15/06/2008 07:46 GMT+7

Nghẹn ngào tiễn biệt Chú Sáu Dân

Đ.ĐẠI - Y.TRINH - P.VŨ 
Đ.ĐẠI - Y.TRINH - P.VŨ 

TT - 9 giờ sáng nay (15-6), lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM (Đài truyền hình và Đài Tiếng nói VN tường thuật trực tiếp), sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang TP.HCM. Mới tờ mờ sáng 14-6, trước hội trường Thống Nhất đã có rất đông người đến chờ viếng chú Sáu Dân - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

UYwsKBia.jpgPhóng to
Đông đảo nhân dân tỉnh Vĩnh Long viếng lễ tang nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt tại trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: H.T.VÂN
TT - 9 giờ sáng nay (15-6), lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM (Đài truyền hình và Đài Tiếng nói VN tường thuật trực tiếp), sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang TP.HCM. Mới tờ mờ sáng 14-6, trước hội trường Thống Nhất đã có rất đông người đến chờ viếng chú Sáu Dân - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Hiếm hoi như hôm nay Sài Gòn mới có một ngày hanh hanh dìu dịu... 8 giờ sáng, lễ viếng được cử hành trọng thể.

Đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh dẫn đầu bắt đầu lễ viếng. Trong tiếng nhạc trầm buồn da diết, đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước đã kính cẩn nghiêng mình trước linh cữu đồng chí Võ Văn Kiệt, "nhà lãnh đạo xuất sắc, người đảng viên cộng sản mẫu mực, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, trọn cuộc đời chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc", như Tổng bí thư Nông Đức Mạnh viết trong sổ tang.

Tiếc thương và mạnh mẽ

0dHO1PzW.jpgPhóng to Mxr4f0Jv.jpg
Hàng vạn người đến viếng linh cữu nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM (ảnh trái) - Ảnh: T.T.D. Từ trái qua: nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên tổng bí thư Đỗ Mười, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu thắp hương viếng nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: T.T.D

Hội trường Thống Nhất tràn ngập dòng người lễ phục đen, ai nấy nghiêm cẩn xếp hàng từ cổng vào đại sảnh, nhích từng bước một đợi đến lượt viếng. Từ trong phòng đặt linh cữu bước ra, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… thân thiết thăm hỏi những đồng chí, đồng đội lâu ngày gặp lại. Đi lại rất khó khăn, có người dìu hoặc đẩy xe lăn nhưng các vị lãnh đạo lão thành Đỗ Mười, Lê Đức Anh,… vẫn đến từ rất sớm. Nguyên bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Hương đau đớn: "Nghe tin anh ra đi tôi thật sự bàng hoàng. Tôi không nghĩ anh ra đi trước tôi vì anh rất phong độ”.

9X8HioqP.jpgPhóng to
Chia buồn cùng giáo sư Phan Lương Cầm, phu nhân nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: T.T.D
Tràn ngập sự tiếc thương. Ở mọi nơi, sau những cái nắm tay, những người đến viếng ôn lại kỷ niệm về ông, người ta hay gọi là chú Sáu Dân hơn là Võ Văn Kiệt. Bà Phạm Phương Thảo, chủ tịch HĐND TP.HCM, nghẹn ngào trước cuốn sổ tang. Và sau rất lâu, bà trải lòng bằng cảm xúc mạnh mẽ: "Cháu học ở chú phong cách gần dân, nắm bắt thực tiễn, biết khai thác và lắng nghe từ mạch nguồn cuộc sống; biết rung động, chia sẻ trước những cuộc đời, những số phận…". Bà Hằng Nga, chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, xúc động: "Chú mất đi là chúng con mất đi một điểm tựa, một người chỉ lối đưa đường, động viên, khích lệ". Cùng với sự tiếc thương, ai ai cũng tâm sự như một lời tuyên thệ.

Ở một góc xa, sau khi viếng chú Sáu Dân, giáo sư - bác sĩ Trần Đông A lặng lẽ ngồi một mình. Rồi ông trầm tư nói: "Chú Sáu Dân chính là người khơi mạch nguồn cho những người trí thức, biết sử dụng và tôn trọng họ để họ đóng góp không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng sau 1975". Chính ông - như ông tâm sự - đã từng có nhiều cơ hội ở lại nước ngoài nhưng ông vẫn quay về, "vì chúng tôi mắc nợ chú Sáu Dân nhiều, cho tới bây giờ". Hai ngày qua, rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đến viếng có tâm trạng như ông Trần Đông A.

Thế hệ tiếp nối

cHyLbDoE.jpgPhóng to
Đông đảo người dân đến viếng chú Sáu Dân sáng 14-6 - Ảnh: Y.TRINH
Giữa những dòng người, có một nhóm mặc áo xanh rất trẻ. Một bạn tên Thảo cho biết: "Chúng em là SV năm 1 Trường ĐH Kinh tế. Nghe tin bác Võ Văn Kiệt mất, em nhắn cho các bạn: ai muốn đi viếng một người đã lo cho nước mình thì sáng đến trường cùng đi". Cả nhóm cùng mua một bó hoa hồng trắng viếng chú Sáu.

Một lát, một đoàn những cô, những bà mái tóc hoa râm, bạc trắng với bộ đồ bà ba đen, khăn rằn vắt vai xếp hàng dọc đi đến, mọi người nhận ra ngay đoàn nữ cựu tù chính trị.

Trong đoàn của các cô, chúng tôi nhận ra một người quen cũ: ông André Mendras, người thanh niên Pháp đã treo cờ giải phóng ngay Công trường Lam Sơn trước hạ nghị viện Sài Gòn năm nào. Ông André gật đầu dí dỏm bằng tiếng Việt: "Tôi cũng là người dân tộc Tà Ru (tù ra) mà. Hôm qua nghe tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất, thấy buồn lắm. Tối mấy chị gọi điện bảo sáng nay đi viếng, tôi mừng lắm, nếu không thì không biết phải thắp nhang cho ông ở đâu. Từ lâu, tôi đã biết ông Võ Văn Kiệt là một người làm được nhiều việc cho đất nước VN, ông là người có những tư tưởng rất mới, rất cởi mở. Năm ngoái, tôi được gặp ông Sáu Dân và cùng ăn một bữa bánh xèo rất ngon, rất vui ở Vĩnh Long. Tôi rất ngưỡng mộ ông". Lát sau, ghi trong sổ tang, André ký tên: Hồ Cương Quyết.

Sáng nay 15-6, lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt được cử hành trọng thể tại hội trường Thống Nhất lúc 9 giờ. Sau đó, linh cữu được đưa đi an táng tại nghĩa trang thành phố.

Trích sổ tang nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt:

* Anh - một tầm nhìn chiến lược, một tư tưởng lớn, một tấm lòng bao dung, một tính cách tự tin, quyết đoán... Một tính cách Võ Văn Kiệt.

* Việt Nam sẽ luôn tự hào về Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người Thủ tướng đầy bản lĩnh, hành động, quyết đoán và chịu trách nhiệm rất cao.

* Đồng chí Võ Văn Kiệt - anh Sáu Dân - người cộng sản kiên cường, người lãnh đạo tài năng giàu nghị lực và bản lĩnh quyết đoán, người đã có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.

"Công ơn anh không bút mực nào tả xiết…"

Gq2oPHTP.jpgPhóng to
Một người dân tiếc thương chú Sáu Dân - Ảnh: Y.TRINH
HÀ NỘI - Từ sáng sớm 14-6, nhiều đoàn đại biểu các bộ, ban ngành, đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nước đã có mặt tại Trung tâm hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong (Hà Nội) để viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Vào viếng đầu tiên là Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Ghi vào sổ tang, ông Trọng xúc động: "Anh Sáu ơi, anh ra đi quá đột ngột. Anh đã để lại trong lòng nhân dân VN và bạn bè quốc tế những ấn tượng vô cùng tốt đẹp, để lại cho đời nhiều công trình vĩ đại. Công ơn anh không bút mực nào tả xiết…". Đến viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Chiền cùng nhiều vị nguyên là lãnh đạo cao cấp của Nhà nước. Ngoài ra, đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương, đại sứ quán các nước tại Hà Nội đã đến viếng trong buổi sáng 14-6.

-------------

Hãy đặt tên Võ Văn Kiệt cho đại lộ đông - tây

* Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn Nguyễn Hồng Phong đề nghị đặt tên Võ Văn Kiệt cho đại lộ đông - tây (Tuổi Trẻ 14-6). Một ý kiến rất hay và ý nghĩa. Mong các nhà chức trách xem xét.

* Tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét việc đặt tên đại lộ Võ Văn Kiệt cho đại lộ đông - tây như có ý kiến đề xuất. Nói về sự đổi mới của TP.HCM, phía Nam Sài Gòn đã có đại lộ Nguyễn Văn Linh. Vậy thì huyết mạch của TP.HCM phải là đại lộ Võ Văn Kiệt để ghi nhớ công lao của ông đối với thành phố này. Rất xứng đáng! Tôi nghĩ nhân dân Sài Gòn sẽ đồng ý để đại lộ lớn đó mang tên Võ Văn Kiệt.

* Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có một đời cống hiến cho đất nước và nhất là TP.HCM. Hãy đặt tên đại lộ đông - tây là đại lộ Võ Văn Kiệt, vì những cống hiến của ông Sáu Dân cho TP.HCM cũng to lớn và trải dài như đại lộ đông - tây.

* Mong UBND TP.HCM đồng ý với đề xuất đặt tên Võ Văn Kiệt cho đại lộ đông - tây. Đông đảo người dân sẽ rất đồng tình với đề xuất này.

* Là một công dân của TP.HCM, tôi mong một ngày gần nhất sẽ được đi qua con đường lớn mang tên Võ Văn Kiệt. Đó là con đường lớn và đẹp của TP.HCM, như công sức của ông đã dành cho thành phố này dù đây không phải là quê quán của ông.

* Hãy đặt tên cho đại lộ đông - tây là đại lộ Võ Văn Kiệt. Đó là ý kiến rất hay và thiết thực. Nếu chúng ta làm được những điều như vậy sẽ là lời cảm ơn thiết thực nhất gửi đến nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những người có công giúp đất nước VN chuyển mình như ngày hôm nay.

Những củ khoai thời gian khó

Vào năm 1985, chúng tôi đóng quân ở một vùng sát biên giới Campuchia. Sinh hoạt lúc đó vô cùng gian khổ: đói ăn, thiếu mặc. Có lúc chúng tôi tưởng không vững vàng được nữa. Một ngày nọ, chúng tôi nhận được tin Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt sẽ đến thăm đơn vị của chúng tôi.

Chưa kịp chuẩn bị gì thì ông đã xuất hiện. Không khách sáo, rất thân thiện và gần gũi, ông đi thẳng đến chỗ của chúng tôi. Sau một lúc bỡ ngỡ, chúng tôi chạy ùa ra vây quanh ông. Nhìn người lính chúng tôi thiếu thốn lúc đó, ông đã rất xúc động. Sau khi hỏi chuyện động viên chúng tôi, lúc ông ra về, chúng tôi đã mang ra một rổ khoai và nói với ông rằng đây là những củ khoai ngon nhất do chính chúng tôi làm ra, xin ông nhận cho tấm lòng của chúng tôi. Ông đã lặng người một lát vì xúc động và nói: "Cầm những củ khoai này, đứng ở nơi đây, tôi như đang đứng giữa tình yêu thương của tất cả các đồng chí”.

Sau chuyến viếng thăm của ông, đơn vị chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Mọi người không ai bảo ai đều hăng hái tham gia lao động, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

---------

Đừng bao giờ nản chí

egXegQX0.jpgPhóng to
Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt (x) cùng ngồi vỗ tay tươi cười với sinh viên trong giảng đường II của Trường đại học Tổng hợp TP.HCM (cơ sở 1, sau này đổi tên thành Đại học Khoa học tự nhiên) trong đêm liên hoan văn nghệ “tự biên tự diễn” của trường năm 1977 - Ảnh: VÕ DUY THANH
Mỗi khi ra Hà Nội, anh Sáu Dân thường dành thì giờ gặp một số anh từng là trợ lý, chuyên gia tư vấn của anh và nguyên là thành viên Ban Nghiên cứu của thủ tướng. Tôi cùng mấy anh được gặp anh lần cuối vào đầu tháng 5-2008. Anh ngồi nghe và trao đổi ý kiến với chúng tôi cả buổi chiều và câu chuyện còn kéo dài trong bữa ăn tối.

Chúng tôi nói với anh những suy nghĩ về công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, giãi bày tâm tư không một chút dè dặt. Anh chia sẻ nỗi lo lắng trước sự xuống cấp trên nhiều mặt của đời sống xã hội và những trăn trở về con đường đi lên của đất nước.

Anh thông cảm với tâm trạng bức bối do thiếu không khí tranh luận thẳng thắn, nhiều ý kiến đề xuất rất tâm huyết và xác đáng không được tôn trọng. Song khi tôi bộc bạch tâm trạng nhiều lúc thấy nản lòng thì anh cười và nói: "Thì tôi cũng có nhiều ý kiến đóng góp có được chấp nhận đâu. Nhưng tôi không nản và nghĩ rằng mình càng phải đi sâu nắm thực tế đầy đủ hơn, làm rõ hơn căn cứ để những kiến nghị có sức thuyết phục hơn. Đừng nản chí!".

Anh bảo "đừng" như một lời khuyên vì chúng tôi thuộc lứa tuổi đã ngoài 70. Song lời khuyên của anh có sức cảm hóa và thuyết phục lớn từ những gì mà anh nghĩ và làm, từ lòng tin sắt đá của anh đối với dân và đối với sự nghiệp của Đảng. Tính cách của anh được tôi luyện qua bao nhiêu năm hoạt động cách mạng, trải qua đấu tranh quyết liệt dường như đã miễn dịch với sự thối chí, nản lòng. Không bao giờ anh chịu bó tay trước khó khăn, trở lực, kể cả khi gặp thất bại tạm thời.

Năm 1995, khi đang là ủy viên Bộ Chính trị, thủ tướng Chính phủ, anh đã có một bản kiến nghị mấy vấn đề cơ bản về đường lối xây dựng đất nước gửi Bộ Chính trị. Bản kiến nghị không được chấp nhận mà còn bị một số đồng chí phê phán nặng nề vì có những điểm quan trọng khác với cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được thông qua tại Đại hội lần thứ VII của Đảng năm 1991 (cương lĩnh 1991). Anh vẫn rất bình thản và cho rằng chưa tới lúc có thể tranh luận ngã ngũ.

Hơn mười năm sau, Đại hội lần thứ X của Đảng năm 2006 có một số kết luận mới về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Kết luận này có những điểm khác với cương lĩnh 1991 và rất phù hợp với kiến nghị năm 1995 của anh Sáu Dân. Sự việc này tô đậm tính cách của anh là việc chưa thành thì phải chờ đợi nhưng dứt khoát không bó tay. Mọi người thường tô đậm hình ảnh anh Sáu là con người hành động, đi tiên phong trong công cuộc đổi mới bằng những giải pháp cụ thể để giải thoát bế tắc trong sản xuất và đời sống. Bản kiến nghị năm 1995 cho thấy anh không chỉ dừng ở giải pháp, chính sách cụ thể mà khi cần vẫn công phá vào những vấn đề về đường lối phát triển đòi hỏi tư duy sáng tạo và đổi mới có hệ thống.

Một người rời bỏ chức vụ trong bộ máy công quyền khi tuổi đã cao, xứng đáng được nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến hết mình cho dân, cho nước. Nhưng anh Sáu Dân không theo lẽ thường mà vẫn đem hết khả năng của mình đóng góp cho đất nước. Anh tiếp tục đi sát thực tế, tìm hiểu đời sống và tâm tư của dân, tiếp xúc với những người có trí tuệ và tâm huyết, gặp gỡ các đồng chí có trách nhiệm trong bộ máy lãnh đạo, gửi rất nhiều thư và bài viết tới các cơ quan và cá nhân người lãnh đạo để trình bày và kiến nghị những việc cần làm cho dân, cho nước; những bài của anh đăng trên báo chí chỉ là một số ít trong những kiến nghị đó. Đến những ngày cuối đời, anh vẫn nung nấu nhiều suy nghĩ, ấp ủ nhiều dự định về những vấn đề trước mắt và tương lai của đất nước.

Đối với mọi người Việt Nam ở trong nước cũng như đang lập nghiệp ở nước ngoài nặng lòng vì nước, muốn đóng góp cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, anh Sáu Dân thật sự là ngọn cờ vẫy gọi và cổ vũ dù anh không còn giữ chức vụ trong Đảng và bộ máy nhà nước.

Hôm nay, cúi đầu mặc niệm trước vong linh anh, tôi tâm niệm và nguyện thực hiện lời khuyên chân tình của anh: Đừng bao giờ nản chí!

-----------

* Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng:

Chú Sáu Dân - người bạn lớn của thanh niên

Với những người làm công tác Đoàn, từng có cơ hội làm việc với chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, đều cảm thấy mất mát lớn khi hay tin chú mất. Chú là người bạn lớn của thanh niên, có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ. Sức hấp dẫn đó không phải ở cương vị mà là ở phong cách năng động, ở tư duy sáng tạo, ở sự khích lệ thường xuyên, luôn động viên thanh niên xông xáo tham gia và vươn lên trên mọi lĩnh vực. Chú là người không chỉ đặt ra yêu cầu cho thanh niên phấn đấu tiến lên mà còn bằng tình cảm đặc biệt, luôn gợi mở cơ chế giao việc cho thanh niên, phát huy sức mạnh sáng tạo của lớp trẻ.

Từ khi thôi giữ trọng trách lớn, chú vẫn luôn quan tâm tới công tác thanh niên. Chú thường gọi hoặc tìm đến các tổ chức Đoàn để lắng nghe tiếng nói, tâm tư, tình cảm tuổi trẻ. Những lúc như vậy, chú luôn truyền vào lòng từng người ngọn lửa tuổi trẻ.

Tuổi trẻ VN đã mất một người bạn lớn. Nhưng những gì chú hun đúc cho giới trẻ giờ đây đang dần biến thành sức mạnh, như chú từng kỳ vọng ở thanh niên.

* ÔNG Nguyễn Cao Kỳ - cựu phó tổng thống chính quyền Sài Gòn:

Quí trọng ông Kiệt ở quyết tâm đổi mới

Với tôi, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhiều kỷ niệm. Cách nay độ hai năm, bữa cơm với ông đã gây ấn tượng cho tôi nhiều lắm. Trước khi dùng bữa với tôi, ông hỏi người quen của tôi để biết tôi thích món gì, uống rượu gì. Dù đấy là những chuyện nho nhỏ nhưng để nói lên tấm lòng của một con người rất tử tế.

Khi nói chuyện về đất nước, nguyên Thủ tướng Kiệt luôn luôn suy nghĩ về tiến triển của đất nước ở tương lai. Cây cầu đại đoàn kết dân tộc, những người như nguyên Thủ tướng Kiệt, tôi và nhiều người nữa đang xây cất không phải ngay ngày mai là có được. Có thể các thế hệ trước làm những nhịp cầu đầu tiên và tuổi trẻ sẽ tiếp tục xây dựng chiếc cầu đại đoàn kết dân tộc này.

Tôi rất đồng cảm với nguyên Thủ tướng Kiệt về cách nhìn vào tuổi trẻ, nhìn về tương lai. Đấy là một trong những điểm chính mà bản thân tôi thấy rất quí mến ông. Nguyên Thủ tướng Kiệt là một trong những người đi đầu và có quyết tâm đổi mới.

--------

Chú Sáu và nghề gốm Mang Thít

5igNsOE2.jpgPhóng to
Ông Thạch nghẹn ngào khi nhắc đến chú Sáu - Ảnh: M.G.
Mồng 3 tết năm 1994, ông Võ Văn Thạch (chủ cơ sở sản xuất gạch ngói Tư Thạch, ấp Định Thới A, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) và gần 20 chủ cơ sở sản xuất gạch ngói khác nhận được thông báo sẽ có "chú Sáu" tới thăm và nói chuyện. "Tui cứ nghĩ là chú Sáu ở trên tỉnh. Sau khi bà con đến đầy đủ, tiếng bo bo ngoài sông cập bờ (lúc đó Mang Thít vẫn chưa có đường lộ nối với thị xã). Mọi người bắt tay và chào người khách mới tới. Tui hết hồn hết vía vì đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đó là lần đầu tiên tui gặp chú Sáu, trước giờ chỉ thấy trên tivi. Lúc đó tui "lúa" dữ lắm" - ông Thạch kể.

Chú Sáu ngồi chung bàn với mọi người, hỏi han chuyện làm ăn, những khó khăn gặp phải. Ông Thạch nhớ lại: "Tui "báo cáo thủ tướng" thì chú nói thôi, gọi chú Sáu cho gần gũi. Tui trình bày luôn với chú Sáu là nghề này đứng trước nguy cơ lụi tàn. Lúc đó việc phát triển nghề sản xuất gạch ngói rất tự phát và theo phong trào. Cung lớn hơn cầu khiến giá bán giảm. Việc làm ăn khó khăn nhưng các cơ sở bị đánh thuế rất cao nên càng khó khăn hơn. Một năm lụi tàn kéo 10 năm vẫn chưa lại được.

Sau khi nghe xong, chú Sáu quay sang nói với chú Tư Cẩn (bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long lúc bấy giờ) xem xét chính sách thuế làm sao chứ để nghề này lụi tàn là không được, phải tháo gỡ khó khăn cho người dân. Ngay trong năm đó, tỉnh đã giảm 30% thuế cho các cơ sở. Cũng tại buổi gặp gỡ đó, tui cũng nói về những khó khăn của người làm gạch ngói do không được vay vốn ngân hàng và đề nghị tạo cơ chế thông thoáng hơn để các cơ sở có thể tiếp cận được nguồn vốn vay này. Chú Sáu nói ngay: Mày góp ý chuyện này rất đúng, để chú về coi lại".

Cơ chế vay vốn sau đó đã thông thoáng hơn, thuế thấp hơn các cơ sở sản xuất vì thế cũng phát triển tốt hơn. Lúc ấy ước tính có gần 200 cơ sở ở đây. Tuy nhiên do chưa có đường bộ, hàng làm ra phải vận chuyển bằng ghe lên phà Cổ Chiên sau đó mới đưa lên xe chở đi tiêu thụ nên bị hao hụt rất nhiều do bị bể. "Lúc đó còn là đường đất và lầy lội, nhiều nơi còn bắc cầu cây. Thay mặt bà con, tui nói với chú Sáu coi sao làm con đường để việc đi lại, làm ăn của bà con thuận tiện hơn. Chú Sáu nói để từ từ rồi tính.

Rồi chú không còn làm thủ tướng nữa nhưng năm nào về quê ăn tết, chú cũng ghé thăm cơ sở của tui. Tui lại nhắc chuyện con lộ. Có lần chú nói: "Mày chở chú đi thực tế xem sao", nhưng đúng bữa đó lại mưa nên không đi được. Tuy nhiên sau lần đó, chú Sáu đã đề nghị với Chính phủ đầu tư làm con đường này. Năm 1998 khởi công, năm 2000 đường tỉnh 902 được đưa vào sử dụng với chiều dài 35km. Bà con ở đây ai cũng mừng. Việc đi lại thuận tiện nên nhiều cơ sở đầu tư mở rộng, phát triển thêm nghề làm gốm sứ. Giờ việc vận chuyển hàng hóa đã thuận tiện hơn rất nhiều, không phải mất nhiều công đoạn như trước kia. Ở đây không chỉ phát triển gốm sứ mà còn nhiều nhà máy công nghiệp, cơ sở sản xuất khác cũng được xây dựng. Đời sống bà con ở đây giờ khác xưa nhiều lắm" - ông Thạch cho biết.

"Mấy năm nay tết nào về quê, chú Sáu cũng ghé thăm gia đình tui. Chú hỏi thăm nhiều thứ, động viên mọi người cố gắng làm ăn để phát triển nghề gốm hơn nữa. Chú nói chuyện gần gũi, thân tình như cha con. Chú còn kêu tui xuống đầu tư sản xuất ở Vũng Liêm để tạo việc làm cho người dân ở đó. Mới tết rồi, vợ chồng chú ghé thăm, chú vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm, vậy mà...". Ông Thạch bỏ lửng câu nói và nghẹn ngào, mắt vợ con ông cũng đỏ hoe.

Vĩnh Long: hơn 2.000 người viếng chú Sáu

Mặc dù 8 giờ ngày 14-6 lễ viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới chính thức bắt đầu, nhưng ngay từ 7g hàng trăm người đã tập trung tại trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Long để chờ vào viếng. Khi nhạc hiệu mặc niệm kết thúc, nhiều cặp mắt đỏ hoe. Những lời ghi trong ba cuốn sổ tang đều cho rằng "chú Sáu Dân qua đời là một mất mát lớn, mọi người vô cùng thương tiếc". Trường ĐHDL Cửu Long ngoài việc chia sẻ nỗi mất mát trước sự ra đi của chú Sáu Dân còn "xin phép gia đình chú Sáu Dân lập quĩ học bổng dành cho học sinh - sinh viên nghèo hiếu học của tỉnh mang tên Học bổng Võ Văn Kiệt".

Tính đến cuối ngày 14-6 đã có 140 đoàn với trên 2.000 người đến viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Vĩnh Long. Ngoài các sở, ban ngành địa phương còn có rất nhiều đoàn đến từ các địa phương khác như Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre...

Tin bài liên quan:

Chú Sáu Dân mãi ở giữa lòng dânVideo: Lễ truy điệu và an táng chú Sáu DânTiễn chú Sáu Dân về nơi an nghỉ cuối cùng“Tổ buôn lậu gạo” của bí thư Thành ủyNgày Quốc tang tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt Phim tài liệu: Ánh sáng tình ngườiXem Video: Thời sự VTV 13-6Lễ tang nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt bắt đầuSáng mãi nụ cười Võ Văn KiệtKhông ai chọn cửa mà sinh ra!Một lời đưa tiễnChú Sáu Dân đã ra điNguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trầnTrái tim Võ Văn Kiệt vẫn đập mạnh trong mạch sống dân tộc! (*)Ký ức về Võ Văn KiệtGiã biệt người đội viên danh dự của tuổi trẻ“Anh Sáu Dân” và khát vọng tri thức Lần đầu gặp mặt và làm việc với ông Sáu Dân

Đ.ĐẠI - Y.TRINH - P.VŨ 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0