Người "bán lửa" cuối cùng
Nhớ về những năm 1980 khi nghề bơm gas hộp quẹt vẫn còn "ăn nên làm ra" người "bán lửa" như ông Hùng chẳng cần đi xa, ngược lại còn được săn đón.
"Hồi đó bơm cái hộp quẹt chỉ có ít đồng thôi. Sáng ra ngồi cà phê người ta bu lại, gom hết hộp quẹt cho mình bơm. Chẳng cần phải đi đâu cũng kiếm được mớ", ông cười kể.
Là chứng nhân sống, ông cảm nhận rõ quá trình mai một của nghề bơm hộp quẹt gas tại TP.HCM.
"Hồi quẹt gas mới ra, người ta theo nghề nhiều lắm. Riết rồi cái nghề mai một, nhiều người nhảy qua làm công nhân, bảo vệ. Còn tui từ ngày sức khỏe yếu, không làm được gì khác nên theo riết tới giờ", ông Hùng chia sẻ.
Người "bán lửa" bỏ nghề, người "mua lửa" cũng rơi rụng dần khi người ta xài bếp gas, bếp điện. Nhiều ông lão hút thuốc rê từng là mối ruột của ông Hùng, cứ ba tháng bơm quẹt một lần tới nay cũng không còn.
"Mấy ông khách già cả đó đi rồi, còn ai bơm nhiều nữa đâu, chắc cũng sắp tới lượt tui rồi", ông Hùng nửa đùa nửa thật.

Dù tuổi cao, ông Hùng vẫn hằng ngày đạp xe đi bơm gas hộp quẹt
Có hôm trời mưa ông vẫn đội áo mưa, đạp xe rao mời mong kiếm đủ tiền mua đồ ăn cho vợ chồng già mới chịu về.
"Cái nghề này vô chừng lắm. Nhiều hôm đi xa như phơi nắng ăn tiền. Hôm được thì bảy tám chục, mấy hôm vắng ba bốn chục. Đủ thì không đủ, thiếu cũng không thiếu. Cứ lửa đi tới đâu là có tiền tới đó", ông Hùng bộc bạch.
Thời cuộc đổi thay, đến nay người bơm quẹt gas như ông Hùng gần như "mất tích" dù chiếc hộp quẹt vẫn còn gắn bó với đời sống người dân. Chính vì kinh tế được cải thiện, dần dà người ta cũng lười sống theo kiểu "cái gì hư thì đem đi sửa".
"Thay đổi nhiều lắm. Xưa đi bơm về muộn là toàn thấy đèn dầu, giờ đèn điện rồi đường trải nhựa sáng trưng thành ra người ta ít cần đến mình", vừa nói đôi mắt ông Hùng như sâu thêm...
Bơm gas để giữ hộp quẹt kỷ niệm

Bộ đồ nghề bơm gas hộp quẹt nhiều món có tuổi đời hàng chục năm
Nhớ thời chiếc hộp quẹt chỉ có giá vài ngàn đồng, bà Nguyễn Thị Tuyết (41 tuổi), khách quen cũng là hàng xóm của ông Hùng, kể lại kỷ niệm ngồi ngóng ông lão đi qua để bơm quẹt gas.
"Thấy ổng vất vả đạp xe trưa nắng thương quá nên mẹ con gom liền 3-4 cái hộp quẹt cho ổng bơm thử. Bơm xong xài lâu lắc mới hết nên tui khoái tới giờ", bà Tuyết nói nhà giờ vẫn nhóm bếp củi nên hễ quẹt hết gas sẽ để dành đó bơm chứ không mua cái mới.
Bà Tuyết cho biết mua cái mới giờ gần như ngang giá bơm lại nhưng khi bơm ông Hùng còn thay cả đá mới to hơn vì thế hộp quẹt dùng được lâu hơn.
Có một số khách đặc biệt còn tìm đến ông Hùng đặng giữ cho được chiếc hộp quẹt kỷ niệm. Thay đá, lắp bánh xe, bơm đầy gas... ông Hùng hồi sinh chiếc hộp quẹt cũ kỹ để rồi chúng lại một lần nữa đỏ lửa trên tay chủ nhân.
BÌNH LUẬN HAY